Tiếp sức cho điểm sáng du lịch

27/09/2022 - 05:56

PNO - Ít nhất có bốn nội dung cần thực hiện đồng bộ để phát triển du lịch liên vùng TPHCM - Đồng bằng sông Cửu Long theo tiêu chí nhanh, nhưng bền vững.

Qua 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã có sự phục hồi và phát triển “bùng nổ” vào dịp Tết Nhâm Dần, lễ 30/4, 2/9 và hè năm 2022. 

Trong đó, TPHCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem là 2 vùng du lịch năng động nhất, đang trở thành điểm sáng thu hút du khách. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu từ ngành du lịch đều cao. 

 

Cảnh tấp nập ở Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Cảnh tấp nập ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Thế mạnh về du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo, nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với thế mạnh về dịch vụ hiện đại của TPHCM khiến 2 vùng du lịch nổi tiếng này nương tựa và bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo để tăng tính hấp dẫn. Chính quyền, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, cộng đồng du lịch của TPHCM và các tỉnh đã nỗ lực thúc đẩy chương trình liên kết, hợp tác phát triển 2 không gian du lịch này, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp của du lịch giai đoạn mới. Đặc biệt, tận dụng sự liên kết vùng.

Tuy nhiên, để tránh hiện tượng “sớm nở tối tàn”, cần quan tâm phát triển du lịch an toàn và bền vững, cần làm mới sản phẩm, dịch vụ du lịch không chỉ bằng sức hấp dẫn của điểm đến, tua tuyến mới, con người thân thiện và chuyên nghiệp mà cần tiếp cận theo hướng phát triển cụm ngành du lịch an toàn gắn với đổi mới sáng tạo (innovation), kinh tế số (digital economy), kinh tế chia sẻ (sharing economy) để tiếp thêm năng lượng, tạo ra không gian và động lực mới cho ngành du lịch.

Theo đó, cần tiếp tục phát triển du lịch liên vùng TPHCM - Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, các địa phương, doanh nghiệp, người kinh doanh du lịch và các tác nhân liên quan trong chuỗi du lịch cần cụ thể hóa cơ chế, nội dung, chương trình liên kết, hợp tác thực chất bằng nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch cụ thể, phân định trách nhiệm tháo gỡ và giải quyết các vướng mắc phát sinh… Việc phát triển du lịch cần được gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Không phải đến bây giờ mà hơn 10 năm trước, du lịch đã được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng du lịch quan trọng với các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, giàu tiềm năng... Tuy nhiên, đến nay, tiềm năng du lịch vùng vẫn chưa được khai thác đúng mức, sự liên kết phát triển du lịch vùng chưa đạt được hiệu quả cao, nhất là liên kết giữa Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM.

Vì thế, theo tôi, ít nhất có 4 nội dung cần thực hiện đồng bộ để phát triển du lịch liên vùng TPHCM - Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới theo tiêu chí nhanh nhưng bền vững.

Một là, thay đổi cách làm để du lịch hấp dẫn hơn bằng cách làm mới sản phẩm du lịch, các tua, tuyến, điểm đến hấp dẫn, nhưng về lâu dài, cần tập trung tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch chứ không chỉ chăm chăm khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên.

Hai là, tận dụng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), điện toán đám mây, mạng internet tích hợp, smartphone, thương mại điện tử… để xây dựng và ứng dụng phổ biến các công cụ trực tuyến, bản đồ du lịch trực tuyến, chia sẻ thông tin, dữ liệu, quảng bá, kết nối và các dạng thức số trong kinh doanh dịch vụ du lịch.

Ba là, duy trì thường xuyên diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát huy vai trò của hội đồng điều phối liên kết du lịch để tăng cường phối hợp hành động, hoàn thiện cơ chế hợp tác, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Bốn là, hoàn thiện thể chế, pháp luật quốc gia, các cơ chế, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và kinh tế chia sẻ trong ngành du lịch; xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống; xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, phát triển các ứng dụng nền tảng, công nghệ vệ tinh… đồng thời chú trọng đầu tư nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch phát triển bền vững. 

Khi các giải pháp trên được thực hiện bài bản, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM sẽ phát triển vững vàng. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI