Tưởng con cá tính nào ngờ… ái kỷ

10/12/2022 - 06:54

PNO - Ái kỷ là một chứng rối loạn tâm thần, còn có tên là rối loạn nhân cách ái kỷ hoặc chứng yêu bản thân quá mức. Bệnh này rất khó phát hiện vì dễ bị nhầm lẫn với người cá tính.

 

Bệnh ái kỷ (còn gọi là chứng yêu bản thân quá mức) tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng người bệnh sẽ bị cô lập, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Bệnh ái kỷ (còn gọi là chứng yêu bản thân quá mức) tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng người bệnh sẽ bị cô lập, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội (Ảnh minh họa: Internet)

Trong quá trình tiếp xúc, tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nhận thấy nhiều trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên có các dấu hiệu của bệnh ái kỷ. Tuy nhiên, đa số phụ huynh lại bỏ qua các gợi ý bất thường này mà chỉ nghĩ con là người cá tính. Bệnh ái kỷ, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, khiến trẻ lớn lên bị cô lập, gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Tự phụ và vô cảm 

Chị Trần Thị Thu Hà (ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM) vô cùng bất ngờ khi bác sĩ tâm lý nói con chị mắc chứng ái kỷ. Con trai chị Hà tên Tuấn, đang học lớp Mười một. Khoảng 3 năm nay, tính cách của Tuấn thay đổi. Cậu bé không còn hòa đồng hay tham gia các hoạt động chung cùng gia đình. Thay vào đó, Tuấn trở nên tách biệt, suốt ngày ở trong phòng.

Chị theo dõi tin nhắn trên mạng xã hội của con thì thấy vô cùng bất thường. Hễ bạn nào hỏi han, rủ đi chơi, con chị đều chặn. Còn rất nhiều lời mời kết bạn trên mạng xã hội đang ở trạng thái chờ. Tuấn không chơi với những ai kém cỏi, yếu thế mà có xu hướng chỉ tiếp cận, tương tác với người nổi trội. Điều này thể hiện rõ nhất khi ở nhà. Tuấn không bao giờ chỉ bài cho em. Chẳng những vậy, Tuấn còn luôn tỏ ra coi thường em gái mình.

Điều khiến chị Hà lo lắng nhất là con trai chị sống ích kỷ, vô cảm. Chị nhờ con trai xách đồ phụ nhưng ngỡ ngàng khi nhận được câu trả lời: “Con bận lắm”.

Những ngày chồng chị đi công tác xa, con gái chị hay gọi điện, nhắn tin hỏi thăm ba còn Tuấn tỏ ra không quan tâm, thờ ơ. Mỗi lần vợ chồng chị dạy bảo, góp ý, Tuấn luôn phản ứng dữ dội, không bao giờ nhận sai và nói lời xin lỗi.

Ban đầu, chị Hà tưởng con đang trong tuổi dậy thì nên tâm tính thay đổi, cố nhẫn nhịn chờ cho thời gian “nổi loạn” của Tuấn qua đi. Thế nhưng, mọi chuyện ngày càng tệ; xung đột giữa Tuấn và gia đình, bạn bè, thầy cô xảy ra thường xuyên khiến chị Hà phải cầu cứu chuyên gia tâm lý. 

Bác sĩ Đinh Thạc cho biết, Tuấn không phải là trường hợp duy nhất. Rất nhiều phụ huynh đưa con tới Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám vì bệnh lý khác nhưng trong quá trình tiếp xúc, bác sĩ nhận ra các bệnh nhi này có cả dấu hiệu của bệnh ái kỷ. Đa số trường hợp mắc bệnh ái kỷ được ghi nhận ở độ tuổi thanh thiếu niên, gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Dễ nhầm lẫn là trẻ… cá tính

Bác sĩ Đinh Thạc giải thích, ái kỷ là một chứng rối loạn tâm thần, còn có tên là rối loạn nhân cách ái kỷ hoặc chứng yêu bản thân quá mức. Bệnh này rất khó phát hiện vì dễ bị nhầm lẫn với người cá tính.

Tuy bệnh ái kỷ không gây nguy hiểm về mặt sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, công việc của bệnh nhân. Sở dĩ bệnh ái kỷ hay khởi phát ở trẻ trong độ tuổi vị thành niên vì lứa tuổi này có những thay đổi tâm sinh lý, không thích phụ thuộc cha mẹ, muốn khẳng định bản thân. 

Các biểu hiện gợi ý của bệnh ái kỷ gồm: người bệnh không có sự thông cảm với mọi người, kiêu căng, tự phụ, chỉ muốn người khác phải ngưỡng mộ mình. Họ nghĩ rằng bản thân rất xuất chúng nên khi bị ai đó phê bình, nhắc nhở thì sẽ phản ứng vô cùng gay gắt.

Có 2 trường hợp. Thứ nhất, người bệnh ái kỷ cũng có tài nhưng chưa tới mức xuất chúng như họ tưởng. Trường hợp thứ hai, năng lực của họ rất bình thường nhưng họ lại cho rằng mình đặc biệt. Người mắc bệnh ái kỷ có xu hướng né tránh những thất bại trong cuộc sống. Vì rất cầu toàn nên khi làm một việc mà chưa chắc chắn về khả năng thành công, họ sẽ không mạo hiểm.

Bên cạnh đó, họ còn hay “nổ”, tự đề cao bản thân, xem mình là nhân vật trung tâm. Bệnh nhân ái kỷ thích lợi dụng, dựa dẫm người khác để nổi tiếng. Nếu để ý sẽ thấy họ không thể phối hợp, làm việc nhóm với tập thể. Đó là vì người ái kỷ luôn ganh đua không lành mạnh, coi thường, chê bai mọi người. Nếu họ ở trong nhóm nào đó thì nhóm đó phải toàn người tài giỏi.

Từ ái kỷ đến trầm cảm 

cha mẹ cũng nên phân công việc nhà cho con
Cha mẹ cũng nên phân công việc nhà cho con (Ảnh minh họa)

Điều trị cho bệnh nhân ái kỷ vô cùng khó bởi họ luôn cho rằng mình đúng, không có thái độ phối hợp. Dù được xếp vào nhóm bệnh tâm thần, đến nay, chứng ái kỷ chưa có thuốc đặc trị vì bệnh này liên quan đến cá tính và nhân cách.

Can thiệp bệnh ái kỷ chủ yếu vẫn là tâm lý trị liệu và đòi hỏi quá trình lâu dài. Bằng cách trò chuyện, chuyên gia tâm lý sẽ cố gắng tác động, hướng người bệnh về suy nghĩ đúng đắn, tích cực với cuộc sống.

Chẳng hạn, bác sĩ sẽ phân tích cho họ biết cách hành xử thế nào là chuẩn mực. Trước khi muốn họ thay đổi, bác sĩ cần phải giúp bệnh nhân nhận biết được vị trí của bản thân. Quá trình trị liệu cho bệnh nhân ái kỷ cần có sự phối hợp của bác sĩ chuyên khoa tâm thần với bác sĩ tâm lý để áp dụng phương pháp nhận thức hành vi nhằm giúp người bệnh cải tạo các suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Bác sĩ sẽ cùng họ làm những việc từ nhỏ nhặt như giúp đỡ người yếu kém hơn mình, từ đó phân tích cho họ thấy rằng những người được giúp đỡ đã trở nên tốt lên, nhờ vậy đóng góp được nhiều hơn cho xã hội.

Bên cạnh đó, bác sĩ còn đưa ra các bài tập phối hợp nhóm để người ái kỷ có cơ hội mở lòng trên con đường sẻ chia và hòa nhập. Thiền, yoga, các bài tập nhẹ nhàng cũng là một phần trong quá trình trị liệu bệnh ái kỷ.

Theo bác sĩ Đinh Thạc, nguyên nhân dẫn tới bệnh ái kỷ ở lứa tuổi thanh thiếu niên một phần do tâm lý con cưng của phụ huynh. Cha mẹ quá nuông chiều con, luôn cho rằng con mình là nhất, là đặc biệt khiến đứa trẻ cũng theo đó mà ảo tưởng về bản thân. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy 50% người mắc bệnh ái kỷ có liên quan tới yếu tố di truyền. Ngoài ra, các ảnh hưởng từ xã hội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng bệnh trên.

Phụ huynh được khuyên nuôi dạy con biết khiêm tốn; khi thành công không nên quá khoe khoang, tự phụ. Cha mẹ hãy làm gương để con biết cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên phân công việc nhà cho con, thường xuyên tổ chức các hoạt động có sự tham gia của tất cả thành viên trong gia đình.

“Nhiều phụ huynh quá bao bọc con, mọi việc lớn nhỏ đều giành làm hết để ưu tiên cho con học. Đây là quan niệm hết sức sai lầm vì sẽ khiến con trở nên ích kỷ, vô cảm, thiếu sự chia sẻ với mọi người” - bác sĩ Đinh Thạc nói.

Khi thấy con có biểu hiện vô cảm, tự kiêu, hay chê bai người khác, ích kỷ và phản ứng gay gắt khi bị nhắc nhở, phụ huynh cần gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn, đưa trẻ đi khám tâm lý để xác định chính xác nguyên nhân và can thiệp kịp thời. Nếu không được giúp đỡ, trẻ bị ái kỷ sau này ra đời sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Người bị ái kỷ thường bị tách biệt, cô lập. Không ai muốn tiếp xúc hay làm việc với họ. Lâu dài, bệnh nhân ái kỷ sẽ rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm, dọa tự tử, thậm chí tự tử. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI