“Thương anh muốn tặng mắm còng"...

15/07/2022 - 06:10

PNO - Mắm còng là món ăn mang hương vị dân dã, đạm bạc nhưng lắm nỗi cực nhọc của những hộ gia đình duy trì làm nghề.

Mắm còng - món ăn dễ ghiền
Mắm còng - món ăn dễ ghiền

“Gió đưa, gió đẩy, về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Câu ca dao ấy in đậm trong ký ức người dân quê tôi. 
Có lần về quê nghỉ hè, tôi theo tía ra đồng bắt còng. Vùng đất sình lầy là nơi sinh sống của còng. Sông Vàm Cỏ có nhiều bãi bồi ven triền lá dừa, cây bần, sú, vẹt... Trên những bãi bồi nước mặn quy tụ những loài thủy sản và đặc biệt nhiều còng.

Do đặc tính “mê” ánh sáng đèn nên người bắt còng thường dụ chúng bằng cách soi đèn hoặc “đón ngách chặn đầu” cửa hang bằng động tác nhanh gọn, dứt khoát. Nếu bị còng kẹp, sẽ rất đau. “Con cua anh chẳng sợ, anh sợ con còng/ Người du côn anh chẳng sợ, sợ gái hai lòng hại anh”.

Nghề làm mắm còng đã có lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhà tôi vào mùa còng thì trong nhà thế nào cũng có vài hũ mắm còng. Mặc dù công thức làm mắm còng nhiều điểm chung, nhưng mỗi gia đình đều có một bí quyết riêng tạo nên hương vị độc đáo.

Để làm ra món mắm còng thơm ngon, phải rất công phu. Đầu tiên, má nói tôi đi cùng tía bắt còng, thường tía tôi canh đi từ 20 giờ đêm hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Khi không đủ số còng ngon làm mắm, má tôi sẽ mua thêm của người trong vùng.

Mắm còng có hai loại, còng nguyên con và còng quết (còng xay xù). Còng nguyên con thường dùng còng sữa, thân mềm, đem rửa sạch, tách yếm, rửa bằng nước muối, đem phơi nắng cho teo thịt rồi ướp gia vị, cho vào hũ đến hơn cả tháng mới dùng.

Một loài mắm đã trở thành “nữ hoàng đặc sản” là mắm còng quết. Còng được sơ chế sạch sẽ, tách yếm, bỏ mai, chỉ giữ thân, càng và chân rồi đem quết. Sau đó, đem còng đã quết phơi nắng vắt lấy nước, tiếp tục đem phơi thêm vài nắng nữa, đến khi hỗn hợp đen và sệt là được. Hũ mắm này càng để lâu càng thơm càng ngon.

Mắm còng ăn với cơm trắng thì “hết nói à nghen!”. Múc muỗng mắm rưới lên cơm, vừa ăn vừa cảm nhận mùi hương mắm đặc trưng hòa quyện cùng hương gạo nàng thơm chợ Đào. Ngoài ra, mắm còng ăn kèm thịt ba chỉ luộc, rau sống, bún tươi, dưa leo, chuối chát cắt mỏng… thành món ăn mang đậm chất miền Tây Nam bộ. Ăn miếng mắm còng, uống ly rượu đế Gò Đen, cả vùng trời quê ngất ngây làm say lòng người con xa xứ…

Mắm còng là sản vật đặc trưng của vùng quê miền hạ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Người dân quê tôi có câu: “Thương anh muốn tặng mắm còng/ Nhớ em anh xuống Phước Đông anh tìm”.

Diệp Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI