Xét tuyển ĐH: Làm sao để dễ trúng tuyển?

05/04/2017 - 19:19

PNO - Ngày 5-4, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT đã có những giải đáp xung quanh việc đăng ký dự thi của thí sinh.

PV: Năm nay, thi THPT quốc gia có một số điểm mới. Để đăng ký dự thi và xét tuyển không gặp những sai sót đáng tiếc, thí sinh cần phải chú ý những điểm gì?

Ông Trần Văn Nghĩa: Khi đăng ký dự thi, thí sinh phải điền thông tin vào phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển vào đại học hoặc vào các ngành đào tạo giáo viên của các trường cao đẳng. Việc đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng khác thí sinh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thí sinh cần lưu ý một số điểm mới và những điểm mà thí sinh các năm trước thường mắc lỗi:

- Thí sinh đang học lớp 12 phải đăng ký thi đủ các môn thành phần của bài thi tổ hợp; chỉ có thí sinh tự do đã tốt nghiệp hoặc thí sinh được bảo lưu điểm thi  mới được chọn các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp;

- Thí sinh giáo dục thường xuyên không phải thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp, nhưng vẫn có thể đăng ký dự thi môn ngoại ngữ để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH;

- Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn hiệu lực theo quy định, để được miễn thi (đạt điểm tối đa) môn ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp, cần phải điền đầy đủ thông tin trong mục 15 của Phiếu đăng ký dự thi. Tuy nhiên các thí sinh cần lưu ý: để có thể đăng ký xét tuyển vào các tổ hợp xét tuyển sử dụng kết quả môn ngoại ngữ, các thí sinh cần xem đề án tuyển sinh của trường dự định đăng ký xét tuyển. Nếu trường không thực hiện chính sách xét tuyển môn ngoại ngữ với chứng chỉ quốc tế thì thí sinh phải đăng ký dự thi môn ngoại ngữ để đăng ký xét tuyền đại học, cao đẳng (đồng thời đăng ký miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp);

- Thí sinh có đăng ký sơ tuyển (vào các trường khối công an, quân đội, năng khiếu), cần sử dụng thống nhất số chứng minh nhân dân khi đăng ký dự thi và đăng ký sơ tuyển.

Khi điền thông tin đăng ký xét tuyển các thí sinh cần lưu ý:

- Điền chính xác thông tin vê ưu tiên trong tuyển sinh, thông tin về mã trường, mã ngành và mã tổ hợp để xét tuyển phải phù hợp với môn thi đã đăng ký.

- Khi lựa chọn trường, ngành cần cân nhắc kỹ lượng trên cơ sở nghiên cứu các quy định trong Quy chế tuyển sinh.

Với đối tượng là thí sinh tự do thi để xét tốt nghiệp (do năm 2016 chưa đỗ tốt nghiệp), Bộ có lưu ý gì?

Đối với đối tượng thí sinh tự do chưa đỗ tốt nghiệp THPT đăng ký dự thi tại các trường THPT hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Những thí sinh này được quyền bảo lưu kết quả thi năm 2016 để xét tốt nghiệp và được chọn các môn thành phần của bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp (ví dụ: thí sinh được bảo lưu môn Vật lí sẽ chỉ cần đăng ký thi môn Hóa học, Sinh học để xét tốt nghiệp). Tuy nhiên, nhiều trường đại học không sử dụng kết quả thi được bảo lưu từ năm 2016 để xét tuyển nên thí sinh cần nghiên cứu đề án tuyển sinh của trường dự kiến đăng ký xét tuyển để đăng ký dự thi cho phù hợp.

Một điểm quan trọng mà thí sinh tự do chưa tốt nghiệp cần lưu ý: thí sinh tự do nộp Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp cùng với Phiếu đăng ký dự thi.

 Trong một số tài liệu ghi sau mỗi môn thi sẽ thu lại giấy nháp, vậy thí sinh có được lưu lại kết quả làm bài của mình để dò với đáp án hay không?

Trong kỳ thi THPT quốc gia, các môn thi như Toán, Ngữ văn, các môn ngoại ngữ, thí sinh không phải nộp lại giấy nháp và đề thi. Còn lại, đối với các bài thi tổ hợp, sau hai môn thi thành phần đầu tiên của từng bài thi, thí sinh phải nộp lại đề thi và giấy nháp.

Tuy nhiên, thí sinh không phải nộp lại đề và giấy nháp ở môn cuối cùng của bài tổ hợp (môn sinh học trong bài khoa học tự nhiên và môn giáo dục công dân trong bài khoa học xã hội). Do các môn thành phần của bài thi tổ hợp được làm trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm nên thí sinh có thể lưu lại phương án trả lời tất cả các môn thành phần của bài thi trên giấy nháp môn thi cuối cùng.

Để có kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, co đẳng thí sinh đã đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp. Nếu có một bài thành phần trong bài thi tổ hợp có kết quả dưới 1,0 điểm, thí sinh có được xét công nhận tốt nghiệp không? Việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển sẽ được thực hiện như thế nào?

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tự chọn 1 trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Trong trường này điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, thí sinh đã đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó, kể cả trường hợp đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp.

Nếu thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp mà không dự thi 1 bài sẽ bị coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp và vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.

Khi thí sinh có kết quả của cả hai bài thi tổ hợp, hệ thống sẽ tự xác định bài tổ hợp nào không có môn thi thành phần bị điểm “liệt” (điểm từ 1,0 trở xuống) để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh. Trường hợp cả hai bài thi tổ hợp đều không có môn thành phần bị điểm “liệt”, hệ thống sẽ chọn bài thi có kết quả cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy, trong 2 bài thi tổ hợp chỉ cần 1 bài không có môn thành phần bị điểm “liệt” là thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp.

Đối với bài thi có môn thành phần bị điểm “liệt”, nếu đã tốt nghiệp, thí sinh không thể dùng kết quả cả bài thi đó để xét tuyển đại học, cao đẳng, nhưng vẫn có thể dùng kết quả của các môn thành phần có kết quả trên 1,0 điểm để đăng ký xét tuyển đại học.

Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp được bảo lưu tối đa là bao nhiêu môn? 

Nếu năm 2016 thí sinh thi đủ số môn, không bị kỷ luật ở mức hủy kết quả thi thì những môn thi có kết quả từ 5 điểm trở lên, thí sinh được bảo lưu và dùng kết quả bảo lưu để xét công nhận tốt nghiệp.

 Thí sinh có thể đăng kí xét tuyển vào cùng 1 ngành của 1 trường với nhiều tổ hợp được không? 

Thực tế, các trường đại học thường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành. Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành. Tuy nhiên, phải lưu ý: Mỗi một tổ hợp là một nguyện vọng;

- Nên đặt tổ hợp gồm các môn thi mà thí sinh có ưu thế ở thứ tự ưu tiên cao hơn.

Thí sinh có thể đăng kí một lúc 2 ngành vào cùng 1 trường đại học không? Và thứ tự xét tuyển như thế nào?

Thí sinh có thể đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Ở mỗi nguyện vọng, thí sinh phải đăng ký mã trường, mã ngành, mã tổ hợp để xét tuyển. Như vậy, thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành/nhiều tổ hợp trong một trường; mỗi ngành/mỗi tổ hợp trong ngành là một nguyện vọng. Khi đăng ký xét tuyển, ngay từ đầu, thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đó. 

 Với những đối tượng ưu tiên, cần điền thông tin vào Phiếu đăng ký dự thi ra sao?

Chế độ ưu tiên trong xét công nhận tốt nghiệp THPT bao gồm:

- Diện ưu tiên: Diện 1 là những thí sinh bình thường, không được cộng điểm ưu tiên; thí sinh Diện 2 được cộng 0,25 điểm,và Diện 3 được cộng 0,5 điểm.

- Điểm khuyến khích được cộng cho thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và chứng chỉ nghề, đoạt giải cá nhân, tập thể trong các kỳ thi quốc tế, thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Điều 36, Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định chi tiết về diện ưu tiên và mức cộng điểm khuyến khích. Khi đăng ký xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh cần điền thông tin về chế độ ưu tiên (diện ưu tiên và điểm khuyến khích) ở mục 11 và 12 trong Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.

- Chế độ ưu tiên trong xét tuyển gồm ưu tiên theo khu vực và ưu tiên theo đối tượng được quy định cụ thể tại Điều 7 Quy chế tuyển sinh đại học hệ chinh quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Khi đăng ký dự thi, thí sinh điền thông tin về chế độ ưu tiên trong xét tuyển vào mục 17 và mục 18 trong Phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI