Thủ tướng phát biểu chính tại Đối thoại Shangri-La

01/06/2013 - 07:36

PNO - Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ban tổ chức Hội nghị An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12 tại Singapore, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu chính tại lễ khai...

Thu tuong phat bieu chinh tai Doi thoai Shangri-La

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn khai mạc. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại Singapore theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đến nay đã trở thành sự kiện hàng năm có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế.

Đây là diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin. Đây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước.

Với tư cách là khách mời, diễn giả chính, tối 31/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu dẫn đề quan trọng khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12. Trong phát biểu, Thủ tướng đánh giá bức tranh toàn cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế và hợp tác, liên kết khu vực đang diễn ra hết sức sôi động. Tuy nhiên, khu vực cũng đang chứng kiến nhiều thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thông điệp về tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn. Điều quan trọng trên hết của lòng tin chiến lược là sự thành tâm và chân thành trong quan hệ giữa các nước, trong hợp tác, xử lý các thách thức chung ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh vai trò và đóng góp không thể thiếu của một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương đối với hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực, qua đó đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia, mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một khi nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp nội bộ và hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện. Thủ tướng khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trước mắt là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.

Theo TTXVN
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI