Tiêm chủng dịch vụ theo gói: Đẩy giá tăng vọt để hưởng lợi?

13/06/2016 - 06:00

PNO - Khi “cơn khát” vắc-xin dịch vụ chưa được đáp ứng, nhiều cơ sở tiêm chủng ở Hà Nội đã tổ chức đăng ký khá rầm rộ.

Thêm vào đó, vắc-xin không được bán lẻ như thông thường, người mua buộc phải đăng ký trọn gói với mức giá niêm yết mù mờ.

Nhan nhản gói vắc-xin dịch vụ

Không khó để có thể tìm thấy các gói vắc-xin dịch vụ đang được rao bán. Tại phòng tiêm chủng số 2 - Bệnh viện (BV) Đa khoa Nông nghiệp, khi được hỏi vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, nhân viên của trung tâm liền đưa cho chúng tôi một tờ giấy thông báo, trong đó có ghi chi tiết các gói tiêm chủng. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua lẻ vắc-xin Pentaxim, cô nhân viên cho hay “vắc-xin này chỉ bán theo gói, BV chưa tiêm dịch vụ mũi đơn”.

Có bảy gói vắc-xin dịch vụ tại phòng tiêm chủng của BV này, với các mức chi phí khác nhau. Trong đó, gói dịch vụ cao nhất là 14 triệu đồng, dành cho bé từ 0-24 tháng, bao gồm 22 mũi tiêm chín loại vắc-xin. Gói có giá tiền thấp nhất là 4,5 triệu đồng, dành cho các bé trong độ tuổi 12-24 tháng với sáu mũi tiêm. Tại BV Đa khoa Nông nghiệp, người dân không chỉ dễ dàng đăng ký vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” mà còn có thể tham gia chương trình “Ưu đãi thêm 10 ngày”. Theo đó, từ 2/6- 11/6/2016, khách hàng đăng ký sẽ được mức giá ưu đãi, giảm từ 300.000-1,1 triệu đồng.

Tiem chung dich vu theo goi: Day gia tang vot de huong loi?
Ảnh minh họa

Phòng tiêm vắc-xin - Viện Kiểm định vắc-xin (Bộ Y tế) thực hiện gói dịch vụ tiêm chủng cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi. Mặc dù đợt đăng ký “online” khá khó khăn đã kết thúc, song chúng tôi vẫn được nhân viên hướng dẫn thủ tục để đăng ký trực tiếp tại trung tâm một cách đơn giản, gọn nhẹ. Tương tự, trên trang facebook của Trung tâm tư vấn tiêm chủng vắc-xin - BV Nam Thăng Long, “gói tiêm dịch vụ 6 trong 1 Infanrix Hexa” được thông báo mở bán từ ngày 18/5, đánh trúng nhu cầu tiêm vắcxin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 hiện chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong bối cảnh hầu hết các trung tâm đều thông báo không đủ vắcxin dịch vụ, các bậc cha mẹ phải ngồi “canh” máy tính, đăng ký qua mạng với hy vọng nhận được từng liều “nhỏ giọt” thì các vắc-xin này lại có thể đăng ký dễ dàng qua các gói dịch vụ? Phải chăng, có hiện tượng “ém hàng” để kiếm lời từ các gói vắc-xin dịch vụ này? Giải đáp thắc mắc của phóng viên, đại diện truyền thông của phòng tiêm vắc-xin - Viện Kiểm định vắc-xin cho hay, sở dĩ, đơn vị này tổ chức tiêm vắcxin theo gói là để các bé được tiêm đầy đủ bốn mũi, đảm bảo có đủ kháng thể chống bệnh.

"Đội giá" vì phí bảo quản?

Hầu hết các cơ sở tiêm chủng đều nhấn mạnh, việc tổ chức theo gói giúp trẻ tiêm theo đúng lịch tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng, không sợ bị bỏ sót… Điều đáng nói, việc công khai giá gói dịch vụ tiêm chủng còn quá mù mờ. Các gói tiêm chỉ liệt kê các loại vắc-xin, số lượng mũi tiêm và tổng chi phí mà không ghi rõ giá từng mũi, hay các chi phí ngoài vắc-xin.

Chị Thu Trang (Thanh Trì, Hà Nội) dù bỏ ra gần 14 triệu đồng mua một gói tiêm, nhưng khi được hỏi chi tiết về giá thì chị… lắc đầu. “Khi đăng ký, trung tâm không ghi rõ số tiền của từng loại nên tôi làm sao biết giá cụ thể. Cao hay thấp gì cũng chịu, đâu có quyền chọn lựa, tiêm đầy đủ cho con là mừng rồi”, chị Trang chia sẻ.

Tìm hiểu, chị Lan Thương (Hà Đông, Hà Nội) giật mình khi mức giá của gói dịch vụ tiêm chủng đang bị “đội” lên nhiều so với mức giá bán lẻ từng loại vắc-xin. Theo chị Hoàng, gói vắc-xin dịch vụ có giá 4,5 triệu của BV Đa khoa Nông nghiệp bao gồm một mũi viêm gan B (Engerix B), một mũi 5 trong 1 (Pentaxim), hai mũi não mô cầu (VA Mengoc BC), hai mũi viêm do phế cầu (Synfl orix). Nếu tính theo bảng giá bán lẻ niêm yết ở thời điểm hiện tại của BV, giá sáu mũi tiêm này chỉ khoảng 3,2 triệu đồng. Như vậy, với gói dịch vụ này, khách hàng đang phải trả cao hơn tới hơn 1,3 triệu đồng. Tương tự, gói tiêm dịch vụ của phòng tiêm vắc-xin - Viện Kiểm định vắc-xin (Bộ Y tế) đắt hơn giá bán lẻ 2,3 triệu đồng

Trao đổi với báo Phụ Nữ, đại diện một trung tâm cung cấp vắc-xin lý giải, gói vắc-xin có mức giá cao hơn là phải “gánh” chi phí bảo quản, chi phí liên quan tới quản lý sổ sách của người đăng ký… Tuy nhiên, theo các bác sĩ, khó có thể chấp nhận được cách giải thích này khi “phí bảo quản” vắc-xin trung bình lên tới 100- 200.000 đồng/liều. Đó là chưa kể, trong kinh doanh, việc thu tiền “một cọc” là một thủ thuật mà đơn vị phân phối có thể sử dụng để tái đầu tư, chiếm dụng vốn từ khách hàng.

Nhìn nhận hiện tượng này, TSBS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, đăng ký vắc-xin theo gói là hình thức kinh doanh thỏa thuận giữa đôi bên. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, việc chỉ bán vắc-xin 5 trong 1 trong các gói dịch vụ và có mức chênh đáng kể về giá, là sản phẩm của một thị trường vắc-xin “méo mó” và độc quyền.

TS Trần Tuấn đề nghị, cần phải có cơ quan chuyên môn, độc lập thực hiện đánh giá thị trường, tổ chức đưa thông tin công khai về tiêm chủng tới cộng đồng. Ngoài ra, nên đưa toàn bộ hoạt động tiêm chủng tạo miễn dịch trong hai năm đầu đời của trẻ vào quản lý theo phương thức “gói tiêm chủng miễn dịch cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả”. Đảm bảo mọi trẻ đều được nhận một loại vắc-xin như nhau, chất lượng quốc tế, hoàn toàn miễn phí (tức là được bảo hiểm y tế chi trả 100%), và không để tồn tại quá nhiều loại vắc-xin để phòng cùng một loại bệnh với chất lượng chênh lệch khác nhau như trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, cần triệt để tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ. Bởi, theo TS Trần Tuấn, chính sự tham gia một cách “tạp phí lù” của một số cơ sở quản lý y tế, của các viện nghiên cứu, trường đại học vào việc cung cấp dịch vụ tiêm chủng đã làm thị trường trở nên méo mó, và tình trạng độc quyền xảy ra. “Còn để tình trạng “lẫn lộn công tư” trong cung cấp dịch vụ tiêm chủng, thì tình trạng độc quyền giá và cung cấp vắc-xin còn duy trì, và người dân còn tiếp tục lo lắng, kêu ca về tiêm chủng”, TS Tuấn nói.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI