Trường học hạnh phúc, sao học sinh vẫn cô đơn?

20/04/2023 - 06:49

PNO - Ngành giáo dục đang hô to khẩu hiệu xây dựng trường học hạnh phúc, thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn nhiều học sinh không được quan tâm đúng mức.

Câu chuyện nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường là “cú tát” vào ngành giáo dục khi mà dường như học sinh vẫn chưa được quan tâm, tôn trọng một trong khi ngành giáo dục đang xây dựng những trường học hạnh phúc…

Hãy giữ trái tim học trò, đừng giữ chân học trò

ThS Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) - nhìn nhận, sự việc xảy ra cho chúng ta thấy lỗ hổng quá lớn về vấn đề tầm soát, giám sát, hỗ trợ tâm lý học sinh trong nhà trường. Trách nhiệm trong câu chuyện trước hết thuộc về nhà trường và giáo viên chủ nhiệm. 

Nhà trường đã thiếu công khai minh bạch với xã hội, thiếu quan tâm đến học sinh khi để sự việc kéo dài quá lâu, đặc biệt là thờ ơ trước đề xuất của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm thiếu quan tâm đến xung đột trong lớp để phản ảnh với nhà trường, thông tin đến phụ huynh và phối hợp để giải quyết.

Học sinh cần được lắng nghe, tôn trọng
Học sinh rất cần được lắng nghe, tôn trọng

Các trường luôn “hô” khẩu hiệu trường học hạnh phúc, trường học an toàn, có phòng tư vấn, dạy kỹ năng sống, trường học đáng học… rất đao to búa lớn, nhưng sẽ chỉ là “ảo” nếu không đi sâu vào nâng đỡ tinh thần học sinh, để các em vẫn cô đơn trong ngôi trường ấy.

Về việc tư vấn học đường, thậm chí có thể không cần đến phòng tư vấn nhưng làm sao khi học sinh tìm đến, các em được lắng nghe, tôn trọng, được hỗ trợ kịp thời chứ không phải “nghe rồi bỏ đó”. 

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, mục tiêu của giáo dục hiện nay là rèn luyện kỹ năng, hình thành phẩm chất, do đó nhà trường phải nghiêng về dạy người nhiều hơn, không nên quá chăm bẵm vào kết quả học tập. Thầy cô phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá, phải xây dựng ma trận đặc tả và học sinh phải biết để nhìn nhận trong việc học, từ đó giảm áp lực cho học sinh. Nhà trường phải giám sát, đưa đổi mới vào thi đua… 

“Rõ ràng, nếu người thầy không thay đổi thì áp lực sẽ đặt lên học trò, thậm chí các em sẽ bị bỏ rơi trước các vấn đề không phải là điểm số, kết quả học tập” - thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh. 

Từ câu chuyện buồn này, ông Huỳnh Thanh Phú tha thiết đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét, điều chỉnh vấn đề chuyển trường, chuyển nhóm môn học lựa chọn để hướng đến quyền lợi của học sinh, khiến các em thật sự hạnh phúc khi đến trường. Việc hạn chế học sinh chuyển trường không phải từ các quy định mà phải từ chính hoạt động giáo dục, rèn luyện của nhà trường.

“Chúng ta cần giữ trái tim học trò chứ đừng giữ chân học trò. Nhà trường phải tổ chức các hoạt động giáo dục để các em thấy thích thú, thấy được chia sẻ. Ngoài ra cần phải lắng nghe, đề xuất, tháo gỡ những khó khăn để các em thấy yêu trường, yêu thầy cô, mến bạn. Như vậy thì sẽ không học sinh nào muốn chuyển trường, đổi lớp”.

Nhà trường, giáo viên phải nghiêm túc “soi” lại mình

Tiến sĩ tâm lý học xã hội Vũ Thiện Toàn (Hội Khoa học tâm lý, Giáo dục Việt Nam) đánh giá, trong câu chuyện này, rõ ràng học sinh đang bị bỏ rơi trong trường học. Giáo dục vẫn luôn nói rằng lấy học sinh làm trung tâm, song thực tế chúng ta vẫn lấy nhà trường làm trung tâm mà chưa quan tâm đúng mức đến học sinh. Điều này đã dẫn đến các vấn đề đáng tiếc. Ngành giáo dục vẫn đang đặt kết quả học tập và thành tích của học sinh lên trên vấn đề tâm lý của các em. 

“Học sinh bày tỏ vấn đề của mình rất nhiều lần nhưng nhà trường, giáo viên không giúp đỡ, giải quyết quyết liệt. Bạo lực học đường có thể xuất phát từ những điều rất nhỏ. Một ánh nhìn, một lời nói, một cử chỉ cũng có thể đẩy học sinh vào trạng thái bị cô lập, bị chọc ghẹo thái quá, bị nói xấu khiến các em tổn thương dai dẳng, thậm chí có hành động tự tử. Thế nhưng, dường như trường học nói nhiều về vấn đề này song chưa hành động và chưa đánh giá đúng mức. Nhiều trường thậm chí còn chưa nắm bộ quy tắc ứng xử, như vậy rất khó để hỗ trợ học sinh” - tiến sĩ Vũ Thiện Toàn đặt vấn đề.

Nhà trường, giáo viên hãy nghiêm túc soi lại mình trong mối quan hệ với học trò
Theo tiến sĩ Vũ Thiện Toàn, nhà trường, giáo viên cần phải nghiêm túc "soi" lại mình trong mối quan hệ với học trò

Ông cho rằng, câu chuyện này như một hồi chuông gióng lên để nhà trường, giáo viên nghiêm túc “soi” lại mình trong mối quan hệ với học sinh. Ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng thêm cho giáo viên về chuyên môn tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi để thầy cô có thể thấu hiểu và hỗ trợ học sinh kịp thời. Trên hết, nhà trường cần vận dụng một cách hiệu quả nhất bộ quy tắc ứng xử học đường.  

“Trường học cũng nên xây dựng bộ quy tắc xử lý các tình huống khẩn cấp như bạo lực học đường. Cả gia đình, bạn bè, nhà trường phải trở thành bức tường rào bảo vệ các em trước những khó khăn trong cuộc sống. Và trong mọi tình huống, giáo viên nên là người đầu tiên bao dung, hỗ trợ các em…” - tiến sĩ Vũ Thiện Toàn nhấn mạnh. 

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI