Thư London: Ám ảnh nụ cười mãn nguyện của thanh niên Việt ở Anh

30/10/2019 - 11:11

PNO - Bài viết của Phan Quỳnh Dao gửi từ London, Anh quốc sau vụ cảnh sát phát hiện 39 người chết trong xe container.

Tại Anh, tin tức về dân nhập cư lên báo đài gần như hằng ngày. Nếu không phải đoàn quân từ Afghanistan thì sẽ là đoàn người từ Syria.

Những ánh mắt đau đáu của bọn trẻ, khổ đau của phụ nữ và bất lực của đàn ông, dù đã được phóng viên lột tả hết sức chân thật, vẫn dần mất đi sự theo dõi của độc giả đang bị bội thực. 

Chiếc container màu trắng chở 39 người cũng được tôi đón nhận như thế. Lại thêm một đoàn người di cư...

Chỉ đến khi màn hình chụp tin nhắn của cô gái tên Trà My hiện lên, tim tôi nhói lên.

Gần gũi quá, tiếng Việt đây mà, vậy là chắc không chỉ có mỗi Trà My đâu. Có thể họ là những người mà mình đã từng gặp, từng tiếp xúc, từng thương xót và cả hoài nghi, trách móc.

Thu London: Am anh nu cuoi man nguyen cua thanh nien Viet o Anh
Dòng tin được cho là của Trà My nhắn cho mẹ mình 

***

Công việc đầu tiên tôi đảm nhận khi bắt đầu làm phiên dịch viên ở London là cuộc nói chuyện qua điện thoại. Khách hàng của tôi là cô bé người Việt 18 tuổi đang mang thai. Hôm nay, cô đến hẹn khám với bác sĩ. 

Giọng miền Trung xa xôi thật khó nghe khiến tôi phải hỏi đi hỏi lại để dịch cho chính xác. Vị bác sĩ có vẻ cũng ngạc nhiên khi tôi có thể nghe hiểu tiếng bản xứ trơn tru nhưng lại chật vật nghe tiếng của người đồng hương. 

Cuộc nói chuyện trong vòng 15 phút để lại trong tôi một cảm xúc thương cảm. Qua các câu hỏi ngắn gọn của vị bác sĩ, tôi có thể đoán cô bé đang ở Anh một mình, tác giả của bào thai hình như vẫn còn ở Việt Nam. 

Chắc không được nói chuyện với người Việt thường xuyên nên cô bé bám víu vào tôi như một người thân để hỏi bác sĩ rất nhiều, kể cả các vấn đề ngoài chuyên môn. Có lẽ bị giới hạn về thời gian, vị bác sĩ kết thúc cuộc nói chuyện một cách ngắn gọn và chuyên nghiệp. Cảm giác không giúp được cho cô bé một cách trọn vẹn khiến tôi day 
dứt mãi. 

Thật tình cờ, vài tuần sau, tôi lại được mời làm phiên dịch tại một công ty luật. Khách hàng chính là cô bé kể trên, lần này là cuộc nói chuyện với luật sư nên tôi được nghe câu chuyện của cô một cách tường tận hơn. 

Theo lời cô kể, 16 tuổi, cô bị bán sang Trung Quốc và bị bắt vào làm việc trong nhà thổ. Tuy không phải tiếp khách như các đàn chị nhưng hằng ngày, cô phải tiếp xúc với đủ hạng người. Bằng một “phép thuật” nào đó, vài năm sau, cô được một đoàn người dẫn sang Nga, trốn vào rừng và băng sang Pháp. Từ Pháp, cô bị đẩy vào container để sang Anh. 

Câu chuyện có nhiều uẩn khúc, nhưng ở vị trí người phiên dịch, tôi không thể hỏi sâu hơn. Thắc mắc ai là tác giả của bào thai trong bụng vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng đó chính là lý do cô vẫn còn ở Anh, vì chính phủ không thể trục xuất cô khi đang mang thai. 

Khách hàng kế tiếp của tôi là một cậu bé khai mình 17 tuổi. Dáng người nhỏ thó, cậu kể lại câu chuyện cũng không kém phần ly kỳ. Trong một bữa tiệc sinh nhật của bạn, cậu bị một nhóm người bắt nhốt và đánh đập, sau đó dẫn sang Trung Quốc. 

Cũng băng rừng lội suối, cũng bị nhốt vào một nơi ẩm thấp không biết là ở đâu, sau đó, bị đẩy lên xe tải chạy qua biên giới, và cuối cùng, nơi cậu đến là một nhà ga của một thành phố nhỏ ở Anh. 

Tại đây, một người đến mời cậu làm việc. Họ dẫn cậu đến một căn nhà ẩm thấp, khắp nhà trồng một loại cây mà sau này cậu mới biết đó là cần sa. Nhiệm vụ của cậu là chăm sóc vườn cây này và không được ra khỏi nhà. Được vài tháng, cảnh sát đột nhập và cậu bị bắt, đưa vào nhà tạm giam dành cho người nhập cảnh không hợp pháp.

Cậu thoát khỏi án tù do còn nhỏ tuổi. Dù luật sư đặt nhiều câu hỏi như ai đưa cậu sang Trung Quốc, ai chạy chiếc xe tải, ai mời cậu làm việc và đưa vào căn nhà đó, câu trả lời luôn là không biết hay không nhớ. 

Có lẽ do có duyên trong công việc này, tôi được hãng mời liên tục sau đó. Cảm giác buồn thương cho các số phận phải xa nhà khi tuổi đời còn quá trẻ, những điều các em phải trải qua có thể là những điều không dễ dàng so với số tuổi của các em. 

Dần dần, cảm giác này được thay thế bởi những hoài nghi.

Tại sao các câu chuyện đều có những điểm giống nhau một cách kỳ lạ, tại sao lộ trình luôn là Trung Quốc, rồi đến các nước Đông Âu, sang Pháp và điểm đến cuối cùng là Anh; nếu là nam thì công việc sẽ là chăm sóc nhà trồng cần sa, nếu là nữ hoặc là dưới tuổi thành niên hay đang mang thai? 

Do tính chất công việc, tôi chỉ có thể đem những thắc mắc của mình hỏi một chị đồng hương, người tự nhận mình là dân tị nạn. Chị nói chắc nịch: “Chẳng có ai buôn người ở đây cả. Họ đều tình nguyện sang đây hết, giờ phải ở lại bằng mọi cách để trả nợ”.

Thật khó để giữ sự bình thản khi biết người ta không nói thật. Nếu một người phiên dịch nghiệp dư như tôi có thể cảm nhận được sự giống nhau trong các câu chuyện kể chỉ trong một thời gian ngắn thì cũng không khó cho các vị bác sĩ, luật sư phải tiếp xúc với những người tìm mọi cách để nhập cư vào nước của họ hằng ngày để nhận ra sự thật trong mỗi câu chuyện kể. 

Thảo nào, vị bác sĩ kết thúc buổi nói chuyện qua điện thoại một cách vô tư với cô bé mang thai có vẻ như đang cần nhiều sự giúp đỡ. 

Thu London: Am anh nu cuoi man nguyen cua thanh nien Viet o Anh
Chiếc container chở 39 xác người trong cái lạnh âm 25 độ C

***

Cũng thật tình cờ, cậu bé trong câu chuyện kể trên nhận ra tôi ngoài phố. Không còn vẻ mặt thống khổ của một đứa bé bơ vơ cần sự bảo bọc của những người xa lạ, cậu hớn hở kể đang làm việc tại một tiệm làm móng. 

Tôi ngây thơ nhắc cậu: “Luật sư dặn em không được làm việc trong thời gian này cơ mà, vì em chưa có đầy đủ giấy tờ nhập cư”. Cậu cười cười, bảo: “Em làm lậu mà chị, cô chủ nuôi cơm, trả tiền cho em nữa. Khi nào cảnh sát đến kiểm tra cửa tiệm, em trốn ra cửa sau là thoát thôi. Có lần, em cũng bị tóm, nhưng em giả vờ chỉ phụ quét dọn cho cô chủ không ăn lương, cũng thoát”. 

Tôi biết mình không nên hỏi thêm gì nữa. Tôi nhận ra vẻ mặt vui vẻ khi cậu nói đến việc mình kiếm được đồng tiền để giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. 

Nụ cười mãn nguyện của cậu khi nhắc đến việc gửi tiền về quê làm tôi thấy thương hơn là giận. Có lẽ cậu đã quên câu chuyện bị bắt cóc và bị dẫn sang Trung Quốc bởi một nhóm người không 
biết mặt. 

Số liệu thống kê tại đây cho thấy, Việt Nam đứng thứ năm trong số những nước có người nhập cư trái phép vào Anh. Thật khó để nhận biết sự khác nhau giữa việc buôn người và tình nguyện nhập cư trái phép. 

Trong quá trình làm phiên dịch, đa số khách hàng đều mong muốn được luật sư giúp đỡ để được định cư tại Anh, dù hành trình đến đây đầy chông gai và cuộc sống phía trước không có gì hứa hẹn: không biết tiếng, không nghề nghiệp, không hòa nhập vào cộng đồng bản xứ. 

Những ngày cuối tuần, ghé sang siêu thị người Hoa, thỉnh thoảng, tôi gặp một nhóm đồng hương, chỉ trỏ cười nói để mua rất nhiều thức ăn đắt tiền. Họ thanh toán bằng một cọc tiền mặt, điều rất hiếm vì ở đây mọi thứ đều thanh toán bằng thẻ. 

Tự nhiên, tôi hình dung đến những cô bé, cậu bé mà tôi đã gặp trong các văn phòng luật sư, sau quá trình giúp đỡ bởi các chính sách nhân đạo của nước sở tại, sẽ tung tăng làm việc trong các tiệm làm móng, quanh quẩn trong căn nhà ẩm thấp, tiếp tục vòng luẩn quẩn trồng cần sa. 

Niềm vui của các em là những buổi họp mặt, ăn uống cùng đồng hương và những đồng tiền kiếm được để gửi về cho gia đình. 

Cũng là một hành trình sang nước ngoài sống và làm việc, câu chuyện để các em kể lại trong ngày về (nếu có) sẽ là gì ngoài những buổi tụ họp với đồng hương chẳng khác gì ở quê nhà?

Nụ cười mãn nguyện của cậu bé 17 tuổi kể trên và dòng tin nhắn liên tục xin lỗi cha mẹ khi bản thân mình đang cận kề cái chết của Trà My làm tôi xót xa khi nghĩ đến tấm lòng hiếu thảo của các em. 

Phan Quỳnh Dao
(London, Anh quốc)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI