Xách vali ra đi vì chồng suốt ngày nói “có gì đâu mà phải buồn”

13/12/2022 - 12:05

PNO - Không phải những nỗi buồn của chị không ý nghĩa mà chẳng qua chỉ vì chị là vợ của anh, còn anh đang bận đi chăm sóc nỗi buồn của người khác.

Sáu năm trước, khi mới về làm vợ anh, nỗi buồn của chị là mỗi ngày đều phải lo chuyện cơm nước, nhà cửa. Chị muốn nhờ anh phụ giúp, nhưng anh vốn sinh ra trong một gia đình mà đàn bà con gái phải làm hết mọi thứ nên anh chẳng động tay vào việc gì.

Chị kêu mệt và buồn, anh cũng chỉ nói: “Có gì đâu mà em phải làm quá lên. Bà vợ nào chẳng làm những việc như vậy”.

Chị sinh con trai đầu lòng, vẫn một mình quay cuồng giữa việc nhà, việc công ty và chăm con. Sức lực của một người đàn bà chỉ hơn 45kg không đủ để chị gánh nổi mọi thứ. Ngày nào chị cũng cảm thấy cả tấn đá đè nặng lên mình. Đêm hôm con ốm, chị một mình thức dậy bế vỗ rung cho con dễ ngủ, bên cạnh là tiếng ngáy đều đều của chồng. Mẹ chồng ra phụ vài bữa, lúc nào cũng dặn chị: “Con để yên cho T. ngủ để nó còn có sức đi làm”.

Chị kể: “Em buồn lắm vì phải làm hết mọi thứ. Nhưng anh, sau khi ăn sáng xong thì uống cà phê rồi sửa soạn ra khỏi nhà trước, anh chỉ buông vài câu trong lúc đang đi giày: “Có gì đâu mà phải buồn. Em cố gắng lên. Mình phải cố gắng thì mới hạnh phúc được em ạ”.

Chị nuốt ngược nước mắt vào trong khi đứa con gọi mẹ ơi, rồi cứ thế đứng bần thần trước màn hình điện thoại, không biết phải nhắn tin xin nghỉ làm thế nào để chăm con ốm.

(Ảnh minh họa)
Chị thấy cô đơn khi quay cuồng giữa núi việc (Ảnh minh họa)

Một lần, vì lơ mơ đãng trí, đang ngồi làm việc thì cứ nghĩ đến chuyện gia đình, chị làm sai một bút toán trong nghiệp vụ. May mắn là công ty không bị tổn thất nặng, đối tác thông cảm, nhưng chị bị sếp mắng và dọa sẽ cắt hết thưởng tết.

Trong bữa cơm, chị bưng cái chén thấy nặng, nước mắt cứ chực rơi. Vậy nhưng chưa kịp tâm sự gì thì anh đã mắng: “Có gì mà phải buồn, lỗi của mình thì mình phải chấp nhận thôi”. Chị bỏ chén đứng dậy, anh cũng không giữ lại.

Sau mỗi câu “có gì mà phải buồn” của anh, chị càng thấy mình không thể khóc được trước mặt anh nữa, cũng chẳng muốn tâm sự điều gì. Chị như con thoi cố gắng xoay bên nọ, bên kia, chỉ mong vẹn tròn trách nhiệm của mình trong gia đình. Tất cả nỗi buồn, chị nén thật sâu.

Vô tình đọc tin nhắn anh gửi cho đồng nghiệp mới, chị cứ ngỡ như anh hoàn toàn biến thành một con người khác. “Anh biết là em buồn. Em có cần anh làm gì để bớt buồn đi không?”, tin nhắn của anh dành cho người khác như một nhát dao đâm thẳng vào tim chị.

Hóa ra, không phải những nỗi buồn của chị không có ý nghĩa, mà chẳng qua chỉ vì chị là vợ của anh, còn anh thì đi chăm sóc nỗi buồn của người khác.

Bấy lâu nay, anh vẫn bận an ủi người khác mà chị không hay biết. Nếu mọi thứ đều có giới hạn thì đây chính là giới hạn chịu đựng của chị.

Buổi chiều hôm ấy, chị đón con về sớm hơn một chút. Thang máy tan tầm, chật người, cậu con trai chị dẫm lên chân bé gái bên cạnh. Bé gái khóc, con trai chị liền hét toáng lên: “Có gì mà phải khóc?” như thể cậu bé chẳng liên quan gì đến việc làm con nhà người ta khóc.

Vài tiếng người lớn nói với vào: “Cháu sai rồi, xin lỗi bạn đi chứ! Mẹ dạy con kiểu gì thế?” khiến chị như muốn hóa thành vô hình mà trốn đi. Chị bối rối, chỉ biết xin lỗi hộ con cho đến khi cửa thang máy mở.

Con trai quay sang bảo mẹ: “Có gì đâu mà mẹ phải khóc?”. Câu nói ấy khiến chị ngồi thụp xuống, khóc tu tu ngay trước cửa nhà. Cậu con trai sững sờ nhìn mẹ, không biết phải nói gì.

Chị khóc như chưa từng được khóc, như thể nỗi buồn kìm nén bao nhiêu lâu trong chị vỡ òa ra hết thảy.

Có gì đâu mà phải buồn ư? Buồn chứ, khi mỗi ngày đều như một cuộc chiến, phải tranh đấu, phải sống, phải cố tỏ ra mình ổn dù mệt muốn đứt hơi. Buồn chứ, khi người chồng của chị chưa bao giờ thấy nước mắt của chị là quan trọng, mà lại đi dỗ dành người đàn bà khác. Buồn chứ, khi con trai chị, cuối cùng cũng đã trở thành một phiên bản bắt người khác phải không được buồn, như bố…   

Chị cứ thế khóc suốt 40 phút mới thấy mình được thỏa thuê. Rồi khi thấy chẳng còn giọt nước mắt nào rơi xuống nữa, chị nói với con trai: “Minh, con có muốn đi với mẹ đến một nơi khác không?”. Cậu bé gật đầu rồi nhìn mẹ xếp đồ vào va li. Xuông xuôi, chị viết một lá thư để lại, nhấn nút gửi cái tin nhắn mà chị chụp được từ màn hình điện thoại của anh.

Không biết chị có quay trở lại căn nhà này không, nhưng trước hết chị thấy mình cần chuyển đến một nơi để được buồn… cho đã đời.

Khánh Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI