Tuổi thơ là... ăn trên đường, học trên đường, ngủ trên đường

09/06/2017 - 10:27

PNO - Áp lực học hành, bệnh thành tích từ nhà trường cho đến gia đình đã đánh mất tuổi thơ của các em bằng những con điểm mười tròn trĩnh, tấm giấy khen học sinh giỏi hào nhoáng.

Nhiều đứa trẻ học đến mụ người vì bệnh thành tích của người lớn. Buồn thay ở học sinh bậc tiểu học ở các thành phố lớn kết quả đạt học sinh giỏi và học sinh tiên tiến hầu như nguyên lớp, nguyên trường.

Ngày tổng kết, hầu như em nào bước ra cổng trường cũng đều cầm trên tay tờ giấy khen và những cuốn tập (nếu đó là kết quả thực sự thì hạnh phúc biết mấy!). Rất khó để có học sinh xếp loại trung bình ở bậc học này, lưu ban thì lại cực kỳ hiếm. Buồn thay, dẫu biết kết quả ảo nhưng không ít trường và gia đình đều lấy làm tự hào. Buồn thay những đứa trẻ phải học như máy vì học … cho cha mẹ. Buồn thay tuổi thơ của các em học, học và học.

Chúng ta dễ dàng thấy cảnh các em học trên đường, ăn trên đường và … ngủ luôn trên đường đi học. Đó là chuyện học tập của các em! Bầu trời của các em là sách vở! Là điểm số!

Tuoi tho la... an tren duong, hoc tren duong, ngu tren duong
Trẻ con ngày nay thiếu vắng đi những trò chơi của tuổi thơ

Mùa hè đến, bầu trời của các em không phải là đồng cỏ xanh, mây trắng; không phải là những trò chơi yêu thích; không phải là những chuyến về thăm quê hương, thăm ông bà; không phải là những trải nghiệm bổ ích, … Để rồi tuổi thơ của các em chỉ có sách vở, thi thố và điểm số. Rồi ai sẽ trả lời thay các em câu hỏi: Mong muốn được gì với tuổi thơ của chính mình.

Mùa hè đến, các game show nhí lại càng nhiều và hoành tráng. Phải chăng những game show ấy nhằm mục đích vì trẻ thơ? Không! Chính các em đang sống hộ người khác. Nói đúng hơn là sống hộ người lớn, trong đó có cha mẹ. Với những giải thưởng hấp dẫn, với mong muốn con là ngôi sao, là thần đồng nên cha mẹ đã đánh mất tuổi thơ của con em mình.

Đằng sau sân khấu hoành tráng, đằng sau những lời khen “tận mây xanh”, đằng sau những câu trở lời lưu loát, ấn tượng chắc hẳn người lớn ít nhiều biết được tính “kịch” ở trong đấy. Các em phải nói và diễn theo kịch bản. Chỉ có các em mới hiểu và cảm nhận sự được mất của các em sau cánh gà – những áp lực, chiêu trò  của người lớn. Bầu trời của các em đâu phải là bầu trời dành cho trẻ thơ. Chính vì quá nhiều cuộc thi dành cho tuổi thơ với những tên gọi kiểu thần đồng nên chỉ cần bước ra ngõ sẽ gặp tài năng.

Các cuộc thi thố của trẻ thơ nhằm mục đích phục vụ người lớn: cha mẹ, nhà đài,… Và một đối tượng người lớn “phủ khắp toàn quốc”, đó là người lớn xem truyền hình. Dù diễn ra trong năm học hay dịp hè thì đa phần thời gian đó các em ngồi vào bàn học. Nếu được xem thì đa phần các em cũng không mặn mà gì. Phục vụ người lớn là thế!

Đằng sau sân khấu hào nhoáng, đằng sau những mặt trái của game show, truyền hình thực tế nên gia đình chúng tôi không xem. Những lúc đó, chúng tôi dành thời gian vui chơi với các con, chở các con đi chơi, cho các con chơi những trò chơi vừa giải trí vừa mang tính sáng tạo,  hay cho các con xem những chương trình bổ ích khác. Cũng có những lần xem, tôi thấy ngán các chiêu trò diễn trên sân khấu, những lời khen bay tận trời cao nên thấy… nhảm. Với các con tôi, kể cả những đứa trẻ hàng xóm, chúng không chẳng màng tới.

Hãy trả lại bầu trời tuổi thơ đúng nghĩa cho các em. Bầu trời ấy, người đầu tiên và quan trọng nhất quyết định trả lại cho các em chính là đấng sinh thành. Đừng đánh mất tuổi thơ của các em! Nói cách khác, đường ăn cắp tuổi thơ của các em!

Thái Hoàng
Giáo viên trường THCS-THPT Bắc Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI