Không cung cấp báo cáo tác động môi trường, Phó Vụ trưởng Thi đua, Khen thưởng nói: 'Sợ làm hỏng việc lớn của bộ'

28/09/2019 - 07:49

PNO - "Báo Phụ Nữ TP.HCM thông cảm cho bộ. Nếu các đơn vị, phóng viên nào cũng đòi “xin” thông tin ĐTM, “xin” chi tiết quá thì bộ bị ảnh hưởng" - ông Trịnh Xuân Quảng - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền nói.

Ngày 27/8, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có hai cuộc nói chuyện qua điện thoại với ông Trịnh Xuân Quảng - Phó vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khong cung cap bao cao tac dong moi truong, Pho Vu truong Thi dua, Khen thuong noi: 'So lam hong viec lon cua bo'
Ông Trịnh Xuân Quảng - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền Bộ (TN&MT).

Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Tam Đảo II, ông Quảng cũng lòng vòng không kém cấp dưới của mình.

Chúng tôi xin trích lược cuộc nói chuyện để độc giả tiện theo dõi sự… quanh co của cái ĐTM này.

Phóng viên: Thưa ông, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã gửi công văn từ ngày 6/8, đến nay vẫn chưa nhận được ĐTM. Xin hỏi, việc cung cấp ĐTM có khó khăn gì không? Nếu tài liệu quá nhiều, quá dày, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ hỗ trợ chi phí photocopy…

Ông Trịnh Xuân Quảng: Không, vấn đề đặt ra không phải là phí photocopy.

* Thế vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

- Báo muốn xin tất cả chứ gì? Báo định làm gì, muốn viết về điều gì?

* Vì nội dung bài viết liên quan đến yếu tố môi trường, báo muốn phản ánh thông tin một cách đầy đủ, khách quan nên rất cần văn bản đó, thưa ông…

- Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đúng là đầu mối, tinh thần là chúng tôi sẽ hỗ trợ và phối hợp. Cung cấp quyết định phê duyệt ĐTM thì được, nhưng báo cáo rất dày, tôi phải trao đổi với Tổng cục Môi trường một lần nữa. Tuy nhiên, Báo Phụ Nữ TP.HCM cũng phải thông cảm cho bộ. Nếu các đơn vị, phóng viên nào cũng đòi “xin” thông tin ĐTM, “xin” chi tiết quá thì bộ lại bị ảnh hưởng.

(Ông Quảng gọi lại sau đó)

- Tôi đã trao đổi với Tổng cục Môi trường rồi. Bây giờ thế này, Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi ngay những nội dung mà báo cần, chúng tôi sẽ cung cấp.

* Trong nội dung công văn, Báo Phụ Nữ TP.HCM đề nghị bộ cung cấp bản ĐTM hoàn chỉnh, không phải một số phần nội dung riêng lẻ, thưa ông…

- Trong ĐTM, có rất nhiều mục, hạng mục, báo cần thế thì nhiều lắm. Chúng tôi sẽ gửi cho báo quyết định phê duyệt ĐTM, vì khi có quyết định, nghĩa là chúng tôi đã chịu trách nhiệm toàn bộ với nội dung đó rồi.

Đúng là tất cả các cơ quan báo chí có quyền được cơ quan nhà nước quản lý cung cấp thông tin, nhưng cơ quan quản lý nhà nước có quyền trả lời ở mức phù hợp. Chúng tôi sẽ hết sức tạo điều kiện. Báo cần nội dung gì thì chúng tôi sẽ cung cấp.

* Nếu dày và nhiều thì báo mong nhận bản ĐTM qua địa chỉ email cũng được… Là người công tác tại Bộ TN-MT, chắc hẳn ông cũng biết: ĐTM là văn bản phải tiếp cận hoàn chỉnh, chứ không thể từng phần được.

- Bây giờ, khi báo chí cần gì, muốn hỏi cái gì thì cơ quan quản lý sẽ cấp. Nhưng Báo Phụ Nữ TP.HCM cũng đang mơ hồ, đang đi tìm hiểu thông tin, còn chưa biết cần gì, lại yêu cầu chúng tôi cung cấp một “núi” như thế thì sao được? Bây giờ thế này, báo muốn gửi câu hỏi nào, muốn nội dung gì, trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có câu trả lời.

* Xin hỏi, nếu Bộ TN-MT không chịu cung cấp thì sao cơ quan báo chí biết được trong ĐTM có những nội dung gì mà hỏi được? Báo cần ĐTM đầy đủ để từ đó nhờ sự đánh giá, phân tích của những người có chuyên môn, thưa ông?

- Bây giờ cả một tập báo cáo dài như thế, có những phần người ta “OK”, có phần chưa “OK”, nhưng xét tổng thể vẫn là được, người ta vẫn chấp nhận. Bây giờ, báo nghiên cứu kỹ từng nội dung xong, báo chỉ ra cái phần người ta chưa “OK” trọn vẹn 100%, báo móc vào đấy, báo “đánh”.

Tôi nói nhanh nhé, để ra ĐTM, để phê duyệt được, người ta cũng phải có hội đồng, hồ sơ. Hội đồng thì toàn các giáo sư, chuyên gia. Tôi ví dụ, trong hội đồng có 10 người, 8 người đồng ý, 2 người chưa đồng ý tuyệt đối. Người ta bảo nội dung này cần phải tốt hơn, nhưng khi đặt trong khuôn khổ của ĐTM thì người ta đồng ý. Bây giờ, Báo Phụ Nữ TP.HCM lại nhờ những chuyên gia nào đó khác không thuộc hội đồng ấy, khai thác đúng 2 điểm yếu không được trọn vẹn 100% ấy thì sao?

Người ta chỉ ra ĐTM này chưa trọn vẹn, chỉ ra ông này, hội đồng nọ đánh giá như thế này là không được, tự nhiên hỏng cả việc lớn của bộ. Bây giờ, không thể lấy một tài liệu của chung như thế này đưa, để rồi người ta khai thác những điểm yếu của mình. Yếu thì không phải yếu nhưng mà nó chưa được trọn vẹn của cả dự án.

Không ai đồng ý giống nhau 100%, có người 7 điểm, có người 8, có người 6, nhưng mà tính tổng thể cả hội đồng vẫn trên 7 điểm thì vẫn là một báo cáo “OK”. Báo khai thác đúng cái người ta 5 điểm, bảo bị thế này bị thế kia, lại khổ thân cả hội đồng, khổ thân đúng ông đánh giá kém.

Tôi cũng phải có trách nhiệm giữ uy tín cho cả bộ nữa. Bây giờ báo lại đi nhờ một ông chuyên gia khác nói thế này chưa được, có phải chết tôi không?

(Cuộc nói chuyện tiếp tục kéo dài, cứ trở đi trở lại: “Báo cần những nội dung gì, bộ sẽ cung cấp”).

Bộ Tài nguyên và Môi trường vi phạm luật do chính mình soạn thảo

Điều 131. Công khai thông tin môi trường (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014)

1. Thông tin môi trường phải được công khai gồm:
a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải;
c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường;
d) Các báo cáo về môi trường;
đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI