Viết nhật ký chi tiêu là sợ chồng?

10/05/2022 - 13:16

PNO - Bạn bè biết tôi ghi nhật ký chi tiêu, liền kết tội ông chồng tôi ki bo, bủn xỉn.

Mấy năm đầu hôn nhân, tôi chưa biết cách quản lý chi tiêu, thế là tiền như… có cánh. 

Vợ chồng tôi làm ra bao nhiêu, dù lương tầm khá, cuối tháng cũng chẳng dư đồng nào. Chồng tôi thắc mắc, tại sao lương ổn nhưng vẫn không thể dành dụm tiết kiệm. Tiền nong trong nhà là do tôi quản lý, nếu cứ như vậy tôi dễ mang tiếng tiêu hoang, trong khi tôi nào có tiêu cho bản thân là mấy!

Tôi nghĩ ra cách viết nhật ký mua sắm. Nhờ ghi chép tôi mới thấy, tiền không hề có cánh, mà do người giữ tiền mua vô tội vạ, hoặc mua ít nhưng mua nhiều thứ nhỏ lẻ, cộng dồn lại, mỗi ngày, sẽ thành con số không hề nhỏ. 

Bạn bè biết tôi ghi nhật ký chi tiêu, liền kết tội ông chồng tôi ki bo, bủn xỉn. Họ đoán, “có sao” thì nhỏ Nguyên (là tôi) mới phải ghi chi tiêu ra giấy. Có người nói tôi dại: “Bạn làm ra tiền, sao tự làm khổ mình? Nhỡ có tiêu nhiều, tiêu thâm thì cũng vì nhu cầu. Nếu biếu cha, biếu mẹ, mua sắm, thậm chí làm từ thiện cũng chẳng sao, miễn đừng xé tiền, vứt tiền thì thôi, viết nhật ký chi tiêu, chứng tỏ sợ chồng”. 

Ảnh mang tính minh họa - Drazen Zigic
Tôi tập viết ra các khoản tiêu để khống chế sự lãng phí, quá tay (Ảnh mang tính minh họa - Drazen Zigic)

 

Nhưng tôi nghĩ khác, phụ nữ viết nhật ký chi tiêu chẳng có gì sai cả. Sự minh bạch bao giờ cũng tốt. Có lần đưa nhật ký chi tiêu cho chồng đọc, anh ấy hiểu tôi hơn, dặn tôi tiết kiệm thêm chút nữa. Chồng tôi không phải người quá thoải mái trong chi tiêu, nhưng hoàn toàn không phải người ki bo, cái gì hợp lý thì tiêu không tiếc, cái không đáng thì không nên mua. “Phải tiết kiệm thì mới có dư” là phương châm của anh ấy. 

Từ ngày viết nhật ký, tôi thấy mình tiêu tiền cẩn trọng hơn. Nếu trước ra chợ gặp món đồ chơi nào tôi cho là con thích, nhưng khi mua về, con chỉ vui chơi chốc lát rồi quăng một góc, hoặc như chuyện tôi rất thích ăn rau, hôm nào gặp người bán rau sạch, tôi mua khá nhiều (rau sạch thường đắt gấp đôi rau thường), nhưng rau thì không để dành lâu được, kết quả là rau hỏng, phải bỏ đi. 

Sau này tôi rút kinh nghiệm, dù rau ngon, sạch cỡ nào cũng mua vừa đủ ăn. Hiệu quả của việc viết nhật ký chi tiêu là chúng tôi đã có chút tiền dành dụm.

Thừa thắng xông lên, có khi tháng này dư nhiều hơn tháng trước, nhưng không phải quá tiết kiệm, cái gì đáng chi vẫn chi, cái gì không đáng thì dừng lại.

Tôi nghĩ, chị em nội trợ nên viết nhật ký. Mua hũ kem, biếu tiền ba mẹ cũng viết vào, như thế càng tạo niềm tin với chồng. 

Dĩ nhiên cũng có những tháng dù tiết kiệm, chúng tôi vẫn thâm hụt, do luôn xuất hiện những khoản phát sinh bất ngờ. Nhưng điều đó vẫn có thể chấp nhận, vì đều là những thứ cần chi. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Nhờ viết nhật ký chi tiêu, tôi tiết kiệm được kha khá (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

 

Cũng nhờ viết nhật ký mà chồng tôi hãm bớt nhậu nhẹt, đàn đúm. Anh không ngại làm thêm để tăng thu nhập. Vợ giữ tiền, tài chính gia đình ổn định, chồng khí thế, nên với tôi, việc viết nhật ký chi tiêu đã phát huy hiệu quả, bản thân tôi cũng quản lý được chi tiêu của mình. 

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có gia đình chẳng cần phải viết nhật ký, cứ chi tiêu hợp lý là được. Chẳng biết việc ghi chép tiêu dùng có khiến tôi trở thành cá biệt không, bao nhiêu người trên thế gian làm việc này giống tôi? Tôi không nghĩ ngợi nhiều. Làm việc gì cảm thấy có lợi cho mình, cho gia đình mình thì nên duy trì. 

Song Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI