Tom Ford - Kẻ săn đêm và sự thật trần trụi

14/01/2017 - 14:06

PNO - Ở lễ trao giải Quả cầu vàng hôm 9/1/2017, có một bộ phim tuy không đình đám nhưng rất đáng chú ý, đó là Nocturnal Annimals (Kẻ săn đêm).

Ngoài nội dung huyền bí và phong cách duy mỹ thì tác phẩm điện ảnh này mang đậm dấu ấn cá nhân của người tạo nên nó: nhà làm phim kiêm nhà thiết kế thời trang lừng danh Tom Ford.

Phải chờ đến bảy năm, nhà tạo mẫu danh tiếng mới tái ngộ khán giả màn ảnh rộng sau cú chạm ngõ vô cùng ấn tượng với Single Man (Gã độc thân, 2009). Nocturnal Annimals là phim thứ hai trong sự nghiệp điện ảnh của Tom Ford, nhưng lúc này hoàn toàn có thể nói làng thời trang đã có thêm một… nhân tài điện ảnh.

Single Man giữ hai đề cử ở cả Oscar và Quả cầu vàng năm 2000, trong đó có đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc cho Colin Firth. Phim mới nhất cũng có ba đề cử Quả cầu vàng, với hai đề cử cá nhân dành cho Tom Ford trong hai vai trò đạo diễn và biên kịch. Ðặc biệt, tác phẩm này giúp nam diễn viên điển trai Aaron Taylor-Johnson bước lên bục vinh danh của Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Ngoài hai tên tuổi Colin Firth và Julianne Moore ở Single Man thì những gương mặt tham gia Nocturnal Annimals như Amy Adams, Jake Gyllenhaal… tiếp tục là bảo chứng cho chất lượng phim của “ông hoàng thời trang”. Riêng cá nhân Tom Ford, Kẻ săn đêm đã mang đến cho anh vinh quang tại LHP Venice lần thứ 73 với giải Sư tử bạc, tức giải thưởng lớn từ BGK (Grand Jury Prize).

Tom Ford - Ke san dem va su that tran trui

Còn tại Hollywood Film Award, nhà thiết kế nổi danh bây giờ là Ðạo diễn đột phá của năm. Trong lịch sử điện ảnh, chưa có thành công tương tự của “tay ngang” ngành thời trang như Tom Ford. Ðiều đáng nói là, dẫu đã giữ cho mình một chiếc ghế điện ảnh, nhưng Tom Ford vẫn là tượng đài sừng sững, với triết lý riêng trong làng thời trang.

Tom Ford xuất thân trong một gia đình có bố mẹ làm nghề môi giới bất động sản, trải qua những năm tháng tuổi thơ ở vùng ngoại ô và ở Santa Fe, Mexico. Dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp của Tom ở thời kỳ đầu là tới New York học nghệ thuật, trang trí nội thất và công khai là người đồng tính, đồng thời nhận biết rõ mình thuộc về nơi nào, có thiên hướng, phong cách ra sao. Sau khi thử sức với nhiều công việc “không tên”, Tom Ford quyết định rời Mỹ để đến Italia.

Năm 1990, tức khi 19 tuổi, Tom Ford gia nhập nhà mốt Gucci với vai trò thiết kế trang phục thường nhật cho nữ và liền sau đó đảm nhiệm cả thiết kế đồ nam và giày dép. Hai năm sau, Tom Ford lên chức giám đốc thiết kế, chịu trách nhiệm về hệ thống sản phẩm “ready-to-wear”, nước hoa, hình ảnh, quảng cáo đến trang trí cửa hàng… Chỉ một năm sau, nhà thiết kế chịu trách nhiệm cho 11 dòng sản phẩm, làm việc liên tục tới 18 tiếng mỗi ngày và chỉ một năm tiếp đó lên chức giám đốc sáng tạo của Gucci.

Từ đây, hàng loạt sáng tạo của Tom Ford được phát huy. Khi Tom Ford đến với Gucci, thương hiệu này đang ở bờ vực phá sản, thì đến năm 1999, giá trị thị trường của nhà mốt này tăng lên bốn tỷ USD và Tom Ford trở thành chủ sở hữu chính. Cũng trong năm, Gucci mua lại nhà mốt Yves Saint Laurent (YSL), từ đó gắn tên YSL với Tom Ford là những cuộc cách mạng về thời trang nữ theo hướng gợi cảm, nổi loạn hơn.

Tom Ford - Ke san dem va su that tran trui

Giá thị trường của YSL đến 2004 - thời điểm Tom Ford rời nơi này để lập nhà mốt mang tên mình - đã lên tới 10 tỷ USD. Với dòng thời trang, phụ kiện, nước hoa riêng, Tom Ford tiếp tục khuynh đảo ngành thời trang bằng những sáng tạo không ngừng, trong đó có việc là người tiên phong cho trào lưu “See Now Buy Now” đang nở rộ.

Tom Ford từng nói, “với phụ nữ đẹp và mạnh mẽ, họ luôn hiểu rõ về phong cách riêng của mình”. Tuy nhiên, đây là lời quảng cáo bán hàng của nhà mốt lão làng. “Là nhà thiết kế thời trang, tôi luôn ý thức rằng mình không phải một nghệ sĩ, bởi vì những gì tôi tạo ra là để đem bán, tiếp thị, phục vụ tiêu dùng và cuối cùng trở thành phế liệu”, Tom Ford thẳng thắn.

Chính người đàn ông này nói ra một sự thật trần trụi rằng: “Có người sẽ không hiểu và thấy buồn cười khi đọc điều này, nhưng thực tế thì thời trang là một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm và nghiệt ngã nhất, vì chúng tạo ra chuỗi sản phẩm để lại nhiều di hại. Tốc độ đào thải của chúng quá nhanh. Người ta bị cuốn vào vòng quay tiêu thụ, buồn chán, rồi lại tiêu thụ và trở nên buồn chán… không ngừng”.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI