Thích ứng với COVID-19, đại học “mở cửa” chương trình quốc tế

29/01/2021 - 08:14

PNO - Thế giới bước vào năm COVID-19 thứ hai với những khó khăn về giao thông quốc tế. Điều này làm ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của nhiều du học sinh. Nhiều bạn đã “lỡ” chuyến nhập học vào mùa xuân này và chắc chắn phải chờ cơ hội ở những đợt nhập học sau, tất nhiên, nếu khi đó các nước mở cửa biên giới trở lại.

Phải thay đổi kế hoạch học tập
Theo thông tin tuyển sinh năm 2021, Trường đại học (ĐH) RMIT Việt Nam sẽ có ba kỳ nhập học vào tháng Hai, Sáu và Mười. Kỳ nhập học tháng Hai này, danh sách đăng ký chờ đã kéo dài từ tháng Mười năm trước.

Bà Jan Clohessy, Giám đốc Tuyển sinh khu vực ASEAN, RMIT Việt Nam, nhấn mạnh: “Nhiều kế hoạch du học đang bị gián đoạn vì COVID-19. Thay vì lãng phí thời gian đợi dịch bệnh toàn cầu qua đi và chờ đợi những điều bất định, các bạn trẻ có thể nắm thế chủ động với bốn lộ trình ĐH thay thế linh hoạt ngay tại quê nhà”.

Ứng viên đăng ký tuyển sinh vào Trường đại học RMIT Việt Nam
Ứng viên đăng ký tuyển sinh vào Trường đại học RMIT Việt Nam

Trường ĐH RMIT Việt Nam đưa ra các giải pháp “giải cứu” dành cho cả du học sinh (HS) từ RMIT Melbourne (Úc), du HS từ các trường ĐH khác trên thế giới về nước tránh dịch, cũng như HS lớp 12 trong nước có ý định du học. Theo đó, du HS trở về nước có thể chuyển đổi tín chỉ từ trường ĐH nước ngoài đang theo học để tiếp tục học tại RMIT Việt Nam, và ngược lại có thể chuyển đổi tín chỉ quay lại trường ĐH ban đầu vào thời điểm thích hợp. 

Đối với HS lớp 12 đang bị trì hoãn kế hoạch du học vô thời hạn, RMIT Việt Nam cũng mang đến hai lộ trình: học năm đầu tại RMIT Việt Nam, sau đó tham gia chương trình du học trao đổi và chuyển tiếp tới RMIT Melbourne; hoặc đợi dịch bệnh kết thúc rồi chuyển đổi tín chỉ sang trường ĐH nước ngoài khác. 

Từ khi dịch bùng phát, nhiều HS lớp 12 có thể lỡ mất cơ hội du học năm 2021 vì những thay đổi trong lịch thi tốt nghiệp THPT, cũng như vì lệnh cấm bay, đóng cửa biên giới và việc xin thị thực nhập cảnh.

Bạn Đặng Ngọc Minh (20 tuổi), du HS chương trình dự bị ĐH tại Úc kể: “Lúc xảy ra dịch, tôi đang ở Thụy Sĩ để tìm trường ĐH chuẩn bị nhập học. Tôi bắt buộc phải về nước vì chưa chính thức trở thành sinh viên của ĐH nào. Đăng ký chờ chuyến bay về nước trong tâm trạng bất an, sau đó, phải bay vòng qua Singapore, tôi mới được về nước, và phải cách ly hai tuần ở Đà Nẵng”.

Do đó, sau khi về nhà, cha mẹ chỉ mong Minh khỏe mạnh, không cần thiết phải du học, chỉ cần chọn trường quốc tế để học. Và Minh đã nằm trong danh sách chờ của RMIT Việt Nam từ tháng 10/2020 đến nay. 

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, phân tích: hầu hết du HS về nước tránh dịch hoặc HS đang theo học chương trình quốc tế chuẩn bị tốt nghiệp có ý định du học ít nhiều đều phải thay đổi kế hoạch ở thời điểm này. Vì thực tế, không biết trạng thái chờ kéo dài đến bao giờ nên nhiều gia đình chọn cho con học chương trình quốc tế tại các ĐH trong nước. 

Năm nay, các trường đã chủ động đưa phương án xét tuyển HS tốt nghiệp chương trình nước ngoài vào học cả chương trình trong nước lẫn liên kết. Tuy nhiên, chỉ tiêu mỗi trường dành cho đối tượng này không nhiều. Như Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn chỉ dành khoảng 20% cho ba đối tượng: thí sinh quốc tịch nước ngoài, thí sinh Việt Nam tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, thí sinh học chương trình phổ thông quốc tế tại Việt Nam. 

Rộng cơ hội?
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM, cho biết: trong điều kiện hạn chế giao thông quốc tế và sự bất định do đại dịch COVID-19, sự lựa chọn và quyết định học tập của HS tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài chắc chắn có nhiều thay đổi. Vì vậy, trường bổ sung phương thức nhằm giúp HS không bị gián đoạn việc học.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn nghiên cứu lập trình Robot, loT và trí tuệ nhân tạo (AI).
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn nghiên cứu lập trình Robot, loT và trí tuệ nhân tạo

Phương thức xét tuyển này hướng đến HS đang theo học các chương trình THPT nước ngoài tại các trường quốc tế ở Việt Nam (được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận) hoặc HS đã học THPT ở nước ngoài.

Theo phó giáo sư Bảo, một số trường THPT nước ngoài sẽ không có học bạ và các hồ sơ theo quy định của bộ.

Vì vậy, điều kiện để xét tuyển là HS đã tốt nghiệp các chương trình THPT nước ngoài và có các chứng chỉ quốc tế đủ điều kiện xét tuyển như: chứng chỉ tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate), chứng chỉ A-level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Vương quốc Anh), chứng chỉ BTEC (Business and Technical Education Council, Hội đồng Giáo dục Thương mại và Kỹ thuật Anh), Level 3 Extended Diploma và các chứng chỉ quốc tế khác như IELTS, TOEFL iBT, SAT (Scholastic Assessment Test, Mỹ) và ACT (American College Testing) với các điều kiện và điểm số cụ thể sẽ công bố.

Tuy đã “mở cửa” với du HS trở về nước nhưng xem ra các trường ĐH vẫn khá dè dặt trong việc dành chỉ tiêu cho đối tượng này, thường đều dưới 10% tổng chỉ tiêu. Bởi, theo một số chuyên gia tuyển sinh, việc du HS sẽ dịch chuyển sau khi hết dịch có khả năng cao nên nếu dành quá nhiều chỉ tiêu rất dễ ảnh hưởng đến hiệu suất đào tạo sau này. 

Năm 2021, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh tổng chi tiêu gần 3.600. Trong đó, dành tối đa 1% chỉ tiêu cho thí sinh người Việt Nam học trường nước ngoài tại Việt Nam và thí sinh người nước ngoài học THPT ở nước ngoài.

Trường ĐH Bách khoa cũng dành 1-5% chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh người nước ngoài hoặc tốt nghiệp THPT nước ngoài.

Trường ĐH Quốc tế xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài với 5-10% chỉ tiêu. Tiêu chí là thí sinh có chứng chỉ quốc tế (ACT, SAT) hoặc tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài (IB, A-level) hoặc tương đương… 

Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen dành tối đa 10% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh tốt nghiệp ở nước ngoài hoặc trường quốc tế được bộ công nhận…

Ngoài ra, một vài trường ưu tiên xét tuyển đối với đối tượng này. Trường ĐH Mở TP.HCM ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có điểm bài thi tú tài quốc tế (IB) đạt từ 26 điểm trở lên; có chứng chỉ quốc tế A-level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Anh) theo điểm ba môn thi trở lên đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ C trở lên; có kết quả kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600 điểm trở lên.

Còn Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT tại nước ngoài và những thí sinh học chương trình quốc tế tại các trường quốc tế ở Việt Nam vào chương trình ĐH bằng tiếng Anh. Thí sinh có chứng chỉ SAT, A-level, IB, ACT xét ưu tiên tuyển thẳng vào chương trình ĐH bằng tiếng Anh. 

Tiêu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI