Vợ liệt sĩ Gạc Ma và bức thư cuối cùng chồng gửi lại dặn dò trước ngày hy sinh

14/03/2018 - 14:22

PNO - “Anh gửi em 1 quần pho, 1 tấm vải xẹc và 50 nghìn đồng để em bồi dưỡng lúc sinh nở hoặc mua gì đó để làm vốn…” là lời dặn của liệt sĩ Phan Huy Sơn gửi vợ trước lúc hi sinh ở Gạc Ma năm 1988.

Nhớ về con trai từ những đêm trắng đi cất rớ

Cầm chắc di ảnh của người con trai trên đôi bàn tay nhăn nheo, những ký ức về những ngày gian khó của hai mẹ con lại ùa về khiến bà Nguyễn Thị Nhị (76 tuổi, trú phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An) không cầm nổi dòng nước mắt. 

Ở tuổi 19, cậu con trai thứ của bà Nhị là liệt sĩ Phan Bá Giang (SN 1968) tình nguyện đi gia nhập lực lượng hải quân để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. Anh đã dũng cảm hy sinh cùng 63 đồng đội trong trận đánh ở Gạc Ma khi tròn tuổi 20.

Là con trai thứ trong gia đình có 4 anh chị em, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Phan Bá Giang sớm phải cùng bố mẹ lam lũ mưu sinh để lo cho các em của mình. “Giang hiền lành và ngoan lắm. Cũng chỉ vì khó khăn nên nó hay xin nghỉ học để cùng tôi ra đồng”, bà Nhị chia sẻ.

Vo liet si Gac Ma va buc thu cuoi cung chong gui lai dan do truoc ngay hy sinh
Bà Nhị kể về những tuổi thơ gian khó của hai mẹ con khi cầm di ảnh con trai trên tay.

Theo bà Nhị, để có cái ăn, hai mẹ con bà thường phải lăn lội khắp các cánh đồng để bắt cua, bắt ốc. Đêm đêm lại mang rớ đi cất tép đến tận rạng sáng mới về. 

Theo học đến cấp 3, Giang viết đơn xin gia nhập quân đội. “Trên đường ra đảo năm đó, Giang có viết một bức thư gửi về hỏi thăm sức khỏe cả gia đình. Trong thư, Giang nói đang trên đường ra đảo, cha mẹ ở nhà yên tâm. Lúc nào ra tới nơi con sẽ lại viết thư về cho cha mẹ… Nhưng đó lại là những lời cuối cùng chúng tôi nhận được của Giang”, bà Nhị nhớ lại.

Một sáng sớm định mệnh năm 1988, gia đình liệt sĩ Phan Bá Giang nhận được thông tin anh hy sinh thông qua loa truyền thanh của phường. Cũng như thân nhân của 63 liệt sĩ Gạc Ma xả thân giữa biển, bà Nhị đã không được nhìn thấy hình hài con mình, không được tự tay chôn cất con. 

Vo liet si Gac Ma va buc thu cuoi cung chong gui lai dan do truoc ngay hy sinh
Bà Nhị sửa sang lại bàn thờ để chuẩn bị cho ngày giỗ lần thứ 30 của con trai.

“Con hy sinh rồi nằm lại ngoài biển khơi khiến nhiều đêm tôi không ngủ được. Mong ước hài cốt của con trai được đưa vào đất liền chôn cất chắc đã không còn nữa rồi”, bà Nhị nói.

Xen lẫn nỗi đau là niềm tự hào khi có người con dũng cảm hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Chỉ lên bàn thờ, bà Nhị tâm sự: “Mấy hôm trước, nghe tin người Việt Nam ở Nhật Bản tổ chức tưởng niệm và tri ân các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma”.

Chiếc áo kỷ niệm của chồng

Như thường lệ, bà Trần Thị Ninh (trú xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An), vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn lại tỉ mỉ sửa sang lại bàn thờ, mua sắm hoa… về chuẩn bị cho ngày giỗ của chồng khi ngày 14/3 đã cận kề. Bà Ninh và ông Sơn vốn là người cùng làng và là bạn học của nhau. Học hết cấp 3, ông bà xin phép 2 bên gia đình làm lễ cưới. Cưới nhau được 4 tháng, tháng 2/1982 ông Sơn lên đường nhập ngũ.  

Ít năm sau, đứa con trai đầu lòng của hai vợ chồng là Phan Huy Hà chào đời nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ. Cuối năm 1987, ông Sơn được về phép rồi có thêm đứa con gái. “Khi đang mang bầu đứa thứ 2 thì anh ấy lại lên đường rồi hy sinh khi con vẫn chưa kịp chào đời”, bà Ninh nghẹn ngào nói.

Vo liet si Gac Ma va buc thu cuoi cung chong gui lai dan do truoc ngay hy sinh
Bà Năng tận tình chăm sóc cho cậu con trai bệnh tật của mình.

Liệt sĩ Phan Huy Sơn trong mắt người vợ của mình là người chu đáo và hết mực thương yêu vợ con. “Anh dặn dò đủ thứ trước khi đi, rồi khi ra tới nơi lại còn gửi thư về dặn dò”, bà Ninh nhớ lại và cho biết ngày 9/3/1988, bà nhận được bức thư của chồng gửi về trước khi lên đường ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ.

Ngoài những lời căn dặn, bà Ninh còn nhận được một tấm vải của chồng gửi để may áo. “Anh gửi em 1 quần pho, 1 tấm vải xẹc (em đóng áo mà mặc), 2 gói mì chính (ngoại 1 gói + nội 1 gói) để em và con dùng và 50 nghìn đồng để em bồi dưỡng lúc sinh đẻ hoặc mua cái gì đó để làm vốn…”. 30 năm trôi qua, bức thư cuối cùng chồng gửi về trước khi hy sinh vẫn được bà Ninh gìn giữ cẩn thận, nguyên vẹn.

Hàng chục năm qua, người mẹ đơn thân này phải gồng gánh chăm sóc cho cậu con trai bệnh tật, động viên và tiếp nối giấc mơ cho cô con gái. Không phụ công của mẹ, chị Phan Thị Trang (30 tuổi, con gái bà Ninh) cũng tốt nghiệp ngành y, được tuyển dụng đặc cách vào Bệnh viện huyện Diễn Châu làm việc.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI