TPHCM có 47.000 F0 đang điều trị tại nhà

15/11/2021 - 17:31

PNO - Hiện tại TPHCM đang ở cấp độ 2 của dịch COVID-19, trong đó 10/22 địa phương đạt cấp độ 1; 11/22 địa phương đạt cấp độ 2. Riêng huyện Cần Giờ là địa phương được xếp cấp độ 3.

 

Tiêm vắc xin sẽ giảm bệnh tiến triển nặng, giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc COVID-19
Tiêm vắc xin sẽ ngăn bệnh tiến triển nặng, giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc COVID-19

Chiều 15/11, trong cuộc họp thông tin phòng, chống COVID-19 tại TPHCM, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, mức độ dịch bệnh tại TPHCM đang có nhiều cấp độ. Trong đó 10/22 địa phương đạt cấp độ 1; 11/22 địa phương đạt cấp độ 2; huyện Cần Giờ là địa phương được xếp cấp độ 3. Ở cấp phường, xã, thị trấn, TPHCM có 161/312 địa phương đạt cấp độ 1; 146/312 địa phương đạt cấp độ 2; và 5 địa phương đạt cấp độ 3.

Theo đánh giá của Sở Y tế, mặc dù hiện nay TPHCM dịch tương đối ổn định, đến cuối năm Thành phố sẽ chỉ giữ lại 3 bệnh viện như kế hoạch trước đó để chăm sóc F0 trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các địa phương phải chủ động có những giải pháp chống dịch. Vì vậy, trước tình trạng ở các địa phương có số ca F0 tăng, Sở Y tế quyết định thành lập 8 bệnh viện dã chiến ở 8 quận, huyện với quy mô 300 giường/bệnh viện.

"Việc thành lập bệnh viện dã chiến ở quận, huyện để chúng ta có thể đi trước dịch COVID-19 một bước trong công tác kiểm soát. Quan trọng phải đảm bảo cho các F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà được đến cơ sở cách ly điều trị", ông Nguyễn Hữu Hưng nói. 

Trước phản ánh của người dân là F0 khó liên lạc với y tế địa phương và không nhận được các gói thuốc hỗ trợ, đặc biệt là gói thuốc C, ông xác nhận có trường hợp y tế địa phương chưa nắm, chưa hỗ trợ kịp cho F0 cách ly tại nhà. Sở Y tế đã có văn bản nhắc nhở địa phương, đồng thời lập đoàn kiểm tra để đi thực tế, đánh giá tình hình, nhắc nhở, hướng dẫn cho các cơ sở y tế.

"Ngay chiều thứ 7 (13/11) vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã họp, nhắc nhở 22 lãnh đạo y tế địa phương phải quán triệt quản lý, hỗ trợ F0 khi người bệnh đang cách ly điều trị tại nhà. Trong đó phải thăm khám kỹ, chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc trong trường hợp cần thiết. Khi F0 có chỉ định phải sử dụng thuốc, tùy theo tình trạng bệnh, nhân viên y tế phải hỗ trợ gói thuốc cho bệnh nhân, nhất là gói thuốc C. Nếu vì lý do gì đó mà F0 chưa được hỗ trợ gói thuốc, cơ sở y tế phải lưu ý lại, nếu khó khăn phải báo cáo lên Sở Y tế để được hướng dẫn thực hiện", ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết. 

Về hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19, ông thông tin, qua khảo sát sơ bộ ở những bệnh nhân F0, nếu tiêm vắc xin đủ liều, người được tiêm vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, vắc xin sẽ làm giảm ca chuyển nặng, giảm sự lây lan cho người khác, hạn chế tỷ lệ tử vong. Vẫn có trường hợp người đã tiêm ngừa mắc bệnh, tử vong nhưng là trường hợp đơn lẻ, kèm bệnh nền, chứ không đại diện cho số đông.

Ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định: "TPHCM được hỗ trợ vắc xin ngừa COVID-19 từ Trung ương nên sẽ đảm bảo đủ liều vắc xin cho bà con, kể cả người từ quê quay trở lại Thành phố học tập, làm việc. Hiện nay, người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin mũi 1 về cơ bản đã đạt 100%, ngành y tế tiếp tục nỗ lực tiêm ngừa để người dân hoàn thành 2 mũi vắc xin, kể cả trẻ em từ 12-17 tuổi". 

Về số lượng F0 đang được cách ly điều trị tại nhà, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - cho biết con số này tại TPHCM là hơn 47.000, trên tổng hơn 64.000 người mắc, chiếm tỷ lệ 73%.

 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI