Trường giữ trẻ ngoài danh sách, lãnh đạo nghỉ hưu nên không phải chịu kỷ luật

28/11/2020 - 07:19

PNO - Năm học 2016-2017 trường giữ bốn trẻ để ngoài danh sách; năm học 2017-2018 là bảy trẻ; năm 2018-2019 là mười trẻ; năm 2019-2020 là 11 trẻ.

Trong suốt bốn năm học, Trường mầm non Trung An 1 (xã Trung An, H.Củ Chi, TP.HCM) đã nhận nhiều trẻ không đúng tuyến, chưa đủ tuổi vào học. Việc này do bà Nguyễn Thị Gái, nguyên hiệu trưởng nhà trường quyết định, có thông qua ban giám hiệu và hội đồng sư phạm nhà trường. Sau khi thống nhất chủ trương, bà Gái chỉ đạo giáo viên tiếp nhận trẻ vào lớp. Năm học 2016-2017 có giữ bốn trẻ để ngoài danh sách; năm học 2017-2018 là bảy trẻ; năm 2018-2019 là mười trẻ; năm 2019-2020 là 11 trẻ. Những trẻ này có độ tuổi từ 2-4 tuổi. 

Theo UBND H.Củ Chi, việc thu chi liên quan đến những trẻ trên được hiệu trưởng giao cho thủ quỹ, kế toán theo dõi dưới hình thức mở sổ riêng bằng tập học sinh và không thực hiện quyết toán theo quy định. Đến thời hạn, thủ quỹ thu tiền học phí và các khoản thu khác bằng tiền mặt và cho phụ huynh ký tên. Khi phụ huynh đóng tiền, trường cũng không xuất biên lai thu.

Trong 4 năm học, trường nhận nhiều trẻ không đúng tuyến, không đúng tuổi
Trong 4 năm học, trường nhận nhiều trẻ không đúng tuyến, không đúng tuổi


Báo cáo từ nhà trường cho đoàn kiểm tra của UBND huyện cho thấy, số tiền thu từ việc giữ trẻ ngoài danh sách là 165,145 triệu đồng. Trong khi đó, lại chi hết 165,184 triệu đồng (âm 39.000 đồng). Đáng nói, số tiền chi trực tiếp phục vụ cho trẻ chỉ 25,506 triệu đồng. Phần lớn tiền còn lại được dùng chi cho giáo viên và các hoạt động khác, kể cả việc mua đồ cúng, thăm trưởng ban đại diện bệnh, sửa máy giặt, chia tay hiệu trưởng…

Hiệu trưởng giải trình rằng có công khai số liệu thu chi trước hội đồng sư phạm bằng hình thức đọc thông qua số liệu (biên bản họp hội đồng thì lại không có nội dung này). Khẩu phần ăn của các trẻ này được phục vụ giống trẻ có tên trong danh sách. Nhưng trong năm học 2016-2017, trường không chi tiền mua thức ăn cho số trẻ ngoài danh sách.

Lãnh đạo H.Củ Chi khẳng định để xảy ra sự việc như vậy, trách nhiệm thuộc về bà Nguyễn Thị Gái (đã nghỉ hưu từ năm 2019), bà Bùi Ngọc Minh (nguyên phó hiệu trưởng, đã nghỉ hưu) và bà Cao Thị Hồng (phó hiệu trưởng), kế toán và tập thể giáo viên.
Tại văn bản số 5695/UBND-NV do chủ tịch UBND H.Củ Chi trả lời đơn phản ánh của công dân, về kết quả xử lý sai phạm tài chính tại Trường mầm non Trung An 1, có nêu: Từ kết quả cuộc họp kiểm điểm của nhà trường ngày 13/3, ngày 17/3, huyện đã có văn bản 2411/UBND-NV, 2412/UBND-NV về việc phê bình đối với các cá nhân, tập thể có sai phạm.

Không “phục” với quyết định này, một giáo viên của trường tiếp tục làm đơn khiếu nại và tố cáo gửi đến UBND H.Củ Chi với hai nội dung: những người liên đới sai phạm chưa thấy được trách nhiệm của mình và không thấy hình thức xử lý. Nhà trường có vi phạm nên đề nghị cấp trên có hướng điều động ban giám hiệu đi nơi khác. 
Trả lời vấn đề này, UBND huyện cho biết: trong quá trình làm việc, người chịu trách nhiệm chính là bà Nguyễn Thị Gái và bà Bùi Ngọc Minh luôn thành khẩn và hợp tác. Cả hai đã được giải quyết nghỉ hưu theo chế độ, do đó không thể áp dụng xử lý kỷ luật đối với hai bà.

Ngoài ra, việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện thuộc thẩm quyền của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và phải được thực hiện theo đúng trình tự quy định về công tác cán bộ, do đó đề nghị về việc điều động ban giám hiệu đi nơi khác của giáo viên này chưa có cơ sở để giải quyết. 
Việc giữ trẻ ngoài danh sách của trường này không chỉ làm sai quy chế tuyển sinh đầu cấp, quy định giữ trẻ mà còn tiềm ẩn rủi ro cho chính những đứa trẻ này. Đó là chưa kể, sự vụ này đã để lại không ít điều tiếng ở cách xử lý, chẳng lẽ khi nhà quản lý sai phạm chỉ cần xin nghỉ hưu là “an toàn”? 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI