Từ ca nhiễm Omicron, các biện pháp dự phòng phải quyết liệt hơn

29/12/2021 - 06:48

PNO - Các chuyên gia cho rằng, các biện pháp dự phòng với Omicron phải được các địa phương thực hiện một cách quyết liệt hơn để tránh tình trạng thiếu kịch bản đối phó hoặc đáp ứng “không tới” khiến hệ thống y tế quá tải, các hoạt động kinh tế tê liệt…

Xây dựng kịch bản kỹ lưỡng

Ngày 28/12, Bộ Y tế công bố trường hợp đầu tiên ở Việt Nam nhiễm biến thể Omicron. Đó là hành khách nhập cảnh từ Anh về Việt Nam tối 19/12. Ngay khi về tới sân bay Nội Bài, người này có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính nên được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau khi giải trình tự gen hai lần, kết quả khẳng định bệnh nhân mang biến thể Omicron (B.1.1.529). 

Báo cáo trường hợp này với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, bệnh nhân này đã được cách ly, xử lý y tế ngay từ khi nhập cảnh.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron, theo các chuyên gia là không nằm ngoài dự báo. Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho hay hiện đã có trên 100 nước trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của biến thể mới. “Hiện tại, trường hợp nhập cảnh đầu tiên đã được ghi nhận và tôi cho rằng, sẽ tiếp tục có các ca nhiễm mới”, PGS-TS Trần Đắc Phu nói. 

PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định, việc xuất hiện Omicron sẽ là vấn đề đáng lo ngại bởi chủng vi-rút này có tốc độ lây lan nhanh. Với số lượng đột biến ở protein gai lớn, vi-rút càng tăng khả năng bám dính vào tế bào người. Đứng trước mối lo lắng này, các địa phương cần phải xây dựng kịch bản đối phó với Omicron một cách kỹ lưỡng, bài bản để tránh bị động khi chủng mới này xuất hiện, lây nhiễm trên địa bàn. Theo vị chuyên gia phân tích, Omicron vẫn lây lan qua giọt bắn, qua đường hô hấp, nguy cơ cao khi tiếp xúc gần. Khi các hạt chứa vi-rút bắn vào vật dụng, vô tình chạm tay đưa lên mắt, mũi, miệng có thể bị lây lan. “Nói cách khác, đường lây của Omicron không thay đổi nhưng tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, do đó, các giải pháp dự phòng không thay đổi nhưng tất cả phải quyết liệt hơn”, ông nhấn mạnh. 

 

Lấy mẫu xét nghiệm cho hành khách ở sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội - ẢNH: BẢO KHANG
Lấy mẫu xét nghiệm cho hành khách ở sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Cần phát hiện sớm các ổ dịch

Trong báo cáo mới nhất của WHO, dữ liệu nghiên cứu giai đoạn đầu từ Nam Phi, Vương quốc Anh và Đan Mạch cho thấy, chủng Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn so với Delta. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên quá lạc quan về vấn đề này. “Dù triệu chứng, theo công bố nhẹ hơn nhưng chắc chắn tốc độ lây lan nhanh. Nếu không kiểm soát được có thể gây quá tải hệ thống y tế, bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến tử vong”, PGS-TS Trần Đắc Phu nói.

Ông cũng đặc biệt lưu ý về hiện tượng quá tải y tế ảo khi số ca mắc tăng cao và điều tiết không tốt. Theo đó, những bệnh nhân F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng cần được điều trị tại nhà, nếu đưa đi viện hoặc tiếp nhận điều trị không hợp lý thì những người bệnh nặng lại không được tiếp cận dịch vụ y tế khi quá tải. Từ đó, nguy cơ người bệnh chuyển nặng và tử vong lại càng tăng cao. 

Tại Hà Nội, địa phương ghi nhận ca nhiễm Omicron nhập cảnh đầu tiên, UBND thành phố đã đưa ra kế hoạch ứng phó khẩn với biến chủng này. Công tác điều trị, giảm tử vong cũng là một vấn đề được chỉ đạo tăng cường. Theo đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu củng cố năng lực điều trị bệnh nhân tầng ba tại các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị tuyến thành phố. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục củng cố, nâng cấp năng lực thu dung, quản lý, điều trị bệnh nhân tầng một tại các cơ sở thu dung, điều trị tuyến huyện và quản lý, điều trị bệnh nhân thuộc tầng một tại nhà, nơi lưu trú. 

Bên cạnh đó, thành phố triển khai ngay các hoạt động nhằm chăm sóc và hỗ trợ cho F0 đang cách ly điều trị tại nhà trong tình hình dịch bệnh hiện nay và tiếp tục đáp ứng hiệu quả khi biến thể Omicron xuất hiện tại Việt Nam. UBND TP.Hà Nội cũng chỉ đạo ngành y tế thủ đô thực hiện việc phân luồng, kiểm soát người ra vào khám, chữa bệnh, đảm bảo công tác phòng hộ cho đội ngũ y, bác sĩ nhằm không để lây nhiễm chéo dịch bệnh. Chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống.

Để đối phó với Omicron, công tác giám sát để chủ động phát hiện biến chủng này cũng đang được ngành y tế tăng cường. Trong ngày 28/12, Bộ Y tế chỉ đạo địa phương, các đơn vị tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường như số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể… Từ đó, chủ động, phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể, biến chủng mới, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh. 

Tăng cường tiêm chủng, giảm nguy cơ tử vong

Sau trường hợp nhiễm Omicron đã được cách ly ngay khi vào Việt Nam, nguy cơ cao Việt Nam sẽ xuất hiện thêm những ca mắc mới, song tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng đại diện Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), chia sẻ không nên quá hoang mang, lo lắng thái quá. Việc tiêm phòng vắc-xin COVID-19, trong đó có tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung rất có ý nghĩa trong công tác phòng, chống dịch lúc này. “Những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 vẫn có thể nhiễm Omicron song có thể làm giảm tỷ lệ nặng. Những người chưa tiêm ngừa vắc-xin hay miễn dịch kém, suy giảm là đối tượng có nguy cơ cao. Đây chính là lý do chúng ta nên tiêm vắc-xin, tiêm nhắc lại và bổ sung càng sớm càng tốt, tăng cường tỷ lệ bao phủ để ứng phó với chủng vi-rút mới này”, bác sĩ Phạm Quang Thái nói.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI