Trẻ biến dạng mặt sau nhiều năm té ngã

06/05/2021 - 06:50

PNO - Nhiều người lầm tưởng viêm khớp thái dương hàm chỉ xảy ra ở người lớn tuổi… Vì vậy, khi trẻ bị chấn thương vùng hàm, mặt do chạy chơi té ngã, hay do tại nạn nhẹ… rất dễ bị người lớn bỏ qua. Tuy nhiên, va chạm ở vùng cằm khiến trẻ gặp biến chứng nặng nề suốt nhiều năm sau.

Tưởng té ngã nhẹ, em T. bị biến chứng nặng nề suốt mười năm
Tưởng té ngã nhẹ, em T. bị biến chứng nặng nề suốt mười năm

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), có rất nhiều tai nạn về răng hàm mặt ở trẻ nguy cơ di chứng cứng khớp hàm được phát hiện. Trường hợp để nhiều năm gây biến chứng nặng có hơn 10 trẻ mỗi năm. Đa số trẻ 10-12 tuổi, ở các tỉnh, thành và rơi vào tự ti, sống khép kín, bỏ ngang việc học… do bị méo lệch mặt, nói chuyện khó khăn.

Lấy lại gương mặt sau 10 năm té ngã

Đợi đến lượt tái khám sau khi phẫu thuật xử lý cứng khớp hàm, em S.H.T. (12 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng), cho biết: hiện tại, em có thể thoải mái nói chuyện, tự tin hơn và cũng ăn được nhiều món ngon so với trước đây. Mười năm trước, cú trượt ngã tưởng chừng đơn giản, không ngờ đã khiến em và mẹ mệt mỏi suốt từng ấy năm để tìm cách chữa trị gương mặt cho em.

Lúc đó T. hai tuổi, đang chạy chơi thì bị té ngã đập mạnh cằm xuống đất. T. khóc thét vì đau đớn, mẹ em chạy vội đến dỗ dành. Thấy cằm T. bị sưng lên, ửng đỏ, mẹ mua thuốc cho em uống. Sau đó, vết thương dần ổn định, bé cũng hết sưng đau. “Vài ngày sau, T. than đau ở tai trái, tôi mua thuốc cho con uống tiếp mà vẫn không khỏi. Kiểm tra tai thấy không bị gì, nhấn vào vị trí vết thương ở cằm mấy hôm trước, con không đau nên cũng không biết làm sao. Đưa đi khám bệnh, bác sĩ cho thuốc uống mà T. cứ than đau. Sau đó khoảng một tháng bé tự hết”, mẹ T. kể. 

Hết “đau tai” nhưng T. cảm thấy có gì đó vướng vướng, đau ở hàm khi há miệng, còn quá nhỏ, em không diễn tả được cho mẹ, đành im lặng, hạn chế nói, cười, đòi ăn những thức ăn mềm, nhỏ. Năm T. được sáu tuổi, miệng em chỉ há được rất ít, nói chuyện cũng hạn chế. Đến năm 12 tuổi, mặt em biến dạng, hàm răng trên đưa ra ngoài, hàm dưới, cằm bị kéo vào trong, hai hàm sát khít, cố gắng mở miệng cũng chỉ há được 0,7cm.

T. nói: “Em nói câu dài không được, những chữ cần cong lưỡi hay tròn môi thì không thể phát âm nên mỗi lần em nói chuyện, bạn bè hay ghẹo, khi cần thiết lắm em mới nói thôi. Ăn uống càng khiến em mệt mỏi hơn, em chỉ ăn được thức ăn nhỏ, mềm, có nước chứ không phải thích gì ăn đó. Sợ nhất là càng ngày, em càng cảm nhận miệng em đóng lại thêm. Nên em với mẹ đi khám khắp nơi”.

Một lần đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ khuyên mẹ T. nên đưa em đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM điều trị. Tháng 10/2020, mẹ đưa T. đến Khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện khám. Qua khai thác bệnh sử, thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1, chẩn đoán T. bị cứng khớp hàm sau té.

Để chữa trị cho T, bác sĩ Đẩu đã phải mổ cắt đoạn giải phóng xương thái dương hàm, dùng xương mỏm vẹt gần đó thay thế cho xương lồi cầu, lấy sụn vành tai để tạo hình đĩa đệm ở giữa giúp T. có thể khôi phục vận động của hàm. May mắn, sau mổ, T. hồi phục khá tốt, cùng sự kiên trì tập trị liệu cho hàm, hiện tại T. đã có thể há to miệng, ăn uống tốt và tự tin trở lại.

Tương tự là bé Đ.T.T.L. (5 tuổi, ở Q.3, TPHCM) đi xe trượt một chân, bị té ngã đập hàm phải vào đầu xe gây sưng phù, chảy máu. Do mặt bé bị thương nặng, cha mẹ đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong khi điều trị, bác sĩ cũng phát hiện bé L. bị cứng khớp hàm sau một tháng té ngã. Khai thác bệnh sử, bác sĩ biết được khoảng hơn một tháng trước, bé cũng đi xe trượt này té ngã, nhưng bé L. chỉ bị sưng vài ngày nên cha mẹ không đưa bé đi khám. Bác sĩ Đẩu nhận định, bé L. may mắn được phát hiện sớm hơn các bệnh nhi khác nên chỉ cần uống thuốc và tập vật lý trị liệu chứ không phải trải qua ca phẫu thuật lớn như T.

Cần đưa trẻ đi khám khi trẻ bị té ngã
Cần đưa trẻ đi khám khi trẻ bị té ngã để tránh các trường hợp đáng tiếc (ảnh minh họa)

Trẻ té ngã, nguy cơ viêm khớp, cứng khớp hàm rất cao

Bác sĩ Đẩu cho biết: Trên gương mặt, cằm là bộ phận nhô ra phía ngoài, nên hầu hết các tư thế té ngã, cằm thường bị chấn thương trực tiếp. Nhìn bên ngoài, bệnh nhân có thể bị chẩn đoán nhầm là trầy xước, sưng đau ngoài da, tuy nhiên xương thái dương cũng có nguy cơ bị tổn thương, sưng viêm. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ, tự khỏi. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ gặp những cơn đau liên tục, dữ dội, đặc biệt là khi ăn và nhai. Các cơn đau ở trong và xung quanh tai, người bệnh khó mở miệng, đóng miệng, khó khăn khi cử động hàm. Khi mở miệng hoặc nhai có thể phát ra tiếng kêu khớp.

Nhiều người lầm tưởng viêm khớp thái dương hàm chỉ xảy ra ở người lớn tuổi bị thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp… Vì vậy, khi trẻ bị chấn thương vùng hàm, mặt do tai nạn giao thông, té ngã, hay va đập lúc chạy chơi rất dễ bị người lớn bỏ qua. Nhất là đập cằm, mặt vào cạnh bàn ghế, té do xe đạp, xe tập đẩy…

Theo bác sĩ Đẩu, trẻ nhỏ hiếu động và thích khám phá, nhất là vào những ngày nghỉ lễ kéo dài, trẻ thường chơi các trò vận động, té ngã ở quê, khu du lịch mà cha mẹ không hay; trong khi việc té ngã dẫn đến nguy cơ viêm khớp, cứng khớp hàm rất cao. Đây không phải là bệnh hiếm gặp, tuy nhiên nếu không được thăm khám kỹ, trẻ rất dễ bị bỏ sót và chịu đựng cơn đau, biến chứng nhiều năm liền. 

Nếu như được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh nhi chỉ cần uống thuốc giảm đau, theo dõi, điều chỉnh khớp, nhưng nếu để lâu, trẻ sẽ bị biến chứng nặng nề như không thể há miệng, nói ngọng, không nói, mặt méo lệch mất tự tin, tâm lý bị 
ảnh hưởng.

Để điều trị, trẻ phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn để cắt đoạn, giải phóng khớp thái dương hàm, tái tạo lồi cầu bằng mỏm vẹt và sụn vành tai, với nguy cơ liệt dây thần kinh mặt, ảnh hưởng tuyến nước bọt. Chưa kể đến sau phẫu thuật, còn phải tập vật lý trị liệu để phục hồi vận động hàm, tập âm ngữ trị liệu cho trẻ ít nhất sáu tháng đến nhiều năm. 

Cách theo dõi biểu hiện của trẻ sau té ngã

Khi trẻ bị tai nạn, té ngã chấn thương vùng mặt, nhất là ở hàm, cằm, cha mẹ nên theo dõi các biểu hiện của trẻ sau khi vết thương bên ngoài bình phục.

Cha mẹ hãy kiểm tra bằng cách dùng tay ấn vào vị trí trước tai của trẻ, nếu con phản ứng đau, khóc không cho chạm đến, hoặc cho trẻ há to miệng nhiều lần, nếu trẻ há khó khăn, nhăn mặt không hợp tác… rất có thể trẻ đã bị tổn thương khớp thái dương hàm.

Hãy đưa con đến các cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 Phạm An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI