Úc trong thế bị bao vây nếu đối đầu với Trung Quốc

27/05/2020 - 06:04

PNO - Khả năng phòng thủ của Úc hiện chỉ bao gồm căn cứ ven biển và trong lục địa. Úc phụ thuộc vào Mỹ trong công tác bảo vệ lãnh thổ.

Gần đây, truyền thông Úc lên án việc Bắc Kinh cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn lò mổ lớn tại Úc, áp mức thuế hơn 80% đối với lúa mạch và từ chối cuộc điện thoại của Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham. Thế nhưng, nỗi lo thật sự của Úc còn lớn hơn thế.

Trung Quốc bén rễ từ trong lòng nước Úc

 Sự phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc bắt đầu một cách tình cờ khi cựu Thủ tướng Bob Hawke cho phép 50.000 người Trung Quốc ở lại vĩnh viễn tại Úc vào năm 1989 với lý do nhân đạo. Sau đó, Trung Quốc dần dần đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản và nông nghiệp. 

Ba tàu quân sự Trung Quốc neo đậu ở cảng Sydney đầu tháng 6/2019 được cho là nhằm thể hiện sức mạnh của Trung Quốc tại khu vực - Ảnh: AFP
Ba tàu quân sự Trung Quốc neo đậu ở cảng Sydney đầu tháng 6/2019 được cho là nhằm thể hiện sức mạnh của Trung Quốc tại khu vực - Ảnh: AFP

Trong năm 2014 và 2015, Trung Quốc ký hợp đồng thuê 99 năm hai cảng Newcastle và Darwin. Bắc Kinh cũng tài trợ cho việc thành lập Viện Khổng Tử tại các trường đại học Úc và bổ nhiệm nhiều cựu chính trị gia Úc làm cố vấn và vận động hành lang. Công dân Trung Quốc đổ xô mua bất động sản trên khắp xứ sở chuột túi, trong khi dây chuyền sản xuất của Úc chuyển sang Trung Quốc, biến nơi đây thành nguồn cung cấp chính các sản phẩm của Úc. 

Mối đe dọa từ khu vực xung quanh

Bên ngoài biên giới, có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại Papua New Guinea và các đảo khác ở Nam Thái Bình Dương như Vanuatu, nơi Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ quân sự song hành với kế hoạch quân sự hóa Biển Đông hiện tại.

Úc từ lâu đã không còn là cường quốc quân sự hạng trung. Khả năng phòng thủ của Úc hiện chỉ bao gồm căn cứ ven biển và trong lục địa. Úc phụ thuộc vào lực lượng quốc phòng của Mỹ trong công tác bảo vệ lãnh thổ. Điều này tương đối ổn dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi trục ngoại giao xoay quanh châu Á, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump có xu hướng rút khỏi khu vực Nam Thái Bình Dương, tập trung vào Đông Bắc Á. Trước mối quan hệ hời hợt của Úc với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc ngay lập tức thể hiện sức mạnh. Sự xuất hiện tại cảng Sydney của ba tàu hải quân Trung Quốc năm 2019 được cho là nhằm phô diễn tiềm lực quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.

Úc cần thay đổi

Úc đang đối mặt hai vấn đề. Thứ nhất, kể từ khi hàng không mẫu hạm HMAS Melbourne ngừng hoạt động năm 1982 - sau đó được bán cho Trung Quốc để hỗ trợ Bắc Kinh phát triển công nghệ tàu sân bay, các lực lượng quân sự Úc có khả năng hạn chế và hầu như không duy trì bất kỳ sự hiện diện đáng kể nào ở vùng biển Bắc Úc. Các tàu ngầm lớp tấn công của Úc dự kiến hoàn thiện vào năm 2030, và Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) chỉ có sáu máy bay vận tải chở dầu đa năng KC-30A. 

Thứ hai, mối quan hệ của Úc với hầu hết các nước láng giềng ở cả Đông Nam Á và Thái Bình Dương có xu hướng phụ thuộc vào giao dịch thương mại, mà trong đó, Úc luôn xem mình ở vị trí cao hơn. Ngoại trừ Singapore, Úc không có hợp tác tình báo mạnh mẽ với bất kỳ nước nào khác.

Chắc chắn, không có giải pháp nhanh chóng nào giúp kéo Úc khỏi vòng vây hiện tại. Canberra cần đa dạng hóa quan hệ thương mại và tìm thị trường mới để giảm tầm quan trọng của bất kỳ đối tác thương mại riêng lẻ nào. Các trường đại học Úc cần kiểm tra lại quy mô và xem xét việc thu nhỏ để ít phụ thuộc hơn vào sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sau dịch COVID-19. 

Linh La (theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI