Viết như một sự trở về

16/05/2017 - 13:33

PNO - Dù là nhà văn chuyên nghiệp hay không chuyên, họ đều đã chung tay đóng góp cho văn đàn quê nhà những tác phẩm có giá trị.

Nuage Rose Hồng Vân là một cái tên còn rất lạ nhưng buổi ra mắt tự truyện Ba áng mây trôi dạt xứ bèo (Quỳnh Lê dịch, NXB Trẻ ấn hành) của chị tại Đường sách TP.HCM sáng 14/5 lại thu hút rất đông bạn đọc.

Cuốn sách gây chú ý từ cái tựa đầy hình tượng đến giải thưởng Tác phẩm yêu thích nhất năm 2013 của Hội Nhà văn Pháp. Đây là một tự truyện, nhưng được tác giả thể hiện ở ngôi thứ ba trong hình thái một đứa trẻ để kể về những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

“Ban đầu tôi chỉ viết như những bức thư yêu thương của một đứa trẻ gửi cho mẹ, xa hơn là gửi tình yêu cho đất nước mình. Tôi không nghĩ những chuyện của cá nhân, của gia đình lại có ngày được in thành sách, lại còn được xuất bản ở Việt Nam. Độc giả Pháp rất thích đọc những chuyện kể kiểu như cách ăn tết của người Việt, cách têm trầu, pha trà… còn với người Việt Nam, những điều đó có lẽ rất bình thường. Ký ức về chiến tranh cũng đã rất nhiều người viết, nên khi sách được in ở quê nhà, tôi thật sự xúc động” - Hồng Vân tâm sự. 

Viet nhu mot su tro ve

Từ thập niên 80 chị đã rời Hà Nội sang Pháp hoàn thiện chương trình thạc sĩ văn học cổ điển Pháp và kỹ sư công nghệ thông tin, rồi làm việc tại Paris trước khi được bổ nhiệm làm tùy viên kinh tế thương mại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tổng thư ký Văn phòng ASEAN rồi quay về Paris... Cuộc sống tiếp nối bằng những chặng đường hoàn toàn khác với thời thơ ấu theo bố - là bác sĩ quân y - sơ tán khắp các vùng ven Hà Nội của mấy mươi năm trước.

Vậy nhưng, khi viết cuốn sách, Nuage Rose Hồng Vân chỉ viết về ký ức. Chiến tranh qua lăng kính của một đứa trẻ đầy chân thực, ám ảnh. Nhưng, giữa những u ám, đói khát và sợ hãi, tình yêu vẫn lấp lánh, sáng bừng hy vọng và tinh thần lạc quan.

Hồng Vân nói đi nói lại rất nhiều lần rằng chị không phải là nhà văn, nhưng những trang viết của chị lại không hề tủn mủn chuyện cá nhân mà chứa đựng cả một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước. Sách đầy chất điện ảnh, giàu hình tượng. Mỗi người trong gia đình đều là một nhân vật đầy đủ tính cách, số phận và chuyển tải những giá trị nhân bản. 

Trong khi nhiều tác giả trong nước thích trải nghiệm các nước, viết về “những điều trông thấy”, thì ngược lại, những cây bút ở nước ngoài lại chọn viết về quê nhà. Nhà văn Nguyễn Hữu Tài sống ở Mỹ gần 20 năm vẫn mãi viết về quê hương Ninh Hòa (Nha Trang) - nói theo cách của anh là “cho thỏa nỗi nhớ quê”.

Những chuyến thiên di, Chồm hổm giữa chợ quê, Sài Gòn anh yêu em!... là những cuốn sách mà nếu không biết tiểu sử tác giả, sẽ chẳng ai nghĩ đó là một người đã trưởng thành ở xứ người.

Nhà văn Lê Minh Hà (hiện sống tại Berlin, Đức) cũng viết về Hà Nội bằng những ký ức xốn xang, trong cả tiểu thuyết lẫn tạp văn. Phố vẫn gió, Thương thế ngày xưa, Còn nhớ nhau không?... là những tác phẩm “bồi hồi hình bóng cố hương” của nhà văn. Với những tác giả của “dòng văn học xa xứ”, viết như một hành trình trở về nguồn cội.

Viet nhu mot su tro ve

Sống ở nước ngoài, tư duy, quan điểm của người viết có thể phóng khoáng hơn, nhưng nỗi nhớ cũng mãnh liệt, tha thiết hơn. “Viết để tri ân đất nước mà tôi luôn thương nhớ và tự hào” - như bộc bạch của Nuage Hồng Vân. Họ viết bằng nỗi hoài hương đau đáu nên những điều tưởng chừng rất quen thuộc trong nếp nhà người Việt, khi được miêu tả trong sách, lại trở thành nét văn hóa độc đáo. 

Một người luôn nói mình không phải là người viết chuyên nghiệp, nhưng đã in hai cuốn tiểu thuyết - cuốn nào cũng có sức nặng, là doanh nhân Trần Quốc Quân (sống tại Đức). Tuyết hoangBóng làng của ông là những câu chuyện hoặc ám ảnh, hoặc trào lộng về cuộc sống của người Việt ở Đông Âu.

Cùng với nhà văn Nguyễn Văn Thọ (tiểu thuyết Quyên đã được chuyển thể thành phim), ngòi bút hiện thực của Trần Quốc Quân mở thêm những góc nhìn rộng hơn về một không gian sống ít được khai thác ở xứ người. Mỗi người một cách thể hiện, nhưng đã bổ sung cho nhau trong việc vẽ lại bức tranh hiện thực. 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI