Vua Gia Long và lệnh cấm bắt con dâu bán dâm

18/11/2015 - 07:33

PNO - Nhằm bảo vệ tiết hạnh của phụ nữ, Gia Long ban bố lệnh cấm bắt con dâu bán dâm, nhưng điều luật này chỉ áp dụng cho những bà mẹ chồng.

Vua Gia Long với việc xây dựng pháp luật

Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), trên đà thắng lợi quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh đã lên ngôi hoàng đế, lập ra triều Nguyễn, đặt niên hiệu là Gia Long.

Thời gian đầu, để quản lý xã hội, vua Gia Long cho tiếp tục sử dụng bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) của nhà Hậu Lê và có sự điều chỉnh thích hợp. Ví dụ vào tháng 8 năm Nhâm Tuất (1802), ông lệnh cho các quan hình án tham khảo luật Hồng Đức, đặt ra điều lệ kiện tụng gồm 15 điều…

Bên cạnh đó, vua Gia Long thấy cần biên soạn bộ luật của vương triều mình nên vào năm Tân Mùi (1811), ông sai đình thần soạn định luật lệ: “Nên khảo xét những pháp lệnh, điều lệ của các triều, tham luật với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh, lấy bỏ cân nhắc mà làm thành sách” (Đại Nam thực lục chính biên).

Vua Gia Long va lenh cam bat con dau ban dam
Bàn việc soạn luật lệ (Tranh minh họa)

Năm Ất Hợi (1815), vua ban chiếu công bố bộ Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là bộ luật Gia Long). Đây cũng là bộ luật tổng hợp điều chỉnh trên phạm vi rộng các quan hệ xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dưới dạng các quy phạm pháp luật hình sự và áp dụng các chế tài hình sự.

Cấu trúc của Hoàng Việt luật lệ gồm có 398 điều, các điều khoản lại được chia thành 6 loại tương ứng với chức năng do 6 bộ phụ trách để tiện cho việc áp dụng: Danh lệ quy định những nguyên tắc chung về tội phạm và hình phạt (45 điều), Lại luật (27 điều), Hộ luật (66 điều), Lễ luật (26 điều), Binh luật (58 điều), Công luật (10 điều). Phần cuối của bộ luật là Tỷ dẫn luật điều quy định việc áp dụng tiền lệ pháp.

Ngay trong phần đầu của bộ luật, vua Gia Long viết đề tựa, trong đó có đoạn: “…Trẫm tự thân sửa chữa ban hành cho thiên hạ, khiến người ta biết được phép lớn cần ngừa, rõ như mặt trăng không thể ẩn giấu. Điều cấm răn dạy, nghiêm như sấm sét không thể xâm phạm.

Để các quan chức, nha lại có được phép tắc nghiêm minh mà thi hành và những kẻ ngu tối ngang bướng biết chỗ để tránh phạm tội, nhờ đó mà gần việc thiện, xa tội lỗi, tránh hình phạt, theo giáo hóa, không phạm vào các công việc cửa quan hữu ty, chẳng can hệ gì đến chính đạo. Như thế há tại chẳng phải là nhờ vào sự hưng thịnh của luật pháp hay sao?” (Đại Nam thực lục chính biên).

Lệnh cấm mẹ chồng bắt con dâu bán dâm

Ngoài việc kế thừa, học hỏi các thành quả trong xây dựng pháp luật của các vương triều trước đó, bộ luật Gia Long còn có các điều khoản nhằm xử lý các quan hệ xã hội mới phát sinh trong thực tế cuộc sống với những quy định, phân chia cụ thể, rõ ràng hơn, trong đó có những chế tài điều chỉnh các quan hệ gia đình (hộ hôn).

Ở mục “Nhân mạng” có phần quy định về tội “uy bức người khác dẫn đến họ tự vẫn”, tại đây có một phần đề cập đến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu như sau: “Đàn bà người nào bắt con dâu bán dâm nhưng con dâu không nghe, đã đánh đập cưỡng bức khiến con dâu tự vẫn thì xử giảo giam hậu. Nếu gian phụ ép con dâu cùng đi vào con đường tà dâm, khiến con dâu phải tự vẫn thì bị đày ra vùng biên giới xa xôi”.

Vua Gia Long va lenh cam bat con dau ban dam
Đánh đập ép buộc (Tranh minh họa)

Theo quy định này thì việc một người phụ nữ cưỡng ép, đánh đập con dâu bắt họ bán dâm để mình thu tiền lợi, bất kể người con dâu đó vẫn đang sống cùng chồng hay ở góa, dồn họ vào cảnh phẫn uất, bị tổn thương danh tiết mà cùng đường tự vẫn sẽ bị xử bằng hình phạt giảo giam hậu (bị thắt cổ nhưng tạm giam một thời gian sẽ thi hành án).

Cũng với hành vi tương tự nhưng bị xử đi đày được áp dụng khi người phụ nữ đó ép con dâu đi vào con đường tà dâm khiến họ tự vẫn. Hành vi này rộng hơn, nghĩa là có thể ép con dâu cùng bán dâm với mình, ép họ dùng nhan sắc quyến rũ đàn ông để lấy tiền bạc, hoặc ép họ cùng gian dâm với người đàn ông khác không phải là chồng mình, bất kể vì mục đích gì đều bị xử tội.

Trong phần tập chú của điều luật này còn nhấn mạnh về dấu hiệu cấu thành hành vi phạm tội: “Tội uy bức muôn hình vạn trạng, tất là uy thế của kẻ đó phải đáng sợ, việc uy bức quả là không chịu nổi, có tình trạng phẫn uất, không biết làm thế nào nhân đó mà tự vẫn, như vậy mới hợp với điều luật này.

Bởi vì ngu phu, ngu phụ thường nhân chuyện vặt vãnh mà dẫn đến quyên sinh thì không phải là do uy bức vậy. Tuy hình đa phần nhân luật pháp sơ lược mà dễ dàng buộc tội cho người ta, mà không biết đấy không phải là ý của luật vậy”.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI