Tranh cãi tiếp nhận thông tin tố cáo qua mạng xã hội: Đừng chọn dễ mà làm!

25/05/2018 - 08:37

PNO - Trong khi hầu hết các ĐBQH lo ngại việc tiếp nhận thông tin tố cáo qua mạng xã hội, điện thoại, thư điện tử…sẽ gây quá tải cho cơ quan công quyền thì đại biểu Nguyễn Hữu Cầu khẳng định đó là quyền hiến định của người dân.

Sáng 24/5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số điều của Luật Tố cáo (sửa đổi). Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận là đề xuất mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử, mạng xã hội… Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, đề xuất này khó khả thi.

Đại biểu Võ Đình Tín (tỉnh Đắk Nông) nhận định, trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội, email sẽ thuận tiện cho người dân. Nhưng nếu mở rộng hình thức tố cáo, sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong việc xác minh trách nhiệm của người tố cáo sai sự thật.

Tranh cai tiep nhan thong tin to cao qua mang xa hoi: Dung chon de ma lam!
ĐB Nguyễn Hữu Cầu đi ngược với nhiều ý kiến của các đại biểu về việc bỏ quy định tiếp nhận tố cáo qua mạng xã hội

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Hồng Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, việc mở rộng hình thức tố cáo sẽ làm phát sinh nguồn lực, chi phí thời gian, từ đó gây khó khăn cho cơ quan nhà nước.

Từng có 15 năm làm công tác tiếp dân, đại biểu Trần Văn Mão (tỉnh Nghệ An), chia sẻ: chỉ một cú điện thoại là các đơn vị đã phải huy động hết toàn bộ nguồn lực. Trong khi đó, cần thời gian rất dài để xác minh sự việc, nên sẽ vô cùng khó khăn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện. 

Không đồng tình với các ý kiến kêu khó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu dành lời khen cho ban soạn thảo dự luật khi mở rộng hình thức tiếp nhận tố cáo: “Cách đây 13 năm, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 đã có những quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, qua mạng và các hình thức tố cáo khác.

13 năm rồi, Quốc hội đã chấp nhận vấn đề này, vậy mà công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Tại sao lại bỏ đi? Tôi thấy không đúng”. Theo đại biểu này, nói “khó thực hiện” chỉ là ngụy biện. Ông cũng cho rằng, đừng vì những khó khăn của cơ quan nhà nước mà chọn việc dễ; hãy để người dân thực hiện quyền hiến định của mình.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) cho rằng, điện thoại cũng là một cách tố cáo trực tiếp chứ không phải gián tiếp. Việt Nam đang cố gắng xóa bỏ sim rác và yêu cầu đăng ký thông tin người sử dụng. Do đó, không nên từ chối việc tố cáo qua điện thoại. 

Khó xử những vụ tương tự “Grab mua Uber”

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) chiều 24/5, các doanh nghiệp ở nước ngoài có hành vi gây ảnh hưởng đến cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ bị xử lý. 

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Quang Thanh (TP.Hà Nội) tán thành với các điều chỉnh trong dự thảo luật lần này. Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều thương vụ kinh tế và thỏa thuận cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh trong nước. 

Gần đây nhất là thương vụ Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber ở khu vực Đông Nam Á, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các tài xế tại Việt Nam. 

Nếu không có cơ sở pháp lý để xử lý thì những hành vi tương tự, trong tương lai sẽ lại xảy ra và cơ quan chức năng khó có thể can thiệp để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI