Về sông ăn cá…

29/06/2018 - 18:57

PNO - Sau các tập sách viết về TP.HCM, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng đã đưa độc giả về những phố thị miền Tây, trong tập 'Lang thang phố thị đồng bằng sông Cửu Long' (Phương Nam Books và nhà xuất bản Thế Giới vừa ấn hành).

Sách được viết từ những chuyến công tác, trải nghiệm của tác giả tại Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp... Mỗi tỉnh đều được cấu trúc theo các phần: ẩm thực, điểm tham quan và lễ hội văn hóa. Bên cạnh những trang viết thấm đẫm hơi thở đời sống miền sông nước là những bức tranh sơn dầu vẽ cảnh, vẽ người ở những nơi tác giả đã đi qua.

Điều khiến người đọc thấy nao lòng nhất có lẽ là những món ăn đặc sản từng vùng được giới thiệu cặn kẽ. “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá về đồng ăn cua...” - câu ca dao Việt Nam được chọn in ngay trên bìa sách cũng chính là tinh thần chung của cuốn sách.

Ve song an ca…
 

Mát lành, dịu ngọt, nhớ thương với móng còng Cần Giuộc, ốc gạo Tân Phong, cá cháy Trà Ôn, lạp xưởng Vũng Thơm, khô trâu Thạnh Trị; rồi bánh khọt, bánh ống lá dứa, hủ tíu cá, bún nước lèo, gỏi sầu đâu khô cá sặc, canh chua cá lóc... Sao mà đậm đà hương vị miền Tây. Sao mà nghĩa tình sâu nặng! Chỉ những món ăn thôi cũng đủ để những người con xa bồi hồi nhớ quê xưa.

Lang thang phố thị đồng bằng sông Cửu Long không phải sách biên khảo, cũng không hẳn là du ký. Có thể gọi đây là một tập tùy bút kết hợp thông tin như cẩm nang du lịch của từng tỉnh, rất bổ ích cho “người lạ” muốn khám phá vùng đất hiền lành này.

“Vùng đất lạ lùng với kênh rạch, sông ngòi chằng chịt mặn ngọt đan xen; khô hạn và lũ lụt, hiện đại và hoang sơ, giàu có và nghèo khó, vùng đất đầy bất ngờ chưa khám phá hết. Du lịch sẽ tạo cơ hội đầu tư, phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long chính là mong muốn lớn nhất của cuốn sách này” - kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI