Xót xa “giải cứu” cô giáo mầm non mùa COVID-19

04/03/2020 - 08:15

PNO - Nghỉ học kéo dài và chưa biết khi nào trẻ có thể quay trở lại trường đã đẩy nhiều trường, lớp mầm non tư thục đứng bên bờ phá sản, thầy cô phải ra đường tự giải cứu lấy mình.

 

Vốn dĩ là ngành giáo dục đặc thù, đại bộ phận giáo viên cán bộ là nữ, do đó tranh thủ ngày các cháu nghỉ, các cô giáo tại trường mầm non xã Thủy Thanh lại thay phiên nhau dọn vệ sinh, sát khuẩn góc học tập cho đến khu vui chơi, vệ sinh của các cháu
Cô giáo tại trường mầm non xã Thủy Thanh lại thay phiên nhau dọn vệ sinh, sát khuẩn góc học tập cho đến khu vui chơi, vệ sinh của các cháu trong đợt nghỉ học vì dịch bệnh COVID-19 (Ảnh minh hoạ)

Trường “đóng cửa”...

Ban giám hiệu Trường mầm non Việt Mỹ (đường Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) vừa phải ra thông báo “đứt từng đoạn ruột”: tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/3/2020. Nhà trường sẽ trả lại hồ sơ, học phẩm của các bé trong các buổi sáng, bắt đầu từ ngày 9/3 đến hết ngày 14/3/2020. Trước đó, trường có 150 bé theo học. Lần tạm ngừng hoạt động này cũng không biết khi nào có thể hoạt động trở lại.

Trường mầm non Cô Tiên (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cũng thông báo: trường không đủ điều kiện để chi trả bảo hiểm, lương cho giáo viên trong thời gian nghỉ dịch bệnh, nên trường sẽ tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/3. Đại diện nhà trường cho biết đã hoạt động được hơn ba năm nay và có 80 bé theo học. Trường xin lỗi và nhờ phụ huynh tìm trường mới để các con được tiếp tục việc học.

Số lượng các trường tư không thể cầm cự qua mùa COVID-19 chắc hẳn không dừng ở đây. Lãnh đạo các trường, nhóm lớp tư thục cũng nghĩ đủ cách để giữ trường, giữ cô nhưng theo các vị chủ trường thì nếu muốn giữ giáo viên ở lại phải trả lương và bảo hiểm, không thì nhiều giáo viên cũng quay đi tìm việc khác để sống.

Cô giáo cần… giải cứu

Đa phần giáo viên mầm non ở các trường, nhóm lớp tư đều còn trẻ, là người ở tỉnh nên phải gánh thêm tiền nhà trọ. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Trâm, giáo viên Trường mầm non Mỹ Đức (quận 12), cho biết, sau tết, cô vào TPHCM để đi dạy trở lại nhưng mới dạy được hai ngày thì học sinh phải nghỉ học để tránh dịch. Không làm ra tiền nhưng vẫn phải ăn uống, rồi tiền trọ, tiền điện nước… nên cô cùng với vài cô khác phải trả nhà trọ, xin hiệu trưởng cho vào trường ở.

Bà Nguyễn Hoàng Lăng Viên, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: trường vừa xây xong cơ sở 2 với trang thiết bị hiện đại, mô hình học mang từ nước ngoài về, song chỉ mới hoạt động được hai ngày thì đóng cửa cho đến nay. Tiền thuê mặt bằng hai cơ sở hết 175 triệu đồng/tháng, tiền lương 40 giáo viên, nhân viên cũng ngốn hết vài trăm triệu đồng. Quá khó khăn nên trường vẫn đang nợ các cô lương tháng Hai. Nếu kéo dài thì trường chỉ có thể hỗ trợ các cô từ 1-2 triệu đồng/tháng. 

Ngoài việc cho các cô vào trường ở, hiệu trưởng Trường mầm non Mỹ Đức còn về Bến Tre lấy cam, xoài, măng cụt… mang lên cho các cô bán. Một số cô khác thì ban ngày đến nhà phụ huynh giữ con, tối lại về trường ở...

Còn nhóm cô giáo của Trường mầm non tư thục Ngôi nhà trẻ thơ (990 Quốc lộ 1A, phường Thạnh Xuân, quận 12) phải dựng lều “Giải cứu giáo viên mầm non” trước cổng trường, bán nước mát và nước rửa tay để có thu nhập trang trải qua ngày. Đa phần các cô giáo ở đây đều là người ở tỉnh nên tranh thủ quay lại TPHCM từ mùng Sáu tết. “Đâu có ngờ dịch bệnh phải nghỉ hết tuần này đến tuần khác nên rủ nhau dựng cái lều, nấu nước mát bán, rồi mua thêm nước rửa tay về bán để kiếm thêm tiền sinh sống”, một cô giáo của trường chia sẻ. 

Gia Tuệ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI