Thủ tướng Phan Văn Khải và chuyến thăm Mỹ lịch sử

17/03/2018 - 08:26

PNO - Là người kế tục xuất sắc con đường của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước, nhưng ông luôn canh cánh trăn trở, tâm sự.

Thủ tướng Phan Văn Khải là người kế tục xuất sắc con đường của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước, nhưng ông luôn canh cánh trăn trở, tâm sự: ông buồn vì lẽ ra còn có thể làm được nhiều hơn, buồn vì những cơ hội bị bỏ lỡ…

Thu tuong Phan Van Khai va chuyen tham My lich su
Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh.

Khi vừa hạ cánh xuống Seattle (Mỹ), lúc 4:30 sáng ngày 23/2/2018 thì tôi nhận được tin Thủ tướng Phan Văn Khải đang bị bệnh nặng. Lúc ấy, nhiều cảm xúc đã tràn về và tôi đã ngồi viết trong lúc ngồi chờ ở sân bay Seattle để nối chuyến bay về Boston.

Và hôm nay, 17/3, tôi vừa nghe tin Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần.

Có sự trùng hợp kỳ lạ: chuyến thăm Mỹ của Thủ Tướng Phan Văn Khải cũng bắt đầu bằng thành phố Seattle và kết thúc ở thành phố Boston.

Là người có nhiều dịp gặp Thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng chỉ khi là thành viên của đoàn trong chuyến thăm lịch sử, với tư cách là nhà báo, có cơ hội tham gia các hoạt động và đưa tin về chuyến thăm mở ra chặng đường mới nồng ấm trong quan hệ Việt – Mỹ hôm nay, tôi mới có cảm nhận sâu hơn về con người ông.

Do đây là chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên một nguyên thủ Việt Nam thăm Mỹ nên có nhiều điều để viết ra như những kỷ niệm, và là những bài học cho ngày hôm nay.

Trước chuyến đi này, truyền thông cho chuyến đi cũng được chỉ đạo thận trọng, chừng mực vì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là quan hệ nhạy cảm, và cần cân đối với các mối quan hệ khác. Khi ấy VietNamNet đã thuyết phục: cần đưa tin đậm về chuyến đi vì nước Mỹ là trung tâm chính trị, kinh tế của thế giới, Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ là một sự kiện lớn của Việt Nam và cũng là sự kiện được chính phủ Mỹ quan tâm, do đó cần tận dụng chuyến thăm này làm truyền thông mạnh để tạo dựng hình ảnh vị thế của Việt Nam với thế giới. 

Khi ấy anh Nguyễn Khoa Điềm là Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã đồng ý với đề xuất này; anh Trần Đình Hoan, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng ủng hộ quan điểm.

Thu tuong Phan Van Khai va chuyen tham My lich su
Thủ tướng Phan Văn Khải tới thăm Đại học Havard, Mỹ.

Chặng dừng đầu tiên là đến Seattle, ngay khi xuống sân bay Seattle ông và đoàn từ sân bay đi thăm ngay hãng Boeing và thăm gia đình một người Mỹ gốc Việt. Sau đó, Thủ tướng và đoàn về khách sạn, họp báo. Tôi đại diện cho đoàn nhà báo Việt Nam nêu câu hỏi như chuyền một đường bóng thuận lợi để tiền đạo ghi bàn. Tôi hơi ngỡ ngàng trước câu trả lời của Thủ tướng, nó cho thấy ông là người rất chất phác, dân dã và thật tình, không hoa mỹ, buổi họp báo cũng cho thấy ông rất thật, không kìm nén cảm xúc của mình, dù đó là sân khấu chính trị lớn nhất, có ảnh hưởng nhất thế giới.

Từ Seattle đoàn đi thủ đô Washington DC, đúng vào dịp Ngày nhà báo Việt Nam, ông gặp và chất phác, không khách khí động viên anh em báo chí trong đoàn.

Buổi sáng vào Nhà Trắng hội đàm với Tổng thống Bush là điểm nhấn quan trọng nhất của chuyến đi. Tôi làm tường thuật trực tiếp từ Nhà Trắng, thời gian hội đàm diễn ra lâu hơn dự kiến, mọi người bồn chồn, nhưng tôi nói với anh em đồng nghiệp chờ đưa tin họp báo của hai nhà lãnh đạo: “Dài hơn dự kiến là tốt vì có nghĩa là có nhiều nội dung và có sự quan tâm hơn”.

Thu tuong Phan Van Khai va chuyen tham My lich su
Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush

Lúc ấy, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chưa được thân thiện cởi mở như ngày hôm nay. Và kia rồi, khi Tổng thống George W. Bush tươi tắn cùng Thủ tướng Phan Văn Khải bước vào phòng họp báo sau cuộc hội đàm, tôi biết cuộc gặp đã rất tốt đẹp, mở ra bước phát triển mới trong quan hệ Việt - Mỹ.

Chắc nhiều người đã bàn luận về việc ông cầm giấy đọc khi họp báo. Tôi hiểu và thông cảm với ông. Ông là một nhà lãnh đạo đã để lại dấu ấn rất quan trọng tạo dựng nền tảng cho kinh tế thị trường ở Việt Nam, cùng với công cuộc cải cách hành chính, kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả rất tốt đẹp, ông cũng là người đóng góp to lớn, có phần quyết định trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1997-2006. Vậy mà ông không thể nói vo mặc dù ông là người có kiến thức, có trải nghiệm của nhà lãnh đạo có bề dày thực tiễn.

Thu tuong Phan Van Khai va chuyen tham My lich su
Tổng thống Bush cùng Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Việt Nam thăm Vườn Hồng, Nhà Trắng

Nhìn ông cầm tờ giấy đọc, lúc ấy tôi đứng ngay trước mặt ông và Tổng thống Bush, tôi thấy trào lên một tình cảm thương ông và thương đất nước và dân tộc Việt Nam vô cùng.

Tôi hiểu ông là người luôn chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tổ chức, cũng vì chấp hành nguyên tắc tổ chức mà ông đã không ký hiệp định thương mại Việt- Mỹ với Tổng thống Bill Clinton tại cuộc gặp cấp cao APEC New Zealand năm 1999 mặc dù chính phủ hai nước đã thống nhất và ấn định ngày ký là dịp gặp ở New Zealand. Ông buồn vì đất nước mất cơ hội mất mấy năm, và đồng thời mất cơ hội quảng bá hình ảnh, uy tín Việt Nam với thế giới tại sự kiện quan trọng ở New Zealand.

Cũng trong chuyến đi này tôi cảm nhận ông là người luôn làm hết sức mình để không bỏ lỡ các cơ hội phát triển, cơ hội hợp tác với các nước văn minh tiên tiến.

Ông nói ít, làm nhiều không đánh bóng hình ảnh, ông làm thực chất, nói thẳng vào vấn đề, nói thật. Ông sống thật, khi nóng giận thì rất gay gắt nhưng sẵn sàng vị tha. 

Thu tuong Phan Van Khai va chuyen tham My lich su
Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo, đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ song phương sau 10 năm bình thường hóa

Sau buổi sáng hội đàm rất thành công với Tổng thống Bush, buổi tối ông dự buổi tiệc chiêu đãi do Thượng nghị sỹ John McCain tổ chức, tôi tranh thủ phỏng vấn John McCain ngay trước buổi tiệc, khi vào tiệc John McCain bị một người cực đoan hắt rượu vào người , ông điềm nhiên cười và nói với Thủ tướng :”Đời là thế", Thủ tướng đồng cảm, thân thiện, cười cùng.

Sau DC là New York và thành phố thăm cuối cùng trong chuyến thăm là Boston, với các đại học Harvard và MIT.

Ở Boston với sự giúp đỡ của người bạn thân thiết với Việt Nam Tommy Vallely, Giáo sư Larry Summers, Hiệu trưởng Đại học Harvard đã tiếp thân mật Thủ tướng, sau đó Trường Kennedy, thuộc Đại học Harvard, đã tổ chức bàn luận về việc xây dựng Đại học đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam. Thủ tướng tâm huyết với giáo dục đại học ông cầu thị lắng nghe và chỉ đạo ngay Thứ trưởng Trần Văn Nhung và các thành viên đi cùng đoàn tích cực triển khai. Vậy mà phải sau 12 năm, Đại học Fulbright mới được cấp phép và đi vào hoạt động. 

Ông luôn trăn trở về việc bỏ lỡ cơ hội và trong chuyến thăm này tôi hiểu hơn những nỗ lực và tâm huyết to lớn của ông.

Trong chuyến bay từ Boston sang Thủ đô Ottawa, thăm chính thức Canada, Thủ tướng vui mừng chụp ảnh kỷ niệm với đoàn nhà báo trong chuyến đi, ai cũng hồ hởi sau những ngày làm việc với cường độ cao suốt ngày, đêm nhưng thu được kết quả mỹ mãn, mở đường lớn cho quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ sau này.

Là người kế tục xuất sắc con đường của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước, nhưng ông luôn canh cánh trăn trở, tâm sự: ông buồn vì lẽ ra còn có thể làm được nhiều hơn, buồn vì những cơ hội bị bỏ lỡ…

Chính vì tâm sự đó, VietNamNet năm 2005, 2006 có những bài nêu luận điểm lãng phí cơ hội phát triển cũng là tổn thất vô cùng to lớn và có phần còn lãng phí, gây nguy hại hơn cả tham nhũng, do đó bên cạnh công cuộc chống tham nhũng cũng cần đẩy mạnh công cuộc chống lãng phí cơ hội.

Buồn, thương tiếc, kính mến một nhà lãnh đạo đầy tâm huyết, chân thật, hết lòng vì nhân dân, để lại dấu ấn to lớn cho sự phát triển đất nước hôm nay, không thể ngăn được nước mắt dù biết rằng ông đã thanh thản ra đi sau cuộc đời vinh quang cùng đất nước thân yêu của mình.

Những gì ông trăn trở, day dứt vì chưa làm được, thì những nhà lãnh đạo đất nước hôm nay đang gắng sức: công cuộc chống tham nhũng được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ, công cuộc cải cách hành chính, cơ chế vận hành, tận dụng thời cơ, chống lãng phí cơ hội, cùng với tác phong nói đi đôi với làm đang được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đẩy mạnh.

Có lẽ thương nhớ, kính trọng ông không chỉ bằng những bài điếu văn, mà bằng chính hành động của các nhà lãnh đạo, của tập thể Bộ Chính trị cùng với mỗi công dân để đất nước không bị lãng phí cơ hội phát triển, để một ngày không xa Việt Nam sánh vai với các nước văn minh, tiên tiến.

Nguyễn Anh Tuấn
Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (Mỹ)
Nguyên Tổng biên tập VietNamNet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI