Trẻ bị gan nhiễm mỡ có xu hướng tăng

25/09/2020 - 07:50

PNO - Nhiều cha mẹ bất ngờ khi con bị gan nhiễm mỡ. Bởi ai cũng tưởng chỉ có người lớn mới bị bệnh này.

Đa số trẻ mắc gan nhiễm mỡ không có triệu chứng điển hình mà tình cờ phát hiện lúc đi khám bệnh. Khi bác sĩ thông báo, nhiều cha mẹ rất bất ngờ. Bởi ai cũng tưởng chỉ có người lớn mới bị bệnh này. 

Cha mẹ bất ngờ khi con bị gan nhiễm mỡ

Mấy hôm trước, thấy con trai là bé T.T.K. (10 tuổi, ở tỉnh Long An) thường bị mệt mỏi, thở hắt khi chạy nhảy, khó tiêu, đau bụng nên chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ của bé K. mua thuốc Tây cho bé uống. Uống thuốc hai ngày không đỡ, bé K. lại bị nhức đầu, sổ mũi và thường xuyên thở mệt nên chị Hồng đưa con đến bệnh viện (BV).

“Sau khi khám, làm xét nghiệm, bác sĩ nói bé K. bị cảm cúm, rối loạn tiêu hóa nhẹ và gan nhiễm mỡ. Bệnh cảm cúm, rối loạn tiêu hóa thì tôi có thể hiểu, bởi bé hay bị cảm sốt khi chuyển mùa, trước đó cũng ăn gà rán và một vài món chiên khác. Nhưng tôi không hiểu sao bé K. lại mắc gan nhiễm mỡ”, chị Hồng nói.

Trẻ em cần được khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh chặt chẽ
Trẻ em cần được khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh chặt chẽ

Theo chị Hồng, bác sĩ nói có thể nguyên nhân từ việc bé K. thừa cân, béo phì và thích ăn đồ chiên, xào. Bé uống khá nhiều nước ngọt, thường rất ít vận động. Bác sĩ đã thay đổi thực đơn để kiểm soát chế độ ăn cho bé K. Ngoài ra, K. cũng phải thường xuyên vận động và sẽ tái khám trong tháng tới.

Tương tự, chị Trần Thị Vân Trang, mẹ của bé P.T.D. (8 tuổi, ở tỉnh Bến Tre) cũng bất ngờ khi bác sĩ thông báo bé bị gan nhiễm mỡ trong một lần đưa con đi khám sức khỏe tổng quát tại BV Nhi Đồng 2 TP.HCM. Bác sĩ còn nghi ngờ bệnh của bé đã kéo dài một năm, chỉ số men gan ALT lúc nhập viện cao hơn 200 UL.

Bé được chuyển đến Khoa Tiêu hóa để điều trị. Tại đây, bác sĩ cho bé D. thực hiện các xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân men gan tăng cao. Tuy nhiên, tất cả kết quả đều có chỉ số bình thường, buộc các bác sĩ phải hội chẩn, quyết định sinh thiết gan của bé D., và nhận thấy bé bị gan nhiễm mỡ với nhiều tế bào gan bị thoái hóa mỡ. Bé D. được khám dinh dưỡng, điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục để giảm cân, theo dõi, tái khám lại sau một tháng.

Không phát hiện sớm dễ dẫn tới viêm gan

Bác sĩ Tăng Lê Châu Ngọc, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết bệnh lý gan nhiễm mỡ không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải, thường thấy ở trẻ trên tám tuổi, dư cân, béo phì; trẻ mắc bệnh nền hay bị di truyền về rối loạn lipid máu từ cha, mẹ… 

Trẻ bị gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện sớm, không chỉ làm giảm chức năng gan mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như viêm gan, xơ gan, suy gan, nặng hơn có thể dẫn đến ung thư gan. Nguy hiểm ở chỗ trẻ mắc gan nhiễm mỡ hầu hết đều không có triệu chứng điển hình, mà được phát hiện khi trẻ đi khám sức khỏe hoặc bác sĩ tình cờ phát hiện lúc khám một bệnh khác. 

Tuy bệnh này ở trẻ em không có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng thay đổi chế độ ăn, cắt giảm tinh bột, chất đường, chất béo, tăng trái cây, rau củ… kết hợp tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp trẻ chữa khỏi. Sau đó, trẻ phải tái khám định kỳ từ 1-6 tháng để bác sĩ đánh giá lại dinh dưỡng và tầm soát men gan.

“Lưu ý, nhiều cha mẹ cho rằng con mình đang ở tuổi ăn tuổi lớn nên thường không kiểm soát chế độ ăn của trẻ, kèm theo tâm lý trẻ càng nặng cân càng khỏe mạnh là rất sai lầm. Thừa cân, béo phì là nguyên nhân chính khiến gan tích tụ mỡ nhiều hơn. Nhất là đối với trẻ có sở thích ăn thức ăn nhiều đường, đồ chiên, béo…

Những thức ăn này dễ dẫn tới rối loạn chuyển hóa mỡ trong gan. Cuối cùng khiến gan của trẻ tổn thương, nhiễm mỡ mà cha mẹ không hề hay biết. Thực tế, số trẻ mắc gan nhiễm mỡ tại BV Nhi Đồng 2 TP.HCM đang có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ bị men gan rất cao”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo thêm. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI