Trách nhiệm công dân và “phép màu” trước COVID-19

31/05/2021 - 07:35

PNO - Lần này, nếu từng công dân tiếp tục tham gia có trách nhiệm vào hoạt động phòng, chống dịch do cơ quan chức năng kêu gọi, thì một lần nữa, “phép màu” sẽ không có lý do gì lại không đến với chúng ta.

 

Hàng dài người chờ tính tiền tại siêu thị gây lo ngại
Hàng dài người chờ tính tiền tại siêu thị gây lo ngại

Giữa cơn đại dịch lan tràn với rất nhiều âu lo, bỏ qua số liệu thống kê không ngừng nhảy múa của những ca dương tính, những thông tin về các virus biến chủng… cộng đồng hướng toàn bộ hy vọng cho nụ cười của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM). Hình ảnh anh “xuống tóc” với niềm hạnh phúc xung phong ra tuyến đầu Bắc Giang chống dịch, có sức an ủi và chữa lành tâm thế đang hoang mang của hàng vạn người dân.

Trước đó, những câu chuyện tại tâm dịch của những chiến sĩ áo trắng đã khiến chúng ta nghẹn ngào biết ơn. Một nam sinh quân y tại Bắc Giang thức trắng bên cạnh đồng đội kiệt sức. Hay nước mắt nữ bác sĩ khi nghe giọng con gái ba tuổi qua điện thoại: “Mẹ bắt hết con COVID rồi về với con”… Tại các tỉnh, thành khác, bên cạnh các đội lấy mẫu xét nghiệm cơ động, đơn vị phản ứng nhanh của các bệnh viện, áp lực đang ngày đêm đè lên vai lực lượng phòng, chống dịch địa phương cũng được cộng đồng ghi nhận và lan tỏa niềm thán phục.

Việc dành sự kính phục cho những con người mang trách vụ, quên mình lao vào cuộc chiến chống COVID-19 là một đạo lý cần thiết. Tuy nhiên, cử chỉ mang tính phép tắc xã hội này sẽ là chưa đủ, nếu mỗi người không tiếp nối lan tỏa tinh thần đó bằng chính những hành động nhỏ: quên bản thân đi một chút!

Toàn bộ 30 nhân viên, bác sĩ của một phòng khám tư nhân ở TPHCM đã bị cách ly tại chỗ sau khi phát hiện có ca dương tính COVID-19 đến đây khám bệnh. Dù khá mệt mỏi và căng thẳng nhưng vị bác sĩ phụ trách chuyên môn tâm sự qua tin nhắn: “Hằng ngày, chúng tôi đều nhắc nhở nhau: 21 ngày vì sự an toàn của cộng đồng sẽ mang ý nghĩa đặc biệt trong suốt cuộc đời của mỗi người”.

Hôm nay 31/5, TPHCM bước vào hai tuần lễ quyết định trong nỗ lực kiểm soát COVID-19 với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phổ, khu phố là một pháo đài chống dịch”. Thế nhưng, ngay khi vừa có lệnh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều thông tin “phát hoảng” đã được ghi nhận.

nếu từng công dân tiếp tục tham gia có trách nhiệm vào hoạt động phòng, chống dịch do cơ quan chức năng kêu gọi, thì một lần nữa, “phép màu” sẽ không có lý do gì lại không đến với chúng ta
Nếu từng công dân tiếp tục tham gia có trách nhiệm vào hoạt động phòng, chống dịch do cơ quan chức năng kêu gọi, thì một lần nữa, “phép màu” sẽ không có lý do gì lại không đến với chúng ta

Hình ảnh tại Emart Gò Vấp lúc 14g50 ngày 30/5 thật đáng kinh hoàng. Cả siêu thị nêm chặt người vào mua hàng tích trữ và chờ hàng giờ để tính tiền khiến nhân viên phải thốt lên “chưa từng xảy ra tình huống này kể từ khi siêu thị được thành lập”. Các siêu thị khác trên địa bàn quận cũng tương tự.

Đây thực sự là cơn ác mộng về dịch tễ. Bởi những hành động trên góp phần phân tán nguồn lây. Nửa tháng sắp tới là khoảng thời gian đầy thách thức và chúng ta chỉ có thể hành động để góp phần khống chế dịch, chứ không thể gây ra thêm bất cứ mối nguy nào khác. Người dân không hiểu rằng, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thì các cửa hàng phục vụ hàng hóa thiết yếu vẫn được mở cửa, với điều kiện thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. Có nghĩa là, chúng ta vẫn có thể mua nhu yếu phẩm khi cần.

Chúng ta đã từng “thắng trận” trước virus khi đã luôn nâng cao ý thức tự giác chấp hành các biện pháp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi làm việc. Lần này, nếu từng công dân tiếp tục tham gia có trách nhiệm vào hoạt động phòng, chống dịch do cơ quan chức năng kêu gọi, thì một lần nữa, “phép màu” sẽ không có lý do gì lại không đến với chúng ta. Ngoài tích cực khai báo y tế, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ, việc chúng ta hạn chế ra ngoài khi không thật sự cần thiết, lại đang là điều quốc gia mong mỏi nơi mỗi công dân.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM), nếu bạn không may là F0 thì cứ bình tĩnh và hết sức… bình tĩnh. Điều quan trọng là nhớ lại những nơi mình đến, những người mình tiếp xúc để giúp truy vết càng sớm càng tốt. Ở một nghĩa khác, theo chúng tôi, bên cạnh không cản trở, không gây khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch, việc ý thức và hành động như thể mình là một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm bằng cách luôn có đầy đủ thông tin cá nhân để hợp tác tốt khi cần, cũng là thái độ sống có trách nhiệm cao nhất với cộng đồng. Hành động nhỏ từ trách nhiệm công dân sẽ giúp tạo ra “phép màu” trước COVID-19! 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI