Tìm người thổi giá nhà như "mò kim đáy biển"

28/04/2024 - 08:03

PNO - Pháp luật hiện hành không quy định rõ hành vi thổi giá nhà nên việc tìm được đối tượng này như "mò kim đáy biển".

Mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra những dự án, khu chung cư tăng giá bất thường. Nếu có hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm Luật kinh doanh bất động sản cần chấn chỉnh, xử lý.

Liệu việc xác định đối tượng, hành vi xử lý liên quan đến việc thổi giá, thao túng giá bất động sản có thực hiện được hay không?

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ, về nguyên tắc cung cầu thị trường, nếu có mua có bán nhưng giá tăng cao mà vẫn có người mua thì là vấn đề bình thường theo quy luật thị trường.

Sau vụ giá chung cư Hà Nội tăng nóng thời gian qua, nhiều người cũng đang rất quan tâm đó có phải là hành vi thổi giá, thao túng giá bất động sản hay không? Nhà nước cần tìm cách quản lý các nhóm đối tượng ra sao?

Thực tế cho thấy, việc thổi giá bất động sản đã từng xảy ra trước đó tại một số địa phương như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Thuận An (Bình Dương)… chứ không riêng gì ở Hà Nội. Thông thường các hành vi này thường thực hiện bằng cách tạo ra hiện tượng mua bán bất động sản lòng vòng, đẩy giá lên.

Các chuyên gia cho rằng rất khó xác định được đối tượng thổi giá vì luật không có quy định để xác định, mô tả hành vi thổi giá nhà.

Cũng theo ông Đán, hiện luật không có tội danh nào về hành vi “thổi giá, thao túng giá bất động sản”, chính vì vậy người thực hiện cho rằng hành vi này không phải hành vi phạm luật.

Tiếp đến, việc xác định đối tượng thao túng giá là rất khó. Đối với bất động sản người ta thao túng giá không đơn giản là tự mình mua bán, mà họ có một hệ thống nhiều đối tượng, lên đến hàng trăm đối tượng mua bán lòng vòng nhau, nên việc truy tìm rất khó.

Nếu chúng ta siết chặt quy định về mua bán bất động sản bắt buộc phải qua ngân hàng, thì việc này rất dễ xác định.

“Do đó, để bình ổn giá nhà ở hiện nay, việc đầu tiên cần phải minh bạch trong mua bán bất động sản, tức là nên giao dịch qua sàn, qua ngân hàng, thu thuế đầy đủ, từ đó giá mua bán sẽ được công khai. Sau đó mới tính đến việc tăng nguồn cung nhà ở, vì hiện nay hàng tồn kho nhà ở đang còn rất nhiều, bây giờ mà tăng cung không đúng phân khúc thì không giải quyết được gì” – ông Đán nói thêm.

Theo Luật sư Trần Minh Cường – Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, về mặt pháp lý, ngay cả Luật mới hay Luật cũ (Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản) cũng không có những quy định để xác định hay mô tả cụ thể hành vi “thổi giá” này. Do đó, hiện nay không có hành lang pháp lý để xử phạt hành chính người trực tiếp đầu cơ, thổi giá bất động sản.

Vừa qua, chúng ta thấy có những vụ việc “có dấu hiệu tương đối rõ” như một số vụ đấu giá đất với số tiền cao gấp chục lần so với giá khởi điểm để tạo ra giá đất mới, thì đó vẫn là một “giao dịch dân sự” mà quyền lợi các bên sẽ tuân thủ theo thỏa thuận đấu giá (mất cọc hoặc mất 1 khoản tương ứng).

Cũng theo luật sư Cường, luật hiện hành chỉ quy định một số hành vi có dấu hiệu rõ như: hành vi lừa dối, công khai không trung thực các thông tin về bất động sản.

Tuy nhiên, hành vi “thổi giá, đầu cơ” thì hiện nay không có quy định cụ thể, vì nó còn mang tính trừu tượng và trên thực tế là một “chuỗi các hành vi” rất tinh vi, khéo léo của một hoặc một nhóm các đối tượng có liên quan, cho nên không thể xử lý hành vi này.

Trên thực tế dù trước đó khi đưa ra dự thảo, các nhà làm luật đã có rất nhiều ý kiến, nhưng do khó xác định cụ thể, nên đề nghị này đã bị loại bỏ khi các luật được thông qua.

Trước thực trạng hiện nay, luật sư Cường cho rằng, việc xử lý hành vi này chỉ mang tính chất cục bộ mà không có hiệu quả toàn diện, việc cần thực hiện là bổ sung các chính sách về đánh thuế đối với bất động sản thứ 2, kiểm soát các giao dịch theo giá thị trường, tạo cơ chế chính sách để cân bằng cung – cầu mới là yếu tố lâu dài.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI