Vụ 'Cha đánh mẹ bắt con ngồi coi' - Hội LHPN TP.HCM: 'Nhìn thẳng vấn đề và đi đến cùng sự việc'

27/03/2019 - 12:45

PNO - Ngày 25/3, Công an P.15, Q.Tân Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.250.000đ về hành vi đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình với N.P.H, nhân vật trong bài viết 'Cha đánh mẹ bắt con ngồi coi'.

Sau khi báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài Cha đánh mẹ bắt con ngồi coi (số ra ngày 25/3), Công an P.15, Q.Tân Bình đã mời anh N.P.H. - người bạo hành vợ và hai con nhỏ - lên trụ sở nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.250.000đ về hành vi đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình. Quyết định xử phạt căn cứ theo khoản 1, điều 19 Nghị định 167/2013 NĐ-CP của Chính Phủ. Đồng thời, Công an P.15 cũng buộc anh H. viết cam kết không tái phạm.

Vu 'Cha danh me bat con ngoi coi' - Hoi LHPN TP.HCM: 'Nhin thang van de va di den cung su viec'

Chị C.T.M. C. sau một trận đòn của chồng - ảnh do nạn nhân cung cấp. 

 

Công tác triển khai và thực thi Luật Trẻ em ở địa phương chưa đến nơi đến chốn 

Qua trình tự vụ việc, tôi nhận thấy chính quyền P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM đã thiếu quyết liệt và bỏ sót quy trình can thiệp nạn nhân là trẻ em bị bạo lực gia đình. Theo thông tin từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) ngày 25/1, phường lập tổ công tác, nắm vụ việc, lập hồ sơ là đúng. a khi nạn nhân (là hai cháu bé) đã khẳng định việc thường xuyên chứng kiến cảnh cha bạo hành mẹ, thì cán bộ trẻ em phường phải có kiến nghị, lên phương án bảo vệ trẻ, bởi trẻ cũng là đối tượng có nguy cơ bạo lực. Chính sơ sót và sự lơ là của cán bộ đã dẫn đến hệ quả là ngày 17/3 vừa qua, những đứa trẻ bị cha bạo hành và phải cầu cứu Tổng đài 111 để được đi tạm lánh.

Hơn nữa, sự việc đến hôm nay, mà UBND P.15, Q.Tân Bình chưa ban hành quyết định “tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha” - theo quy định tại điều 32 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trẻ em là sơ suất không nhỏ.

Theo hướng dẫn tại điều khoản này, chủ tịch UBND cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra trường hợp trẻ có nguy cơ bị bạo lực bởi chính cha, mẹ (hoặc người chăm sóc) có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin. Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ em, được gia hạn, nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Sự thiếu sót này một lần nữa cho thấy công tác triển khai và thực thi Luật Trẻ em ở địa phương này chưa đến nơi đến chốn. 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐTB&XH

Đây chính là những căn cứ để chị C. bổ sung vào hồ sơ xin ly hôn mà Tòa án nhân dân Q.Tân Bình đang thụ lý. Ngoài ra, theo luật sư Phan Thị Kim Anh, Đoàn luật sư TP.HCM, biên bản xử phạt còn là một căn cứ để tòa xem xét ban hành quyết định cấm anh H. tiếp xúc với các nạn nhân theo đơn yêu cầu gửi tòa của chị C. ngày 22/3 vừa qua. 

Để hỗ trợ thiết thực cho các nạn nhân, sáng 25/3, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức cuộc họp khẩn với Hội Phụ nữ Q.Tân Bình, các ban chuyên môn và Tổ Trợ giúp pháp lý.

Tại cuộc họp, Hội LHPN Q.Tân Bình cho biết, buổi sáng cùng ngày, Hội đã cử cán bộ phường nơi chị C. và các con đang tạm lánh giúp chị đưa rước hai cháu đi học, để chị yên tâm làm việc chờ đến ngày ra tòa ly hôn với chồng vào đầu tháng 4/2019.

Hội Phụ nữ quận cũng đã cử chuyên viên tâm lý tiếp cận mẹ con chị C. để từng bước tháo gỡ các vấn đề tâm lý cho các nạn nhân.

Sau buổi làm việc, Hội Phụ nữ Q.Tân Bình với tư cách là thành viên ban chỉ đạo Phòng chống bạo lực gia đình, đã gửi công văn đề nghị Công an quận chỉ đạo Công an P.15 và phường nơi mẹ con chị C. đang tạm lánh có các biện pháp giúp đưa đón hai cháu học hành, cũng như đảm bảo an toàn, tránh chuyện đáng tiếc xảy ra.

Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, nêu quan điểm của Hội LHPN TP.HCM là “nhìn thẳng vấn đề và đi đến cùng vụ việc”.

“Chúng tôi sẽ theo sát, kịp thời chỉ đạo các cấp Hội quận và phường tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của chị C. cùng hai con theo đúng quy trình; thể hiện hiệu quả của vai trò giám sát” - bà Huyền Thanh nói.

Việc thi hành pháp luật của các cấp,  các ngành địa phương chưa hiệu quả

 Chị C. và các con bị bạo lực gia đình (BLGĐ) trong một thời gian dài mà chưa được xử lý ngăn chặn, bảo vệ, chế tài, cho đến khi Hội LHPN thành phố và báo Phụ Nữ lên tiếng là quá chậm chạp. Với những biên bản mà UBND phường đã lập ngày 25/1 và 19/3 từ lời khai của các cháu bé, của anh H. xác nhận hành vi đánh vợ, con, cùng những đơn kêu cứu mà người thân chị C. gửi chính quyền từ tháng 9/2015, tháng 3/2019… chính quyền hoàn toàn có thể ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cấm anh H. tiếp xúc với các thành viên gia đình theo quy định pháp luật. Còn khi chị C. hoặc một trong hai cháu bé bị thương tật trên 11%, cùng với yêu cầu của nạn nhân, hồ sơ này phải được công an P.15 lập và chuyển về cơ quan điều tra công an quận thụ lý, nếu đủ căn cứ, anh H. còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều này cũng cho thấy việc vận dụng, thi hành pháp luật về BLGĐ của các cấp, các ngành tại địa phương chưa thật sự hiệu quả.

Đành rằng, chị C. chưa mạnh dạn và chủ động tố cáo, hoặc nhờ chính quyền, công an địa phương can thiệp giúp đỡ, và muốn duy trì cuộc sống chung để con có cha, nhưng với sự trình báo của người thân về hành vi BLGĐ thì các cơ quan thẩm quyền ở địa phương cần phải phối hợp xác minh, tư vấn, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân, xử lý người có hành vi BLGĐ. Các biện pháp này cần thực hiện một cách quyết liệt, kịp thời và đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Tuy Hội Phụ nữ các cấp không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi BLGĐ, nhưng là cơ quan đặc thù, gần gũi, có các biện pháp tư vấn, tham mưu, kiến nghị… để bảo vệ hiệu quả các nạn nhân. 

Trong vụ việc trên, Thành Hội LHPN đã kịp thời và kiên quyết trong chỉ đạo, nhắc nhở đối với cơ quan Hội Phụ nữ cấp quận và phường. Song, các cơ sở hội cần quán triệt hiệu quả về các biện pháp phòng, chống BLGĐ, xâm hại phụ nữ và trẻ em cho các địa phương, đảm bảo cơ sở triển khai đúng quy trình can thiệp. 

 Luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cấm tiếp xúc theo quy định pháp luật

* Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) là cấm người có hành vi BLGĐ tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ được áp dụng nếu biện pháp đó là cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe danh dự của nạn nhân BLGĐ theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình. (Điều 129 -  Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)

* Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ là việc không cho phép người có hành vi BLGĐ thực hiện các hành vi sau đây:
- Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m; trừ trường hợp giữa người có hành vi BLGĐ và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân.
- Sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân. (Điều 8 Nghị định 08/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình)

* Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra BLGĐ quyết định cấm người gây BLGĐ tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ trong thời hạn không quá 3 ngày. (Khoản 1 điều 9 Nghị định 08/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình)

* Tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân BLGĐ và người có hành vi BLGĐ quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng. (Khoản 1 điều 21 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007)

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI