Phòng khám từ thiện Sài Gòn: trạm trung chuyển lòng nhân ái

26/06/2019 - 08:22

PNO - “Pay it forward” là một mệnh lệnh nổi tiếng khắp thế giới về lòng tốt. Tinh thần nhân ái hiện đại đó, thật chẳng ngờ lại được gặp trong một buổi chiều mưa của Sài Gòn, trong hình hài của một người đàn ông nặng trĩu hàng rong.

Người thanh niên gầy gò, nước da sạm màu như phủ lên gương mặt hốc hác một nét buồn bã, u ám. Anh ngồi bên mái hiên, nhìn xuyên qua những kẽ hở giữa hàng xe máy để nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan. Sau lưng anh là cánh cửa bước vào phòng khám Mai Khôi. Từ cánh cửa đó, một người đàn ông khác phục trang chỉnh tề với chiếc áo sơ-mi xanh và quần tây, bước ra hỏi: “Sao anh ngồi đây?”.

Đoạn trường muôn nẻo

Lúc này, người thanh niên mới rụt rè mân mê một túi bóng nhỏ vẫn cầm trên tay nãy giờ, nói: “Dạ, con ngồi đây chờ cho mát, chờ tới lượt”. Vừa nói, anh vừa đứng dậy, lấy từ túi bóng một cuốn sổ màu xanh, đưa cho người đàn ông. Cuốn sổ bạc thếch, cong vênh.

Người đàn ông nhìn qua thông tin trên sổ rồi dặn “anh vô đây ngồi đợi kẻo bị mất lượt khám”. Anh thanh niên khó nhọc đứng dậy. Chắc nhìn ra vẻ ngờ nghệch của người lần đầu đến phòng khám, lúc đi ngang qua tôi, vẻ mặt anh chợt tỏ rõ nét lanh lợi: “Em tới khám hát hả? Vô đây luôn đi”.

Phong kham tu thien Sai Gon: tram trung chuyen long nhan ai
Những phòng khám từ thiện vẫn lặng lẽ tồn tại như một “trạm trung chuyển lòng tốt” của người Sài Gòn

Tôi nhanh chóng “dịch” ra chữ “hát” trong lời người thanh niên nọ chính là “HIV”. Trong giới những người nghèo mắc “hát”, nơi này nổi tiếng là một điểm vừa khám và phát thuốc miễn phí, vừa tư vấn tâm lý cho người bệnh suốt quá trình chống chọi với HIV/AIDS.

Trên bức tường chính diện, người ta dán một tờ giấy thông báo “Phòng khám đang triển khai khám và điều trị viêm gan siêu vi C”. Không gian chừng 50m2 được chia thành khu khám, khu giường bệnh, xét nghiệm cận lâm sàng, tư vấn tâm lý. Anh thanh niên vừa vui vẻ mời tôi vào khám “hát” đã lọt thỏm giữa khoảng 10 bệnh nhân đang ngồi chờ.

Tôi đang tần ngần định bước vào bên trong thì lại bị hút mắt vào một người phụ nữ mặc áo blouse đang vội vã chạy ra. Ngoài này, trên chiếc xe lăn, một ông cụ vừa húng hắng ho, vừa quờ quạng đưa tay giữ lấy tấm gỗ mỏng kẹp chừng 50 tờ vé số trước mặt khỏi những cơn rung lắc dữ dội của trận ho. Ông vừa khó nhọc leo lên lề, tấp chiếc xe lăn vào sát mái hiên phòng khám. Vừa chạy ra đến nơi, cô gái mặc áo blouse nói: “Bác Thi cho con mượn cuốn sổ khám bệnh”.

Họ như đã từng làm việc với nhau rất nhiều lần. Cô nhanh nhẹn lấy chiếc máy đo huyết áp đang cầm sẵn ra đo, rồi lấy ống nghe áp vào ngực ông cụ. Xong việc, cô nghiêm túc cúi xuống giải thích gì đó thật lâu với ông cụ, rồi đổi giọng dỗ dành, vui vẻ: “Giờ bác vô bên trong phòng khám nha, con đưa bác vô ngồi nghỉ rồi đợi lấy thuốc…”.

Lúc này, ông Thi lắc đầu nguầy nguậy, giọng nói như lạc đi trong cơn ho: “Thôi, tui xin phép bác sĩ cho tui không vô, tui ở đây đợi”. Chừng như không thể thuyết phục được, vị bác sĩ nhanh nhẹn chạy vụt vào trong.

Khi ngoài hiên chỉ còn hai người, ông cụ chợt quay sang tôi, lấy tay vuốt ngực, khó nhọc nói: “Tui mệt quá, không thở được, mà ho hoài, mỗi lần ho là đau”. Nghe rõ chất giọng Quảng Trị đứt quãng trong hơi thở mong manh của ông cụ. Bất giác, tôi ngồi bệt xuống bên bậc thềm để cuộc chuyện trò đỡ làm ông nhọc sức.

Từ dưới tấm gỗ mỏng kẹp một hàng vé số, ông cụ rút ra cho tôi xem một xấp hồ sơ khám bệnh ghi tên Đoàn Văn Thi. Trong hồ sơ có kết quả chụp x-quang, siêu âm, xét nghiệm máu của Bệnh viện Nhân dân 115. Tất cả đều có một kết quả “không phát hiện bất thường”.

Trong lúc tôi đang lật coi kết quả khám bệnh, ông nói: “Bên đây (phòng khám Mai Khôi) giới thiệu tui qua bển khám, khám không mất tiền. Cô coi, kết quả ngon lành hết, nên hễ ho hắng quá, tui lại đi qua đây xin bác sĩ cho thuốc”.

Như biết tôi thắc mắc, ông cụ nói luôn: “Nhà tui ngay đây, chỗ góc ngã tư Bà Huyện Thanh Quan với Lý Chính Thắng. Tui bán vé số quanh đây thôi, đến tối là về ngay góc đó, ngủ ngay trên xe, mưa thì né né trong cây dù này, cũng qua một đêm, sáng dậy đi bán vé số tiếp”. Tôi hỏi: “Bác khám ở đây lâu chưa?”. Ông cụ thở hắt ra, ôm ngực nói: “Cả chục năm rồi. Thường, nếu buổi tối trời mưa là sáng hôm sau tui lại tới đây, lấy thuốc”.

Con đường Bà Huyện Thanh Quan trước mặt đông đúc xe cộ. Thỉnh thoảng, tôi phải ghé thật sát mới chắp nối được câu chuyện của người đàn ông 72 tuổi, đã rời quê hương Quảng Trị vào Sài Gòn 30 năm nay. Ban ngày bán vé số, ban đêm, ông vạ vật ngồi ở góc ngã tư ngay trung tâm Q.3 để chờ cơm từ thiện của những thị dân hảo tâm, rồi qua đêm luôn tại đó.

Hỏi sao không về Quảng Trị dưỡng già, ông nói: “Hồi đó, mình không vợ con, lại tàn phế, không sống nổi ở quê nên mới tìm đường vô Sài Gòn. Ba chục năm ở đây cũng cực khổ, không có nổi cái nhà, nhưng hễ nằm xuống cũng có viên thuốc từ thiện, có gì thì tui chỉ cần lăn xe tới đây, cô bác lo hết. Tui nghĩ vậy mà không dám bỏ về”.

Vừa lúc đó, một tình nguyện viên của phòng khám cầm ra một bịch thuốc, dặn dò liều lượng. Ông cụ lại tỉ mẩn cất bịch thuốc. Trước khi rời đi, ông dặn: “Cô vô trong mà khám. Cái cậu mới nãy, hồi đầu tới đây khám ra si-đa thì nhứt quyết đòi xuống nhảy cầu Bình Triệu chết quách đi. Mới mấy tháng đây mà giờ nhìn tươi hơn rồi. Đỡ lắm”.

Ông cụ lái chiếc xe lăn xuống đường, đi vòng qua đường Lý Chính Thắng. “Cái cậu đòi nhảy cầu Bình Triệu chết quách đi” mà ông vừa nhắc ban nãy, chính là người thanh niên vừa ra vẻ chủ nhà, mời tôi vào khám “hát”.

“Con làm nghề móc túi ở bến xe đó”

Bên trong, phòng khám đang tất bật đón bệnh với chừng 15 bác sĩ, nhân viên và tình nguyện viên. Bác sĩ - Trưởng phòng khám - Linh mục Phaolô Nguyễn Như Hiếu (Linh mục dòng Camilô) - chính là người đàn ông mặc chiếc áo sơ-mi xanh tôi gặp ban nãy.

Ông chỉ độ 40 tuổi, xuất thân là bác sĩ tim mạch của Bệnh viện Nhân dân 115. Nhưng 6 năm nay, ông vừa là linh hồn, vừa là người làm những việc không tên tại phòng khám từ thiện có 1.170 bệnh nhân/tháng này.

Phong kham tu thien Sai Gon: tram trung chuyen long nhan ai
Những phòng khám từ thiện vẫn lặng lẽ tồn tại như một “trạm trung chuyển lòng tốt” của người Sài Gòn

Sau này, khi nhắc lại về lần dỗ dành bệnh nhân uống thuốc, ông nói vui: “Bệnh nhân ở đây dễ thương lắm. Làm nũng, bắt đền, có khi vặn vẹo bác sĩ đủ đường. Nhưng họ khó dễ đó rồi lại tình cảm đó, như người nhà. Có cậu bệnh nhân kia tháng nào cũng tới đây điều trị HIV, có lần gặp lúc tôi đang rảnh tay, cậu mới nói: “Con làm nghề móc túi ở bến xe đó bác sĩ. Nhưng bác sĩ yên tâm, hễ bác sĩ tới đó là con... chừa bác sĩ ra”.

“Người nhà” từng làm bác sĩ Hiếu đau đầu nhất là một cô bé bị thiểu năng trí tuệ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại nhiễm HIV. Từ lúc được ông bà nội đưa đến khám tại phòng khám Mai Khôi thì những lần đi lạc, cô bé đều gọi về nói “con đang ở phòng khám Mai Khôi”. Cũng từ dạo đó, bác sĩ Hiếu luôn được báo tin trong những lần cô bé đi lạc.

Có lúc, cô đi lạc xuống Củ Chi; có lúc, cô nhảy xe đò đi Vũng Tàu. Ông bà nội vừa gọi tâm sự, vừa cầu cứu, bác sĩ Hiếu lại lật đật đến tận nơi để mang cô bé về. Điều trị HIV ổn định được một thời gian, cô bé lại gặp vấn đề vì không có người chăm sóc, ông bà nội quá già để canh chừng. Bác sĩ Hiếu bàn bạc với gia đình, đưa cô bé lên một nơi thiện nguyện của các sơ ở Bình Phước để cô bé vừa trị bệnh, vừa được chăm sóc.

Chừng một tháng sau, các sơ ở Bình Phước lại gọi điện về báo cô bé đã… có thai. Phòng khám Mai Khôi lại lên kế hoạch đón cô về, lên phác đồ điều trị để ngăn việc nhiễm HIV từ mẹ sang bé.

Thời điểm đó, bác sĩ Hiếu vừa làm việc với cộng sự để kiểm soát HIV cho người mẹ, vừa đấu tranh với chỉ định đình chỉ thai kỳ của bác sĩ sản. Đứa trẻ ra đời trong sự hồn nhiên của người mẹ và sự căng thẳng của toàn bộ ê-kíp phòng khám Mai Khôi.

Từ phòng khám nhi của bệnh viện phụ sản, giây phút nhận kết quả đứa trẻ âm tính với HIV chính là sự “phản hồi” tuyệt vời nhất sau hàng năm trời trầy trật của một người mẹ ngây ngô với một ê-kíp tình nguyện đã tự xem mình là “người nhà” với người bệnh.

“Coi như mình là trạm trung chuyển đi”

“Pay it forward” là một mệnh lệnh nổi tiếng khắp thế giới về lòng tốt. “Hãy chuyển tiếp nó đi”, “Hãy mang nó đến cho người khác” chính là điều mà người ta muốn nhắn gửi đến người được giúp đỡ. Tinh thần nhân ái hiện đại đó, chúng tôi chẳng ngờ lại được gặp trong một buổi chiều mưa của Sài Gòn, trong hình hài của một người đàn ông nặng trĩu hàng rong.

Phong kham tu thien Sai Gon: tram trung chuyen long nhan ai
Anh Túy trong một lần chờ khám ở phòng khám từ thiện nhà thờ Đồng Tiến

Lúc anh Nguyễn Bội Túy gạt chân chống chiếc xe hàng rong nặng trĩu của mình trước phòng khám từ thiện số 54 Thành Thái (Q.10), tôi nghĩ, sao anh lại chọn bán ở nơi này. Nhưng anh tiến lại chỗ hàng ghế chờ, lấy trong túi ra một cuốn sổ khám bệnh cuộn tròn, trở thành một bệnh nhân thứ thiệt.

Thấy tôi ngồi tay không, anh còn nhiệt tình chỉ dẫn quy trình xin sổ khám, rồi nói: “Nay cưng hên, gặp bữa trời mưa nên vắng bệnh. Chứ ngày thường, có khi bệnh nhân ở tỉnh đi hai chiếc xe lớn lên, đổ xuống mấy chục người, mình ngồi chờ lâu lắm”.

Kinh nghiệm đó, anh Túy có được sau hai năm theo khám ở phòng khám này. Nằm bên trong khuôn viên cây xanh của nhà thờ Đồng Tiến, phòng khám mở cửa từ 16g-19g từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Là nơi nổi tiếng khám từ thiện về xương khớp, nhưng phòng khám cũng tiếp nhận rộng rãi mọi bệnh nhân, với mọi triệu chứng bệnh.

Hai năm trước, anh Túy vào đây với triệu chứng bệnh tiểu đường. Anh trải qua giai đoạn “tưởng mình nhận án tử”, đến lúc đấu tranh với bệnh tật và đẩy lùi được nó, căn phòng này lại thỉnh thoảng đón anh với từng cơn cảm sốt, đau dạ dày.

Anh kể, có lúc, thấy anh bệnh mà mải đi bán, vợ con vừa lo, vừa giận. Con gái có lần bỏ ăn, chỉ đợi anh đạp xe hàng rong về đến nhà là tuyên bố: “Vì con ăn học mà ba không có tiền trị bệnh, nay con nhịn ăn, nghỉ học đến chừng nào con tự kiếm được tiền thì tính tiếp”. Anh hoảng. Nhưng nếu vào viện, anh biết, các con cũng chẳng còn tiền mà ăn học. Cái phòng khám ở sâu trong nhà thờ này đã cứu gia đình anh qua lần ấy.

Anh Túy nhìn qua thứ tự khám bệnh sắp tới lượt mình, mân mê cuốn sổ, nói: “Tui chịu ơn Sài Gòn nhiều. Mà người làm ơn mấy khi họ cần mình giúp họ. Nên thôi, tui nói với con tui, chi bằng mình giúp lại người khác. Giờ hai đứa nó, một đứa học đại học y dược, một đứa học cao đẳng ngành điều dưỡng, chắc cũng do tôi nói hoài cái chuyện “giúp đời”. Mình nhận của người này thì cố mang đến cho người khác, coi như mình là trạm trung chuyển đi”. Anh cười phớ lớ, như chính anh cũng vừa mới nghĩ ra cái từ hay nhất đời - từ “trạm trung chuyển”. 

Minh Trâm - Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI