Trăn trở về đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng Đông Nam bộ

20/04/2023 - 06:24

PNO - Ngày 18/4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều đại biểu đã chỉ ra cơ hội cũng như thách thức cho hoạt động GD-ĐT ở vùng kinh tế năng động nhất cả nước.

Tỉ lệ trường lớp cao và tỉ lệ học sinh/lớp cũng… cao 

Ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho hay, qua hơn 10 năm, đến nay, toàn vùng có 2.592 cơ sở giáo dục phổ thông (tăng 62 cơ sở so với năm 2020-2021) và 2,9 triệu học sinh (tăng 764.590 học sinh). Tỉ lệ lớp/trường các cấp học trong khu vực Đông Nam Bộ đều đứng thứ nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội và cao hơn so với bình quân cả nước. Dù vậy, tốc độ tăng dân số cơ học của vùng - đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp - đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục. Đây là nguyên nhân dẫn đến Đông Nam bộ là vùng có tỉ lệ học sinh/trường cũng như sĩ số học sinh/lớp cao nhất cả nước, đặc biệt tỉ lệ học sinh/trường ở cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (thứ hai từ bên trái), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (bìa phải) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị - ẢNH: P.T.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (thứ hai từ bên trái), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (bìa phải) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: P.T.

Mạng lưới trường đại học vùng luôn thuộc nhóm cao của cả nước với cơ cấu ngành nghề đào tạo đa dạng, đáp ứng nhu cầu lao động của địa phương. Tính đến tháng 6/2022, toàn vùng có 57 trường đại học, song phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở TPHCM với 46 cơ sở, trong khi Bình Phước và Tây Ninh lại không có trường đại học nào.

Một nghịch lý khác là mặc dù được đầu tư và tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng dần hằng năm nhưng vẫn thấp hơn bình quân của cả nước và thấp nhất trong 6 vùng. Trong đó, TPHCM và Bình Dương là 2 địa phương có tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn thấp nhất vùng. Bên cạnh đó, TPHCM cũng là địa phương có tỉ lệ trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia thấp hơn bình quân cả nước. Riêng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu lại là những địa phương có tỉ lệ trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia cao hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, Bình Dương cũng có tỉ lệ trường THPT đạt chuẩn cao nhất cả nước và cao gấp đôi so với bình quân cả nước.

“Dù đầu tư nhiều cho xây dựng trường lớp, song tại khu vực đông dân cư, khu đô thị mới ở một số địa phương vẫn thiếu trường, thiếu lớp, dẫn đến sĩ số cao hơn so với quy định và bình quân cả nước. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng phải học nhờ, học mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học. Cùng với đó, là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt tỉ lệ giáo viên tiểu học và THCS đứng lớp thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội và thấp hơn bình quân cả nước” - ông Nguyễn Văn Phúc thông tin.

Hoạch định chính sách giáo dục cần tính đến dân nhập cư

Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nhấn mạnh TPHCM luôn coi việc phát triển giáo dục là mục tiêu hàng đầu, cho nên ngân sách dành cho giáo dục luôn tăng hằng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Hiện thành phố dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỉ đồng/năm, tiến tới hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy học tiên tiến, hiện đại.

 

Một lớp học ở Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12, TPHCM) có sĩ số 58 học sinh,  cao hơn nhiều so với sĩ số chuẩn 35 học sinh - ẢNH: P.T.
Một lớp học ở Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12, TPHCM) có sĩ số 58 học sinh, cao hơn nhiều so với sĩ số chuẩn 35 học sinh - Ảnh: P.T.

Tuy vậy, ông Bùi Xuân Cường nhìn nhận: “Áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số lượng học sinh hằng năm tăng nhanh cho nên số trường và số phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số học sinh các lớp cao, do đó việc triển khai giáo dục toàn diện, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm gặp nhiều khó khăn”. Theo ông, TPHCM đặt mục tiêu giai đoạn tới tiếp tục đầu tư cho giáo dục, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế, xây dựng thành phố thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Đặc biệt bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục.

Cũng là địa phương đối mặt với sự gia tăng dân số cơ học mạnh mẽ, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - nêu lên nhiều khó khăn như thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, sĩ số học sinh cao. Đặc thù của tỉnh là mạng lưới giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm tỉ lệ khá cao nhưng nhiều cơ sở có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu giáo viên trầm trọng. Tuy thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, do các khu công nghiệp trên địa bàn thu hút nguồn nhân lực rất lớn. Chưa kể, đặc thù công việc của giáo viên mầm non vất vả, thu nhập thấp do phụ huynh đa phần là công nhân nghèo, nhà trường khó cân đối thu chi để đảm bảo chế độ cho giáo viên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. 

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - nhìn nhận trong 10 năm qua, nhiều chỉ số về GD-ĐT chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đây là những điểm nghẽn lớn, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển GD-ĐT đến năm 2030 của vùng đứng đầu cả nước. Do đó, cần tập trung phân tích, tìm giải pháp khả thi để tháo gỡ trong thời gian tới.

Chẳng hạn, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia thấp song không đồng nghĩa với chất lượng giáo dục thấp mà xuất phát từ đặc thù dân số cơ học đông, tỉ lệ học sinh tăng quá cao. Do đó, cần ngồi bàn với nhau để “bắt đúng bệnh”, trong thời gian tới tập trung giải pháp đột phá để mở rộng mạng lưới trường lớp cho học sinh. “Như ở TPHCM, dân số báo cáo thống kê theo hộ khẩu chỉ có 9,2 triệu người, nhưng thực tế trên 11 triệu người. Do đó, các bộ ngành khi hoạch định các chính sách cần tính đến cả dân số nhập cư, lao động tự do để đưa ra những dự án, quyết định sát thực tế” - ông Nguyễn Đắc Vinh lưu ý. 

Chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá bức tranh giáo dục vùng Đông Nam Bộ nhìn chung vẫn hết sức sáng sủa, trong đó thể hiện sự nỗ lực của các địa phương và đội ngũ thầy cô giáo. Ông chỉ đạo các địa phương trong vùng cần tiếp tục đầu tư nguồn lực, khắc phục khó khăn, thách thức để đảm bảo mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Bởi, thực tế trên thế giới đang cho thấy các nước cần phải thay đổi tư duy, phương thức phát triển từ phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên thiên nhiên chuyển sang đầu tư cho tài nguyên tri thức. Con người là nguồn vốn cơ bản, chỉ có đầu tư vào GD-ĐT mới tạo ra nguồn động lực mới để phát triển đất nước. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Nhân, nhân lực và nhân tài cho Đông Nam bộ

Đặc điểm của vùng Đông Nam Bộ là khu vực có nhu cầu học tập lớn, nhu cầu học tập với chất lượng bậc cao. Đây là khu vực tồn tại cả những nấc thang cao nhất cũng như thấp nhất của giáo dục. Bởi ở đây vẫn còn tỉ lệ người mù chữ, vẫn còn lớp học tình thương dành cho con em người lao động không có chỗ học. Ở vùng này thuận cho dạy nghề, tốt cho nhân tài nhưng đầy thách thức cho dạy người. 

Câu chuyện giáo dục ở vùng này cũng có 3 phương diện: nhân, nhân lực, nhân tài. Trong vấn đề nhân, giáo dục dạy người vùng nào cũng quan trọng, có yêu cầu giống nhau với những phẩm chất, năng lực và giá trị cốt lõi. Nhưng riêng với Đông Nam Bộ cần phải chú ý thêm một điểm là phải giáo dục một lớp thị dân mới, những con người ở các đô thị với lối sống kỷ cương, tuân thủ pháp luật, những công dân số và biết sống văn minh trong môi trường đô thị. Cần phải giáo dục họ ngay từ trong quá trình chuyển từ nông thôn thành đô thị.

Trong vấn đề nhân lực, chúng ta cần làm tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, gốc của chất lượng nhân lực không đâu khác phải bắt đầu từ giáo dục phổ thông cho tốt. Việc này các địa phương đang làm tốt, cần cố gắng làm thật tốt hơn nữa. Trong vấn đề nhân lực của miền Đông thì nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ phải đặt thành hướng ưu tiên trọng tâm. 

Về nhân tài, cần phải tập trung phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, kỹ thuật, khoa học, đổi mới, sáng tạo, quản trị, điều hành…

Phương Thanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI