TPHCM có thể thay đổi cả dữ liệu xây dựng đề kiểm tra trong năm học 2022-2023

23/08/2022 - 21:51

PNO - Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 sáng 23/8, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường có thể thay đổi cả dữ liệu trong việc xây dựng câu hỏi đề kiểm tra.

Nhiều kiến nghị, đề xuất 

Tại hội nghị, ông Phạm Đăng Khoa - Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 cho rằng, Sở cần đẩy mạnh ứng dụng học liệu số trong dạy học, kiểm tra đánh giá từ nền tảng dạy học 2 năm dịch vừa qua để giúp nhà trường, giáo viên chủ động thích ứng trong mọi tình huống... 

Ông cũng đề nghị công tác hướng nghiệp cần được đẩy mạnh ở bậc THCS, từ năm lớp 6 phù hợp với xu hướng định hướng nghề. Ngoài ra, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm có thể tận dụng vào giờ ra chơi, chứ không phải chờ đến khi đưa học sinh ra ngoài nhà trường mới được gọi là trải nghiệm... 

Bà Hoàng Mai - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ - cho biết, tại địa phương thuận lợi đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh học 2 buổi/ngày, không khó khăn về sĩ số song là địa bàn xa, cơ sở vật chất dần xuống cấp, kinh phí trang bị đồ dùng dạy học cho Chương trình GDPT 2018 đến nay chưa được cấp, huyện đã đề nghị UBND huyện cấp hỗ trợ.

Nhiều kiến nghị được lãnh đạo các cơ sở giáo dục nêu ra tại hội nghị
Nhiều kiến nghị được lãnh đạo các cơ sở giáo dục nêu ra tại hội nghị

"Thực hiện năm học 2022-2023, phòng giáo dục băn khoăn việc triển khai các đề án của ngành, đã tham mưu UBND huyện đến các trường song khó khăn trước mắt vẫn là kinh phí như chỉ tiêu mỗi cấp học có 1 trường học thông minh, đề án tin học... Ngoài ra, công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS tại địa phương còn gặp khó khi mấy năm gần đây chỉ đạt 5% trong khi mục tiêu đặt ra là 20%", bà Mai băn khoăn.

Từ thực tế dạy học tại trường, thầy Nguyễn Đức Chính - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) bày tỏ mong muốn Sở có thêm đánh giá về chương trình dạy tích hợp để có hướng thực hiện phù hợp. Đồng thời có thêm định hướng về trí tuệ nhân tạo để các trường đưa vào giảng dạy. 

Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lại chia sẻ, chuẩn bị năm học 2022-2023 nhà trường đã nỗ lực thực hiện phương án chọn môn học để phù hợp với loại hình lớp chuyên trong trường chuyên song lúng túng phân công giảng dạy lớp chuyên trong trường chuyên vì thông tư cũ hết hiệu lực chưa có thông tư thay thế.

Do đó, trường mong Sở GD-ĐT có hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, mong Sở có hướng dẫn sâu việc xây dựng trường học thông minh như các tiêu chuẩn để khi thực hiện trường tự rà soát xem mình đã đạt được chưa… Việc triển khai dạy học AI, trí tuệ nhân tạo, dạy theo chuẩn quốc tế cần có thêm hướng dẫn tài chính về mức thu, chi.

Đề kiểm tra sẽ không như những năm học trước

Phát biểu chỉ đạo tổng kết, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc đề nghị khi thực hiện Chương trình GD-PT 2018, các trường cần đảm bảo đúng theo hướng dẫn chung, linh động, chủ động thực hiện, không mang tâm lý chờ đợi. 

Trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 khối lớp 10, ông Quốc nhấn mạnh, quan trọng nhất là nhận thức về sự thay đổi từ cách thức giảng dạy, phương pháp tổ chức lớp…, để đảm bảo rằng có thể truyền tải hết các nội dung, mong muốn, mục tiêu của chương trình.

“Sẽ còn rất nhiều thầy cô lên lớp với tinh thần chỉ triển khai kiến thức liên quan đến chương trình. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thì trong việc giảng dạy không còn dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức mà phải hình thành được năng lực cho học sinh. Kéo theo đó, cách kiểm tra đánh giá không chỉ dừng lại ở việc cho ra các đề kiểm tra, các câu hỏi như những năm học trước mà có thể thay đổi cả dữ liệu để xây dựng các câu hỏi đề kiểm tra, theo hướng đánh giá năng lực học sinh”, ông Quốc nói.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý, việc giảng dạy Chương trình mới không chỉ dừng ở truyền thụ kiến thức
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý, việc ra đề kiểm tra năm học này có thể thay đổi cả dữ liệu để xây dựng câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực học sinh

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, việc giảng dạy không còn bám sát SGK như cũ nữa mà giáo viên phải sử dụng SGK như tài liệu, cùng với các SGK khác để xây dựng tổ chức giảng dạy cho học sinh khối 10.

“Thầy cô phải thoát ly được vấn đề này, phải nhận thức và thực hiện được sự thay đổi này thì mới đạt được thành công của Chương trình 2018. Song song đó, việc giảng dạy không chỉ dừng ở truyền thụ kiến thức mà phải hướng đến hình thành phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu chương trình đề ra. Nhà trường phải đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, để giúp thấy cô có sự điều chỉnh…", ông Nguyễn Bảo Quốc chỉ rõ.

Ông yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai các đề án mà UBND TP đã ban hành: giáo dục thông minh, chuyển đổi số…, tiếp tục triển khai để án về dạy học tiếng Anh. Đề nghị các trường xây dựng cơ sở dữ liệu, chú trọng xây dựng thư viện số, cùng với ngành triển khai hệ thống dạy học LMS vừa hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, vừa trực tiếp. 

Đồng thời cho biết, năm học 2022-2023, kỳ thi Olympic 30/4 sẽ tiếp tục được tổ chức sau 1 năm tạm dừng. Riêng cuộc thi học sinh giỏi thành phố sẽ có điều chỉnh về số lượng, đảm bảo quyền lợi cho các quận, huyện. Đặc biệt, TPHCM sẽ có những hội thi mới được xây dựng phù hợp với chương trình GDPT 2018.

"Có thể năm nay Bộ GD-ĐT tạm dừng tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, TPHCM vẫn duy trì hoạt động nghiên cứu khoa học. Nếu Bộ không tổ chức cuộc thi cấp Bộ và tham dự kỳ thi nghiên cứu khoa học cấp quốc tế thì TP sẽ nghiên cứu một số hội thi quốc tế có yêu cầu chọn lọc từ vòng địa phương để các trường tham gia", ông Quốc nói.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI