Tiến sĩ Thái Kim Lan: Giáo dục gia đình là bản lề níu giữ nền nếp cho người trẻ

02/04/2021 - 07:54

PNO - Trong lúc tình trạng bạo lực học đường gia tăng thì nữ sinh Huế vẫn luôn dịu dàng...

Trong lúc tình trạng bạo lực học đường gia tăng, cách hành xử và giải quyết mâu thuẫn trong các mối quan hệ của nữ sinh dễ dàng... lệch chuẩn thì nữ sinh Huế vẫn luôn dịu dàng và không kém phần tài năng, bản lĩnh. Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan (ảnh) lần giở, bóc tách nguyên nhân giúp học sinh Huế “đứng ngoài” guồng xoáy của bạo lực học đường. 

Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan
Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan

Phóng viên: Hiện nay, rất nhiều nữ sinh giải quyết mâu thuẫn bằng cách đánh nhau rồi tung clip lên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa xảy ra trường hợp nào đối với nữ sinh Huế. Điều này là do ngẫu nhiên hay có nguyên nhân gì, thưa tiến sĩ? 

- Tiến sĩ Thái Kim Lan: Huế vốn là kinh đô của triều đại Nguyễn xưa nên phụ nữ Huế có rất nhiều nét khác biệt so với những nơi khác. Ngoài tầng lớp dân chúng, ở Huế xưa còn có một tầng lớp phụ nữ quý tộc sống trong chốn nội cung như các hoàng hậu, vương phi, công chúa… Những phụ nữ này đa phần đều rất thông minh, xinh đẹp và được hưởng sự giáo dục tốt. Phong cách sống nết na, đoan trang của giới quý tộc cũng ảnh hưởng đến phụ nữ Huế nói chung.

"Dĩ nhiên, cái nguy hiểm có thể lan tràn, bị ảnh hưởng lẫn nhau, nhất là khi tác động tiêu cực của thế giới mạng, bạo lực xã hội đang gây áp lực hằng ngày lên con người.

May mắn là Huế lại nằm trong một quá trình phát triển từ tốn, không dồn dập thành thử còn kìm hãm được, tạo ảnh hưởng tích cực lên thái độ của các nữ sinh".

Đặc biệt đối với phụ nữ, tư tưởng giáo dục ở Huế cực kỳ cởi mở và tiến bộ. Ngay từ năm 1926, ngôi trường Nữ công học hội do Đạm Phương nữ sử thành lập đã theo đuổi lý tưởng giúp phụ nữ bước từ chốn phòng the, cung cấm vươn ra hòa nhập với xã hội, bình đẳng với nam giới. Và chính bà cũng mong muốn mỗi tỉnh sẽ có năm bảy trường công nghệ để đàn bà con gái học tập.

Nữ sinh Huế duyên dáng bên tà áo dài truyền thống - Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh
Nữ sinh Huế duyên dáng bên tà áo dài truyền thống - Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Tư tưởng tiến bộ đó tiếp tục được phát huy và phát triển tại ngôi trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng (Trường THPT Hai Bà Trưng ngày nay). Ngoài việc học nữ công gia chánh, văn hóa, các nữ sinh Đồng Khánh còn được dạy về phong thái lịch sự, trang nhã, khiêm tốn của một người con gái có học thức. Bên cạnh đó, các kiến thức về cách quản lý gia đình, cách nuôi con cũng được giảng dạy trong nhà trường. Chính sự giáo dục tân tiến ấy đã làm nền tảng cho những thế hệ nữ sinh Huế, phụ nữ Huế có tri thức, đoan trang, tránh được những điều xấu không nên làm. 

Ngoài ra, tôi nghĩ một phần cũng do tính cách con gái Huế. Nữ sinh Huế vốn ở trong khung cảnh gia đình, khung cảnh thành phố đã có một chút nền nếp có sẵn từ xưa đến nay, thành thử cái cung cách ứng xử, đi đứng, ăn nói cũng nhẹ nhàng hơn các thành phố khác. Bởi vì, Huế vẫn còn giữ một số tính cách gia giáo. Ở ngoài đời hay trong học đường, không xảy ra “bạo động” của nữ sinh, học sinh bởi ảnh hưởng của giáo dục gia đình, của những người xung quanh… tác động lên thái độ của các em. 

* Nữ sinh Huế không chỉ dịu dàng mà còn tài năng. Theo bà, đó là do tính cách xã hội của địa phương này, giáo dục nhà trường hay truyền thống gia đình tạo nên?

Sinh ra tại Huế và theo học ngành triết học và Đức ngữ tại Việt Nam và Đức, tiến sĩ Thái Kim Lan tốt nghiệp Đại học Ludwig-Maximilian tại Munich (Đức) năm 1976.

Bà sống và làm việc tại Munich tới năm 2007 với tư cách giảng viên môn triết học đối chiếu. Từ năm 1994, bà còn giảng dạy tại TP.HCM và Huế.

Tiến sĩ Thái Kim Lan còn là người đồng sáng lập Tổ chức Hữu nghị Đức - Việt thứ hai.

Ngoài các ấn phẩm về triết học, bà còn viết sách, sáng tác thơ và dịch một số tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Đức sang tiếng Việt. Hiện tại, bà đang sống tại ngôi nhà của bố mẹ ở TP.Huế.

- Theo tôi là tất cả, trong đó truyền thống văn hóa gia đình là yếu tố rất quan trọng. Bởi vì, văn hóa gia đình sẽ ấn định thái độ ứng xử của một con người. Một người trưởng thành từ trong khuôn khổ của gia đình nhỏ cho đến khuôn khổ của xã hội lớn hơn sẽ được hình thành tính cách theo. Truyền thống này có thể hướng dẫn nữ sinh, con gái Huế làm thế nào để vừa phát triển, vừa triển khai bản lĩnh của mình; đồng thời bản lĩnh đó có nguồn gốc, cơ sở căn bản để thấy mình không phải là người chạy theo thời cuộc.

 Giáo dục của gia đình rất quan trọng để nữ sinh, người con thấy rõ chức phận, bổn phận của mình; từ đó mới tu thân, tề gia và ra xã hội mới trị quốc được. Phụ nữ Huế cũng vậy, ở trong gia đình mình giữ được nền nếp thì khi ra ngoài xã hội bản lĩnh mình càng nổi trội hơn.

* Để nữ sinh Huế hội tụ đủ yếu tố công dung ngôn hạnh, gìn giữ tính cách riêng đặc trưng của người con gái xứ Huế, giáo dục nhà trường cần làm gì để nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp này?

- Tôi nghĩ xu hướng giáo dục đang là giáo dục kỹ năng, ít giáo dục cách hành xử, ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội. Giáo dục kỹ năng người ta chỉ quan tâm đến việc mình có tài mình có thể làm được tất cả. Nhưng cái đó là một quan điểm thiếu sót, ở chỗ cái phát triển của con người nhấn mạnh ở nhiều điểm không những ở kỹ năng, hạnh kiểm, thái độ, kỹ năng nội trợ. 

Đặc biệt, trong các trường THPT ở Huế còn cần có thêm kỹ năng thẩm mỹ, làm đẹp, nấu ăn, thêu thùa và hoạt động sinh hoạt cho con người. Đó là thế mạnh của nữ sinh Huế ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, cần phải gìn giữ, phát huy vì đây là bản sắc riêng của người con gái Huế. Phải xem đó là những môn học chính, chứ không phải chỉ là những môn học phụ, không quan trọng. 

Tôi rất ủng hộ chủ trương đưa môn nữ công gia chánh trở lại trường học của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vấn đề là làm thế nào để phác thảo một chương trình giáo dục mà có thể hướng dẫn, giáo dục người trẻ phát triển được nhiều khía cạnh của một con người trong xã hội chứ không phải chỉ mỗi việc học xong, rồi ra trường để đi làm. Lâu nay, Huế đã có truyền thống giáo dục rất tốt, từ giáo dục công dung ngôn hạnh đến dạy nấu ăn, thêu thùa, bếp núc… Đến khi gánh vác vai trò làm mẹ thì nuôi con rất kỹ lưỡng. Tôi nghĩ những mô hình này phải nên đặt lại theo bối cảnh và điều kiện xã hội mới hiện nay. 

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế, cho biết, bạo lực học đường (BLHĐ) đang là vấn đề nan giải của nền giáo dục. Hiện tượng bạo lực ở môi trường học tập diễn ra ngày càng nhiều và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Đáng lo ngại là nguyên nhân của các cuộc ẩu đả này thường đơn giản như mâu thuẫn ở trường lớp, công kích nhau trên mạng xã hội, thậm chí có khi chỉ là những câu đùa cợt. 

Riêng đối với nữ sinh Huế, rất đáng mừng thời gian qua không có tình trạng đánh nhau tại trường. Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục luôn quán triệt với ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu phải có các tiết học ngoại khóa để các em hiểu BLHĐ ảnh hưởng đến việc học tập, cũng như tương lai của mỗi học sinh. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức hội thảo về BLHĐ để lấy ý kiến chuyên gia cũng như sự quan tâm của xã hội, từ đó thay đổi nhận thức các em trong trường học, cũng như ở gia đình. 

Đặc biệt, nhờ chủ trương của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, về việc tăng cường giáo dục lịch sử, văn hóa Huế tại trường học, trong đó thể hiện rõ nét bản chất, tính cách con người Huế. Nét văn hóa đó thể hiện rất rõ yếu tố giáo dục từ phía gia đình phối hợp chặt chẽ cùng nhà trường, chính điều này đã hạn chế triệt để BLHĐ. Riêng đối với ngành giáo dục - đào tạo Thừa Thiên - Huế thời gian qua làm tốt chuyện này một phần là do mỗi học sinh có ý thức rèn luyện bản thân, chấp hành nội quy nhà trường; biết vâng lời cha mẹ và không nghe theo lời xúi giục của bạn 
bè xấu.

Thuận Hóa (thực hiện)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu