Lớp Sáu: xét tuyển có điều kiện
Năm học 2025-2026, TPHCM có nhiều trường tiểu học tuyển sinh lớp Một tăng cường tiếng Trung, tiếng Pháp. Trong đó, tiếng Trung được dạy ở 9 trường tiểu học: Nguyễn Đức Cảnh, Hùng Vương, Nguyễn Viết Xuân, Huỳnh Kiến Hoa (quận 5); Âu Cơ, Phạm Văn Hai, Thái Phiên (quận 11); Kim Đồng (quận 6); Lý Thái Tổ (quận 8). Tiếng Pháp hiện được dạy ở 5 trường tiểu học: Lương Định Của (quận 3), Kết Đoàn (quận 1), Bông Sao (quận 8), Minh Đạo (quận 5), Trần Quốc Toản (quận Tân Bình).
 |
Thí sinh dự thi khảo sát vào lớp Sáu tại Trường THCS Bình Thọ - Ảnh: N.Q. |
Điều kiện tuyển sinh vào các chương trình trên thực hiện theo quy định tuyển sinh đầu cấp của thành phố. Phụ huynh có nhu cầu cho con theo học những ngoại ngữ này có thể đăng ký với nhà trường.
Bà Trần Thảo Nguyên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5) - cho biết, tiếng Trung được khá nhiều học sinh đăng ký học. Trường có 5 lớp tiếng Trung (mỗi khối 1 lớp) với khoảng 150 học sinh. Trong đó, với khối lớp Một, Hai học sinh học theo chương trình làm quen ngoại ngữ 2-3 tiết/tuần. Còn khối Ba, Bốn, Năm, học sinh được học 4-6 tiết/tuần theo chương trình ngoại ngữ 1. “Học sinh rất thích thú khi học tiếng Trung, nhà trường cũng có sẵn nguồn giáo viên biên chế tiếng Trung nên việc dạy học rất thuận lợi” - bà nói.
Ở bậc THCS, tiếng Trung đang được dạy tại các trường THCS: Trần Bội Cơ, Mạch Kiếm Hùng (quận 5); Phạm Đình Hổ (quận 6); Hậu Giang (quận 11). Ưu tiên xét tuyển với học sinh học chương trình tăng cường tiếng Trung ở bậc tiểu học đã hoàn thành chương trình học và được công nhận đạt yêu cầu của chương trình. Ngoài ra, tiếng Trung còn được dạy tại một số trường THCS là môn ngoại ngữ 2 (ngoại ngữ 1 là tiếng Anh): Minh Đức (quận 1), Phạm Ngọc Thạch (quận Tân Bình) dành cho những học sinh có nhu cầu.
Trong khi đó, chương trình tiếng Pháp được dạy ở các trường THCS: Trần Văn Ơn (quận 1), Colette (quận 3), Hồng Bàng (quận 5), Chánh Hưng (quận 8), Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình). Học sinh lớp Năm đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học, có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn toán, văn lớp Năm từ 8 điểm trở lên, có điểm trung bình các môn tiếng Pháp và môn toán bằng tiếng Pháp từ 6 điểm trở lên sẽ được tuyển thẳng vào các lớp tiếng Pháp. Còn học sinh có điểm trung bình dưới 6 thì có thể học theo chương trình tiếng nước ngoài hiện hành nhưng phải thực hiện bài khảo sát năng lực ngoại ngữ và đạt chuẩn kiến thức đầu vào.
Ngoài 2 ngoại ngữ trên, chương trình tuyển sinh vào lớp Sáu còn có thêm tiếng Nhật là môn ngoại ngữ 1 (ngoại ngữ 2 là tiếng Anh) được dạy ở các trường THCS: Lê Quý Đôn, Hai Bà Trưng (quận 3); Võ Trường Toản (quận 1). Học sinh sau khi trúng tuyển vào 3 trường này thì có thể đăng ký học theo nguyện vọng.
Lớp Mười: đăng ký nguyện vọng vào lớp ngoại ngữ
Nhiều môn ngoại ngữ được thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025 Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong 7 môn ngoại ngữ thì tiếng Anh luôn dẫn đầu số lượng người học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, có tới 358.870 thí sinh đăng ký dự thi môn này. Tuy không phổ biến như tiếng Anh nhưng 6 môn ngoại ngữ còn lại đều có thí sinh đăng ký. Trong đó, tiếng Trung có 4.366 thí sinh, tiếng Hàn có 561 thí sinh, tiếng Nhật có 500 thí sinh, tiếng Pháp có 408 thí sinh, tiếng Đức có 171 thí sinh, cuối cùng là tiếng Nga có 103 thí sinh. |
Đối với bậc THPT, nhiều trường triển khai dạy các ngoại ngữ trên. Tuy nhiên, để được vào học các lớp này, học sinh phải đăng ký nguyện vọng và thi tuyển lớp Mười theo quy định. Sau khi trúng tuyển vào trường, thí sinh sẽ được xét tuyển vào các lớp ngoại ngữ theo các điều kiện khác nhau.
Cụ thể, chương trình tăng cường tiếng Trung được tổ chức dạy tại các trường THPT: Hùng Vương, Trần Khai Nguyên (quận 5); Trần Quang Khải, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11)… Điều kiện là học sinh có điểm số từng kỹ năng của năm lớp Chín tăng cường tiếng Trung đạt từ 6 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ HSK (kỳ thi Hán ngữ trình độ quốc tế) cấp độ 3 trở lên.
Còn lớp tiếng Nhật tại các trường THPT: Lê Quý Đôn, Marie Curie (quận 3) và Trưng Vương (quận 1), học sinh phải trúng tuyển lớp Mười vào 3 trường này và bài thi tiếng Nhật từ 5 điểm trở lên. Sau khi kết thúc tuyển sinh, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở GD-ĐT có thể tuyển bổ sung đối với những học sinh học tiếng Nhật từ bậc THCS và có bài thi tiếng Nhật từ 5 điểm trở lên.
Học sinh có thể đăng ký vào chương trình tiếng Pháp song ngữ tại các trường THPT: Nguyễn Thị Minh Khai, Marie Curie (quận 3) hoặc chương trình tiếng Pháp tăng cường tại Marie Curie. Tuy nhiên, các em phải đáp ứng điều kiện: đạt tối thiểu 5 điểm bài thi tiếng Pháp trong kỳ thi xét tốt nghiệp THCS và kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười môn tiếng Pháp.
Riêng với tiếng Đức, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, hiện TPHCM không có học sinh học ngoại ngữ 1 tiếng Đức nhưng có 2 trường là Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa, Trường trung học thực hành Sài Gòn đang dạy tiếng Đức là ngoại ngữ 2 (ngoại ngữ 1 là tiếng Anh). Học sinh sau khi đã được tuyển sinh vào 2 trường này có thể đăng ký học, tùy theo điều kiện và chỉ tiêu của trường.
Bộ GD-ĐT ký thỏa thuận khung về dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tới Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ GD-ĐT Việt Nam đã ký thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam. Theo đó, sẽ triển khai dạy tiếng Nhật từ lớp Ba đến lớp Mười hai trên toàn quốc từ năm 2025-2034. Tùy nhu cầu học và điều kiện thực tế, các địa phương có thể hỗ trợ dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 1 tại một số trường tiểu học, trung học và đảm bảo có tính liên thông. Những địa phương đang dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 2 ở bậc THCS và THPT, cần đảm bảo sự ổn định, giúp học sinh hoàn thành chương trình học tập. Nhật Bản sẽ hỗ trợ ngân sách với các trường dạy tiếng Nhật, cử chuyên gia hỗ trợ hoàn thiện chương trình và biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật, cung cấp tài liệu học tập và tài liệu tham khảo, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Nhật… |
Nguyễn Loan