Thương nhân An Đông Plaza đồng loạt đóng sạp để phản đối giá thuê cao

22/03/2023 - 15:05

PNO - Sáng 22/3, nhiều thương nhân An Đông Plaza (quận 5, TPHCM) đóng sạp, tập trung tại trung tâm đề nghị Ban quản lý giảm thêm giá thuê sạp.

 

Hàng trăm thương nhân tập trung yêu cầu Ban quản lý An Đông Plaza giảm giá thuê sạp sáng 22/3 - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Hàng trăm thương nhân tập trung đề nghị Ban quản lý An Đông Plaza giảm giá thuê sạp vào sáng 22/3 - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Hầu hết các gian hàng kinh doanh quần áo, giày dép ở tầng 1 của trung tâm này đều đóng cửa. Theo nhiều chủ hàng, họ sắp hết hợp đồng sang nhượng, thuê vào tháng 3, 4/2023. Nhiều gian hàng trong tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài suốt 2 năm nay khiến họ khó trụ vững, trong khi giá thuê mới cao nên họ đồng loạt kiến nghị Ban quản lý (BQL) trung tâm hỗ trợ giảm 30% giá thuê sạp, tính trên giá thuê từ năm 2016. Sau 3 lần gửi đơn kiến nghị, BQL chỉ xét giảm giá thuê từ 10% - 15% (tùy sạp).

Hầu hết các sạp quần áo, giày dép ở tầng 1 đều đóng cửa, nhân viên tụ tập theo dõi phản hồi từ Ban quản lý - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Hầu hết các sạp quần áo, giày dép ở tầng 1 đều đóng cửa, nhân viên tụ tập theo dõi phản hồi từ Ban quản lý - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (đơn vị quản lý An Đông Plaza), cho biết công ty cũng nhận thấy tình hình kinh doanh khó khăn của tiểu thương nên đã xem xét mức giảm giá phù hợp cho từng người. Đối với các sạp sang nhượng trước đó sẽ được giảm 15%; nếu trả 6 tháng sẽ được giảm thêm 7%; trả 1 năm giảm thêm 15%, tính ra mức giảm đã lên tới 30%. Từ giá này chuyển sang hợp đồng thuê, thương nhân còn được giảm thêm 20% trên giá thuê.

“Ban đầu, công ty chỉ giảm 10% cho những sạp sang nhượng, nhưng xét thấy những sạp thuê cũng bị thiệt hại do kinh doanh ế ẩm nên công ty xét giảm cho tất cả thương nhân 20% để công bằng. Thậm chí, có những gian hàng ở bên trong gặp khó khăn hơn được giảm giá thuê sạp đến 35%. Thương nhân lấy mức giá từ năm 2016 (trả 5 năm 1 lần) yêu cầu công ty giảm 30% giá thuê sạp là không hợp lý; phải căn cứ trên giá thuê sạp để công bằng với tất cả thương nhân”, bà Thúy nói.

Thương nhân đồng loạt xin giảm 30% giá thuê sạp tính trên mức giá từ năm 2016 cho tất cả thương nhân - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Thương nhân đồng loạt đề nghị giảm 30% giá thuê sạp tính trên mức giá từ năm 2016 cho tất cả thương nhân - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Theo thông báo mới nhất, mức giá giảm công ty áp dụng cho thương nhân hiện nay là giảm trực tiếp 20% tiền thuê trong 12 tháng kể từ ngày 1/3/2023 đến hết ngày 29/2/2024 đối với các gian hàng đã ký hợp đồng thuê và còn hạn. Còn đối với các gian hàng sang nhượng thì ngoài mức giảm 20%, cộng thêm thời gian sang nhượng tương ứng 20% trên nguyên tắc quy đổi các mức ưu đãi được hưởng.

Đối với các gian hàng sang nhượng còn hiệu lực nếu chuyển qua hình thức thuê sẽ được hưởng ưu đãi như hợp đồng thuê. Chính sách ưu đãi không có giá trị quy đổi thành tiền và không áp dụng đối với các gian hàng đã kết thúc hợp đồng.

Với mức giảm trên, nhiều thương nhân cho rằng chưa hợp lý, vì so với giá thuê từ năm 2016 thì mức giá này tăng 25%. Có những thương nhân đang thuê từ 6 – 10 sạp, tổng chi phí mỗi tháng lên đến gần 200 triệu đồng, trong khi có thời điểm 2 – 3 ngày liên tục họ không bán được món hàng nào, về lâu dài không trụ nổi.

“Tôi thuê 6 sạp, 6 nhân viên bán hàng. Trước đây, có ngày tôi bán được 15 – 20 triệu đồng, nhưng từ sau tết đến nay tính trung bình chưa bán được 1 – 2 triệu đồng/ngày; trong khi các chi phí điện, thuế, nhân viên… hàng tháng gần 100 triệu đồng. Chưa kể, tiền hàng nhập vào còn tồn hơn 5,5 – 6  tỷ đồng và khách hàng nợ rất nhiều chưa thu hồi được. Tôi chỉ mong BQL hỗ trợ giảm giá thêm, dù bán ế tôi vẫn cố gắng cầm cự chờ ngày sức mua tăng trở lại”, chị Phượng kinh doanh quần áo tại đây nêu khó khăn.

Đại diện BQL An Đông Plaza giải đáp thắc mắc cho thương nhân, đề nghị thương nhân mở sạp bán lại - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (mặc áo trắng, đứng thứ 2 từ trái qua) giải đáp thắc mắc cho thương nhân, đề nghị thương nhân mở sạp bán lại - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Đến 11 giờ, BQL phát loa yêu cầu thương nhân tập trung lại để giải đáp thắc mắc cho từng người và đề nghị thương nhân mở sạp bán lại, tránh tụ tập gây mất an ninh trật tự. Qua trao đổi, phần lớn thương nhân vẫn đề nghị mức giảm giá 30% tính trên giá thuê sạp từ năm 2016 và áp dụng cho tất cả thương nhân như nhau. Một số thương nhân còn đề nghị ngoài giảm giá 30%, BQL miễn phí giá thuê sạp hết năm nay thì họ mới ráng trụ được.

Bà Thúy cho biết sẽ ghi nhận lại nguyện vọng của thương nhân, báo cáo công ty và có phản hồi. Việc đóng cửa nghỉ bán là tùy quyết định của thương nhân.

Đến trưa 22/3, hầu hết các sạp vẫn đóng cửa, chủ một số sạp cho biết họ dọn hàng về nhà bán online để đẩy hàng tồn còn quá nhiều - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Đến trưa 22/3, hầu hết các sạp vẫn đóng cửa, chủ một số sạp cho biết họ dọn hàng về nhà bán online giảm giá để đẩy hàng tồn còn quá nhiều, hi vọng thu hồi vốn- Ảnh: Nguyễn Cẩm

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến trưa cùng ngày, nhiều thương nhân vẫn quyết định không mở sạp bán lại, chờ phản hồi của BQL. Một số thương nhân cho biết nếu các sạp mở bán, họ cũng sẽ mở bán lại; số ít thương nhân dọn hàng về bán qua mạng với hi vọng thu hồi được phần nào vốn.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI