Tình bạn suốt đời của 2 bà Việt - Mỹ

19/03/2023 - 15:21

PNO - Tình bạn 2 bà Việt - Mỹ thật sâu sắc và niềm vui, sự lạc quan của họ lan tỏa sang bạn bè.

Rất nhiều người biết nữ nhà văn Mỹ Lady Borton qua những tên gọi: “Sứ giả đem văn hóa Việt sang Mỹ và thế giới”, “Người phụ nữ Mỹ hiểu Việt Nam cặn kẽ nhất”, “Cô Lý nói tiếng Việt”, “Nhà văn đã sáng tác nhiều tác phẩm về Việt Nam”… Nhưng còn ít người biết “một nửa kia của Lady” - là bà Nguyễn Hạc Đạm Thư - nhà báo, nhà sư phạm giáo dục trẻ em, Phó ban Quốc tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Bà Đạm Thư vốn là tiểu thư con nhà danh tiếng, nữ sinh Trưng Vương Hà Nội. Bà bị Pháp bắt trong phong trào học sinh yêu nước năm 1952. Khi ra tù, gia đình cho bà sang Pháp du học. Bà về nước, trở thành nhà giáo dục, phóng viên… Nay bà lớn tuổi (sinh năm 1935) đang sống ở TP Thủ Đức, TPHCM.

Bà Đạm Thư và bà Lady gặp nhau tại Mỹ vào năm 1998
Bà Đạm Thư và bà Lady gặp nhau tại Mỹ vào năm 1998

Bà không sinh hoạt trong hội nhà văn nhưng đã có một số sách về phụ nữ và trẻ em như Tuổi thơ, Sáu năm đầu tiên của cuộc đời, Năng lực cảm xúc của cha mẹ và hạnh phúc của con. Đặc biệt hơn, trong chung cư nơi bà ở, người ta hay thấy một phụ nữ đẩy xe lăn cho chồng xuống sân thở hít khí trời trong lành những năm trước khi ông mất. Ít ai biết những cuộc dạo chơi ấy bà đã hỏi chuyện, khai thác kỹ thêm để viết cho chồng cuốn hồi ký Người tuổi ngựa có cánh.

Nhưng phải đọc cuốn mới nhất của bà Gặp gỡ trên đường đời mới biết bà đi công tác và kết bạn khắp năm châu. Đó cũng là lý do bà trở thành “một nửa của Lady” như tên bạn bè tặng. Tình bạn “2 bà Việt - Mỹ” là niềm vui sống của cả hai bà, lây sang cho bạn bè đến tận hôm nay khi họ đã cùng già đi.

“Đó là cuối năm 1983, khi Việt Nam vẫn bị bao vây cấm vận khó khăn, chưa mấy người “tiếp xúc với Tây” thoải mái như giờ. Khi đó Ban Quốc tế phải đưa một đoàn khách thuộc Hội Những người bạn Mỹ (ASFC) thuộc Tổ chức Quaker đi tham quan 2 ngày ở Hải Hưng - một tỉnh ở đồng bằng miền Bắc. Trưởng ban đi vắng, thế là tôi - phó ban phải thay mặt”.

Đạm Thư nhớ lại lần đầu gặp Lady Borton là thành viên của đoàn khách 2 người, cùng với bà Ruth Cadwallader thuộc Liên đoàn Phụ nữ hòa bình dân chủ tự do (WILPF).

Bà Đạm Thư ngạc nhiên thấy họ chăm chú và thích thú khác thường khi thăm Bảo tàng Nguyễn Trãi, nghe những triết lý lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo hoặc sách lược vừa đánh vừa đàm tránh thương vong và luôn tìm cơ hội cho hòa bình.

“Buồn cười lắm! Sắp tham quan xong ra về thì được lệnh không về nhà khách của tỉnh nữa (dù đồ đạc các bà đã để ở đó), phải đưa về nhà khách của hội - vì tránh rắc rối tiếng đón… khách Mỹ. Chỉ tiếp đúng mức độ của đoàn thể thôi, cho an toàn” - bà kể - “Tôi lo quá, vì nhà khách của hội phụ nữ lúc đó nghèo, kém tiện nghi, nhà vệ sinh cũng sơ sài, tắm phải múc nước giếng”.

Bà Đạm Thư và bà Lady gặp nhau tại Mỹ vào năm 1998
Tác giả (bìa trái) cùng với bà Đạm Thư và bà Lady gặp nhau tại TPHCM 

Bà phải bàn với địa phương bù đắp bằng cách tổ chức buổi liên hoan, cho họ nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn. Không ngờ khách thích quá, Lady cứ bám theo hỏi và mắt sáng lên khi nghe những câu ca dao tục ngữ kiểu như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Bà Đạm Thư từ đó đưa Lady Borton đi nhiều chuyến tìm hiểu thực tế. Lady viết cuốn Tiếp sau nỗi buồn (After sorrow) về người Việt sau chiến tranh. 2 bà về sống ở Tiền Giang, đi làm ruộng cùng bà con nông dân. Ban ngày bà Lady lùng sục, tiếp xúc, đêm về rã băng nghe, chỗ nào chưa rõ thì có bà Đạm Thư giải thích. Họ cứ đi đi về về suốt mấy năm 1987-1990.

Sau này, bà Đạm Thư và Lady còn cùng nhau trong hành trình xuyên ngang Hoa Kỳ khi bà đi tham quan, nghiên cứu thực tế về giáo dục trẻ em trong các gia đình và một số trường tiểu học ở Mỹ.

Họ cùng về thăm nhà anh trai của Lady, chứng kiến cuộc sống gia đình. “Tôi hiểu Lady là nhà nghiên cứu văn hóa kỹ lưỡng. Cô ấy tự học tiếng Việt mà không qua một trường lớp nào. Ngay khi ngồi chờ ở sân bay, Lady cũng giở sách tiếng Việt ra đọc. Tôi giúp Lady sửa lỗi chính tả. Cô ấy tiết kiệm giống các bà mẹ nghèo Việt Nam. Đó là điều tôi thêm yêu cô ấy” - bà Đạm Thư nói thêm về sự gắn bó của họ. Bà Đạm Thư còn cùng Lady rong ruổi đi các nước tìm tư liệu về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông để giúp Lady viết cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Đạm Thư sống với gia đình con trai - một bác sĩ giỏi được đào tạo ở Pháp. Bạn bè thường khen: “Con trai giỏi, con gái là phu nhân đại sứ của Việt Nam, thật là… biết lấy chồng và biết… đẻ con tài giỏi”. Sau khi chồng mất, tuổi ngày càng cao, tai nặng khó nghe, nhưng bà luôn lạc quan và tích cực. Hằng ngày bà vẫn “nhúng nước, quẫy chân tay cho khỏe” ở hồ bơi.

Lady hết công việc ở Việt Nam, đã về lại Mỹ, nhưng 2 bà vẫn nhớ nhau như ruột thịt. Vừa cởi mở sau giãn cách, Lady bay sang Việt Nam ngay, tiếp tục nghiên cứu để hiệu đính cho các sách của Việt Nam ra với thế giới. Nhưng bà tuyên bố, chuyến đi này chỉ để… chơi và gặp Đạm Thư thôi.

Họ gặp lại nhau. Bà Đạm Thư đến cùng Lady để “xem cô ấy sinh hoạt ra sao ở nhà trọ phố Tây ba lô, quận 1”. Lady không muốn ở nhà bạn vì sinh hoạt theo lịch “khác người”. Trước khi bay về Mỹ, Lady được “trang bị” cà phê Trung Nguyên dù ở Mỹ có nhiều loại cà phê, nhưng bà trót ghiền cà phê Việt như bao năm nay.

Tình bạn 2 bà Việt - Mỹ thật sâu sắc và niềm vui, sự lạc quan của họ lan tỏa sang bạn bè. Chụp hình với nhau ở “phố Tây ba lô”, họ nhắc nhau cười lên nào thì có bà khiến mọi người cười bằng cách kêu to: “Khoan, chuẩn bị cười mới nhớ đã… bỏ quên răng ở nhà”. 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI