Từ chuyện truy thu thuế của Uber

26/09/2017 - 22:49

PNO - Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng trên thực tế, một số tập đoàn đa quốc gia sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam vẫn trốn tránh nghĩa vụ thuế, dù đã nhận nhiều ưu đãi.

Trong bối cảnh đó, thông tin Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan) bị Cục Thuế TP.HCM ra quyết định xử phạt và truy thu số tiền thuế hơn 66,68 tỷ đồng khiến dư luận đồng tình. 

Quyết định của Cục Thuế TP.HCM được đưa ra sau khi thanh tra công ty này từ khi hoạt động tại Việt Nam (năm 2014) đến tháng 6/2017. Trước đó, dù đến Việt Nam từ tháng 8/2014 nhưng mãi đến cuối năm 2016, công ty này mới chịu nộp thuế lần đầu với số tiền chỉ khoảng 250 triệu đồng.

Trong khi đó, theo thống kê vào đầu năm 2016 của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, với khoảng 4.000 tài xế Uber hoạt động tại TP.HCM, mỗi ngày, Uber chuyển về Hà Lan khoảng 1 tỷ đồng lợi nhuận, còn Việt Nam thì không có đồng nào do chưa có phương án thu thuế đối với loại hình thương mại điện tử này. Thất thu thuế cộng thêm lượng xe Uber ngày một tăng khiến giới taxi truyền thống phản ứng dữ dội do cạnh tranh không bình đẳng.

Để Uber chịu nộp số tiền thuế ít ỏi ban đầu, gần hai năm trời, các cơ quan chức năng từ TP.HCM đến bộ, ngành trung ương đã phải hao tổn không biết bao nhiêu sức lực, tinh thần và giấy mực cho nhiều cuộc họp với hàng trăm văn bản ra đời. Tiếc là số tiền thuế mà Uber nộp vẫn còn mang tính đối phó, tượng trưng. 

Còn nhớ, từ năm 2016, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện Uber nhằm thống kê số lượng xe cũng như phương thức hoạt động của Uber tại Việt Nam, thông qua đó báo cáo cho UBND TP.HCM tìm giải pháp thu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng trong một số cuộc họp, đại diện Uber không đến, công ty đổi trụ sở hoặc trụ sở không có người hoạt động khiến thư mời thất lạc.

Mãi đến tháng 9/2016, Bộ Tài chính mới chốt được phương án thu thuế đối với Công ty TNHH Uber B.V. Theo đó, nghĩa vụ thuế với công ty này sẽ được thực hiện theo đúng quy định áp dụng với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam: đại diện Uber Việt Nam thay thế Uber Hà Lan đóng thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng là 3% và thuế thu nhập cá nhân là 2% (trên tổng số 20% doanh thu mà công ty này hưởng).

Riêng cá nhân tài xế ký hợp đồng với công ty này sẽ nộp thuế 3% giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân trên 80% doanh thu được hưởng. 

Ngành thuế có truy thu đủ số tiền gần 67 tỷ đồng từ phía Uber Hà Lan hay không, có lẽ phải chờ câu trả lời ở “thì tương lai”. Tuy nhiên, câu chuyện của Uber cho thấy, cơ quan chức năng đã quá lúng túng trong việc quản lý, giám sát việc thực thi nghĩa vụ thuế của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là những tập đoàn áp dụng các phương thức kinh doanh kiểu mới. 

Câu chuyện này một lần nữa gợi nhớ lại thắc mắc mà dư luận từng đặt ra: Việt Nam có thu được, thu đủ thuế của các “ông lớn” Google, Facebook, YouTube… hay không? Đây là một thắc mắc chính đáng, bởi thu đúng, thu đủ thuế vừa bảo đảm quyền lợi tài chính của quốc gia, vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng - một yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy sự đầu tư, phát triển. 

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI