“Tít toe”, kem đây!

11/06/2023 - 07:16

PNO - Cô bán kem chẳng bao giờ cất tiếng rao lanh lảnh như những người bán rong khác, bởi cô có một chiếc kèn tự chế rất lợi hại.

 

Tôi từng mê tít cái vị kem ấy - thứ kem mà người ta thường cho vào thùng xốp rồi đạp xe đi bán rong khắp các con đường. Dù là chớm trưa nắng dội rát bỏng hay xế chiều khói cuộn hoàng hôn, người bán kem vẫn cần mẫn với công việc của mình. Bánh xe lăn đều chở những que kem mát lạnh đến tận tay đám trẻ con háo hức đã chờ sẵn dưới những bóng cây. Đôi khi là tốp thợ cấy nhễ nhại mồ hôi đang khát. Cái thùng xốp của cô bán kem trông be bé nhưng chứa cơ man nào là kem. Kem chuối, kem sữa, kem chanh, kem cam, rồi sữa chua, rồi đá. 

Hồi ấy không có đá viên đóng thành túi 5 ký như bây giờ. Thứ đá phổ biến là đá tảng, khuôn lớn hơn khay đá hay để trong tủ lạnh thông thường một chút. Đá cũng là thứ bán rất chạy bởi thời tiết nóng bức nhưng ngày ấy rất ít nhà có tủ lạnh. Tuy nhiên, thứ được yêu thích hơn cả vẫn là kem, đặc biệt là kem sữa. Chúng rẻ, thơm và không kén người ăn. Que kem sữa to gần bằng que kem Tràng Tiền bây giờ. Mỗi que có giá chỉ 200 đồng nên nếu có trong tay 1.000 đồng thì tụi nhóc chúng tôi tha hồ ăn đến tê đầu lưỡi. Qua một vài năm, theo xu thế chung của thị trường, giá kem cũng nhích lên 500 rồi 700 đồng, nhưng so với nhiều thứ khác thì vẫn không mắc.

Cô bán kem chẳng bao giờ cất tiếng rao lanh lảnh như những người bán rong khác, bởi cô có một chiếc kèn tự chế rất lợi hại. Tôi không rõ nguyên lý hoạt động của kèn, chỉ biết, thân nó làm từ cái vỏ chai nước rửa chén màu trắng, phần đầu gắn cái kèn như cái phễu, nhưng thuôn dài hơn. Dùng tay bóp nhẹ thân chai, tiếng “toe tít toe tít” vang lên mời gọi. Chẳng cần giọng rao ngọt lịm, cũng không cần lời lẽ mỹ miều, chỉ vài tiếng “tít toe” là khách hàng đã tự khắc chạy ra chờ sẵn. 

Gọi lớn một tiếng “kem ơi”, cô quẹo vào, dừng ngay chỗ khách đợi, hỏi khách nay mua gì? Mua kem, 10 que cô nhé! Thế là sợi dây chằng gỡ xuống, nắp thùng mở ra, cô bới lớp khăn bông dày cộm giữ nhiệt sang một bên, hơi lạnh bốc lên trắng xóa. Khách hàng đứng sát rạt cạnh thùng kem, phần để ngắm cho đã mắt cái thứ làm mình ghiền, phần để hưởng ké làn hơi mát lạnh mong dịu bớt đi cái nóng hầm hập ngoài trời. Cô đếm kem, cho vào túi. Khách dúi tiền vào tay cô, hí hửng đếm lại một lần nữa xem số lượng đã đủ chưa, rồi đôi bên gửi nhau một lời chào tạm biệt. 

Không giống như người lớn, đám trẻ chúng tôi ngày đó ăn kem chỉ dám cắn những miếng thật nhỏ, sợ cắn miếng lớn kem sẽ hết mất. Đứa nào ăn hết trước thì sẽ bị những đứa còn lại nhem thèm, điều ấy đối với đám trẻ con chúng tôi ngày đó chẳng khác nào cực hình.

Mùa hè nào tôi cũng dành hết tiền tích góp được để mua kem. Đến lúc rỗng túi lại quay ra nịnh ông, nịnh bà. Đôi ba lần thì ông bà còn chiều, chứ năm sáu lần là kiểu gì cũng được “ăn mắng”. Ông nói ăn ngọt nhiều sâu răng, bà bảo ăn lạnh nhiều viêm họng. Tôi phụng phịu bỏ ra gốc cây ngồi, tự nhủ sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền để mua kem, chẳng cần phải xin ông bà nữa.

Mùa cứ nối mùa trôi qua, tôi được đi nhiều nơi hơn và được thưởng thức nhiều thứ quà vặt hay ho hơn, nhưng tận sâu trong lòng, vẫn không có món nào thay thế được vị trí của những que kem năm nào. 

Hồ Điệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI