Vợ chồng người phụ nữ gốc Việt bật mí lý do Mỹ tặng nhiều giác mạc cho Việt Nam

03/06/2019 - 15:02

PNO - Bác sĩ Kondrot và vợ ông – bà Ly Kondrot thường làm thiện nguyện khắp nơi trên thế giới. Ông bà đến các quốc gia nghèo để thực hiện mổ mắt, ghép giác mạc miễn phí cho người nghèo, đặc biệt là trẻ em.

Ngày 3/6, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiếp nhận một món quà “đặc biệt” – đó là 10 giác mạc do bà Ly Kondrot (một phụ nữ gốc Việt) và chồng là bác sĩ Kondrot (thành viên Hội Nhãn khoa Hawaii, Hoa Kỳ) chuyển từ Mỹ về Việt Nam với mong muốn đem lại ánh sáng cho người nghèo.

Vo chong nguoi phu nu goc Viet bat mi ly do My tang nhieu giac mac cho Viet Nam

Vợ chồng bác sĩ Kondrot (áo xanh đậm) trao món quà vô giá cho Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tại sân bay Đà Nẵng.

Bác sĩ Kondrot chia sẻ, trước khi thực hiện các chương trình thiện nguyện, ông sẽ thông báo với Ngân hàng Mắt tại Mỹ để nhận hỗ trợ nguồn giác mạc. Thông thường, Ngân hàng Mắt chỉ gửi cho ông khoảng 2-3 giác mạc với đầy đủ hồ sơ nguồn gốc trước chuyến bay đi làm từ thiện của ông. 

Nhưng lần này ông rất ngạc nhiên khi Ngân hàng Mắt gửi đến 10 giác mạc – là số giác mạc lớn nhất mà bác sĩ từng nhận được khi đi tới các quốc gia. Đây là giác mạc của những người Mỹ qua đời hồi tháng 5 vừa qua.

Ngân hàng Mắt nói với ông rằng: “Việt Nam rất thiếu giác mạc nên chúng tôi dành 10 chiếc cho chương trình này”.

Bà Ly Kondrot, vợ bác sĩ Kindrot là một người gốc Việt. Đồng hành cùng chồng trên các nẻo đường giúp đỡ bệnh nhân nghèo, người phụ nữ mang trong mình dòng máu Việt luôn mong muốn được trở về quê hương. Và mong ước ấy của bà Ly Kondrot nay đã trở thành hiện thực.

Vo chong nguoi phu nu goc Viet bat mi ly do My tang nhieu giac mac cho Viet Nam
Bác sĩ Kondrot gặp gỡ và kiểm tra mắt cho bệnh nhân chờ ghép ngay sau khi từ sân bay Đà Nẵng tới Bệnh viện Trung ương Huế.

Vợ chồng bác sĩ Kondrot về Việt Nam theo lời mời của Bệnh viện Trung ương Huế để cùng thực hiện ghép giác mạc và phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại Huế từ 3– 7/6/2019.

Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia cho biết, có 5 giác mạc được chuyển cho Bệnh viện Trung ương Huế ghép cho bệnh nhân nghèo ngay trong đợt phẫu thuật này. Ngoài ra, còn có 50 bệnh nhân khác tại đây được mổ đục thủy tinh thể.

5 giác mạc còn lại được Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chuyển ra Hà Nội ngay trong ngày 2/6 và trao lại cho Ngân hàng Mắt (thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội).

Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc Ngân hàng Mắt - cho biết, đây là món quà quý báu đối với đơn vị này và các bệnh nhân đang chờ ghép giác mạc.

Vo chong nguoi phu nu goc Viet bat mi ly do My tang nhieu giac mac cho Viet Nam
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia- trao lại 5 giác mạc cho Ngân hàng Mắt.

Theo thống kê của Ngân hàng Mắt, năm 2018 cả nước có 109 ca hiến giác mạc với gần 200 giác mạc đảm bảo được chất lượng và đã ghép cho các bệnh nhân chờ đợi.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Mắt tiếp nhận 65 ca hiến. Trong khi đó, số người đăng ký chờ ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt luôn dao động từ 800 - 1.000 người. Số lượng giác mạc có được rất ít nên bệnh viện này ưu tiên ghép 1 giác mạc trước cho những người bị hỏng cả 2 mắt.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI