TPHCM sắp có "thước đo" về trường học hạnh phúc

17/04/2023 - 21:05

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM đang lấy ý kiến dự thảo Bộ tiêu chí tạm thời về trường học hạnh phúc. Đây sẽ là “thước đo” đánh giá độ hạnh phúc của mỗi trường học.

Dự thảo được Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính: môi trường nhà trường, dạy học và hoạt động giáo dục, các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Với tổng cộng 20 tiêu chí thành phần, khi được thông qua, đây được xem là “thước đo” để đánh giá về độ hạnh phúc của mỗi trường học. 

Dự kiến, bộ tiêu chí sẽ được hoàn thiện và ban hành đầu năm học 2023-2024
Dự kiến, bộ tiêu chí sẽ được hoàn thiện và ban hành đầu năm học 2023-2024

Cụ thể:

Tiêu chí môi trường nhà trường có 7 tiêu chí thành phần: cơ sở vật chất, trường học xanh sạch đẹp an toàn, bộ quy tắc ứng xử trường học, sức khỏe thể chất và tâm lý học sinh giáo viên, quy tắc dân chủ, trường học thân thiện, tạo cơ hội để học sinh/giáo viên phát triển tốt tiềm năng.

Tiêu chí dạy học và hoạt động giáo dục, gồm 8 tiêu chí thành phần: cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực học tập, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo công bằng, phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường; công khai, lấy ý kiến mọi hoạt động liên quan đến quản lý, dạy và học…; vận dụng phương pháp tích cực hóa trong giáo dục học sinh; coi trọng sự tiến bộ của học sinh, kiểm tra đánh giá phù hợp với chương trình; được tự do phản hồi, sáng tạo; tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng các câu lạc bộ đội nhóm…; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học.

Tiêu chí các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, với 5 tiêu chí thành phần: cán bộ, giáo viên, nhân viên làm gương cho học sinh; cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh chủ động xây dựng các mối quan hệ tích cực; lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng trong xử lý công việc với đồng nghiệp, học sinh… Quản lý cảm xúc tiêu cực trong đối thoại, tương tác, giao tiếp và làm việc; hợp tác chia sẻ trong các hoạt động; phối hợp có hiệu quả với cha mẹ học sinh, các lực lượng liên quan trong giáo dục. 

Dự thảo trường học hạnh phúc được Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng trên 3 tiêu chí trụ cột
Dự thảo trường học hạnh phúc được Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng trên 3 tiêu chí trụ cột

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhấn mạnh, TPHCM phải có bộ tiêu chí để xây dựng trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục. Trong đó, cần tính toán các vấn đề tác động để tạo ra môi trường trường học hạnh phúc. 

“Trường học hạnh phúc cần phải bao hàm 3 yếu tố: con người, chương trình dạy học và hoạt động giáo dục cùng các mối quan hệ trong, ngoài nhà trường. Làm sao trong 3 trụ cột đó đều hướng tới việc học sinh, giáo viên, nhân viên và cả phụ huynh, những người liên quan đến môi trường giáo dục đều được thụ hưởng môi trường giáo dục lành mạnh, với các định hướng, tiêu chí rõ ràng” - ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.

Dự thảo sẽ được lấy ý kiến nhiều lần, từ cán bộ, quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục cho đến các chuyên gia, xã hội trong suốt năm học này. Từ đó, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ đề xuất ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc dựa trên các tiêu chí cơ bản mà UNESCO đã đưa ra, đảm bảo môi trường giáo dục phù hợp với TPHCM. Dự kiến, bộ tiêu chí sẽ được hoàn thiện và ban hành đầu năm học 2023-2024.

“Bộ tiêu chí phải xây dựng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng nhà trường, từng cấp học và được xem là thước đo, đo lường đánh giá để các trường triển khai xây dựng trường học hạnh phúc” - ông Dương Trí Dũng nói thêm. 

Ông Lê Hồng Trung - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi) - cho rằng, tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc phải căn cứ vào cơ chế chung thành phố và đặc thù riêng của từng trường, đồng thời phải tạo ra giá trị cảm xúc. 

Theo ông, cần đưa thêm tiêu chí an toàn trên không gian mạng trong môi trường nhà trường, giúp học sinh, giáo viên sử dụng điện thoại thông minh, nhất là trước các vụ lừa đảo liên tiếp như mới đây.

“Quan trọng hơn cả khi xây dựng trường học hạnh phúc đó là sự tương tác giữa con người với con người trong môi trường giáo dục. Để tạo ra môi trường vui vẻ, có sự chia sẻ, cán bộ giáo viên, nhân viên có tư duy tích cực. Thế nhưng, để làm được thì phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Làm sao giáo viên với học sinh không phải là tình thương hành chính mà là tình thương cảm xúc…” - ông Lê Hồng Trung trăn trở. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI