Thực phẩm Việt chinh phục các thị trường khó tính

22/09/2022 - 06:16

PNO - Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu là những thị trường khó tính đối với hàng xuất khẩu. Thế nhưng, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực xuất khẩu được thực phẩm sang các thị trường này.

Từng bước chinh phục 

Đã có không ít doanh nghiệp (DN) nỗ lực rất lớn trong thời gian qua để xuất khẩu thực phẩm vào các thị trường khó tính. Trong đó Công ty thực phẩm Duy Anh đã xuất khẩu được bánh tráng, bún, phở, hủ tíu… sang 50 nước trên thế giới. Ông Lê Duy Toàn - Giám đốc công ty - nhận xét, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường khó tính nhất. Nhật Bản yêu cầu các chỉ tiêu an toàn phải tuyệt đối, sản phẩm phải đồng nhất cả về chất lượng lẫn hình thức. 

Ngày càng có thêm nhiều sản phẩm truyền thống của Việt Nam vào được các thị trường khó tính (trong ảnh: Công đoạn đóng gói bún khô xuất khẩu tại Công ty thực phẩm Duy Anh) - ẢNH: N.C
Ngày càng có thêm nhiều sản phẩm truyền thống của Việt Nam vào được các thị trường khó tính (trong ảnh: Công đoạn đóng gói bún khô xuất khẩu tại Công ty thực phẩm Duy Anh) - Ảnh: N.C

Chẳng hạn, 1 gói bánh tráng có 100 cái thì 100 cái phải như nhau, không được có cái dày, cái mỏng; bánh phải tròn đều, không bị méo hay lủng lỗ; khi bánh được đóng gói, các gói phải bằng phẳng như nhau, không được lệch hay cong vênh. “Đối tác yêu cầu cung cấp chi tiết về hàm lượng bột, gạo, muối kèm kết quả xét nghiệm hàng chục chỉ tiêu về độ ẩm, vi sinh, hóa, lý trước khi xuất hàng đi. Khi đến được điểm nhận, hàng lại được kiểm nghiệm lần nữa” - ông Lê Duy Toàn kể.

Đối với thị trường Hàn Quốc, ông Lê Duy Toàn cho biết lô hàng bánh tráng đầu tiên bị tiêu hủy hết do “không đạt chất lượng”. Khách hàng Hàn Quốc cho rằng, bánh tráng hơi mỏng nên khi nhúng nước ấm rồi trải ra dĩa để cuốn thức ăn thì bị dính dĩa, bị rách. 

“Chúng tôi phải điều chỉnh việc sản xuất để cho ra nhiều loại sản phẩm với độ mỏng, dày, kích cỡ bánh khác nhau để khách dễ lựa, tránh tình trạng bị trả hàng. Hiện công ty đang xuất khẩu bánh tráng đều đặn sang Nhật Bản, Hàn Quốc, mỗi nơi từ 5-6 container/tháng. Công ty cũng vừa xuất 4 container phở ngũ cốc sang Mỹ. Đây là sản phẩm mới, được làm từ 5 loại đậu, đạt chứng nhận ISO, đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA)” - ông Lê Duy Toàn cho hay. 

Nâng tính chuyên nghiệp cho doanh nghiệp trong nước 

Ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần DHFoods - kể, ông phải mất 2 năm đàm phán, làm đủ các xét nghiệm với 2.000 tiêu chuẩn, công ty ông mới xuất khẩu được muối tôm, muối ớt, muối tiêu chanh, muối chanh Nha Trang cho 1 đối tác là chủ của chuỗi 2.000 siêu thị ở Nhật Bản. Công ty ông phải ký cam kết đảm bảo chất lượng các lô hàng đồng đều, nếu không đảm bảo thì phải bồi thường thiệt hại cho đối tác. Qua tìm hiểu, ông mới biết, đối tác này từng nhập sản phẩm từ Việt Nam và gặp tình trạng lô hàng sau không đạt tiêu chuẩn như lô hàng trước.

Ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ: “Đối tác Nhật làm việc rất cẩn trọng, chậm nhưng chắc. Do đó, muốn ký được hợp đồng xuất khẩu, không thể nôn nóng. Mỗi lần thuyết phục đối tác Nhật chấp nhận nhập khẩu 1 sản phẩm rất lâu, họ đánh giá kỹ từng khâu. Sau các sản phẩm muối, chúng tôi đã thuyết phục họ nhập khẩu thêm mắm ruốc ăn liền, nước mắm cốt, sa tế tôm, sa tế ớt xiêm xanh và phân phối ở cả hệ thống siêu thị chuyên bán hàng cho người châu Á lẫn siêu thị bán hàng cho người tiêu dùng nội địa”. 

Theo ông Lê Duy Toàn, sau khi làm việc với đối tác Nhật Bản, ông đã thay đổi từ nhận thức, tư duy đến cách làm việc kỹ lưỡng và yêu cầu đội ngũ nhân viên, công nhân cùng thay đổi để đáp ứng tốt yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của đối tác. Ông đúc kết: “Khách hàng nêu yêu cầu khó từ đầu thì mình sẽ dễ làm việc về sau. Nếu xây dựng tiêu chuẩn cao và làm đúng ngay từ đầu, DN Việt sẽ dễ dàng xuất khẩu hàng qua các thị trường khác. Riêng với thị trường Nhật, công ty đã xuất khẩu thành công hơn 30/60 sản phẩm mà công ty có. Những sản phẩm chưa xuất sang Nhật Bản không phải do không đạt chuẩn, mà do thị trường này đã có, như bánh canh bột lọc, bún rau củ và do người tiêu dùng Nhật chuộng các sản phẩm truyền thống như bánh tráng, bún, phở… hơn”.

Mới đây, gạo ST25 của Việt Nam đã được dùng làm nguyên liệu cho món cơm chiên trong bữa trưa đặc biệt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, để đưa được gạo ST25 vào thị trường này, DN xuất khẩu phải đáp ứng hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Việc đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản là một thành công rất lớn của nhà sản xuất cũng như các nhà thương mại Việt Nam.

Lãnh đạo các DN cho rằng, xuất khẩu được nông sản, thực phẩm vào những thị trường khó tính là một thử thách. Bù lại, khi chinh phục được những thị trường này thì quy trình sản xuất của họ cũng chuyên nghiệp hơn, sản phẩm của họ đến với các thị trường khác cũng dễ dàng hơn. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI