Thí sinh 66 tuổi và 9 lần “lên kinh ứng thí”

03/07/2016 - 09:19

PNO - Trong kì thi THPT Quốc gia năm 2016 tại điểm thi trường CĐSP Quảng Trị, có một thí sinh đặc biệt khi ở đúng tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng vẫn quyết tâm đi dự thi.

Tinh thần “học đến cùng” của ông khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên cho đến khâm phục. Mặc dù đây đã qua 7 lần dự thi kì thi tuyển sinh Đại học- Cao đẳng đều không thành công, thế nhưng ông Nguyễn Văn Minh (66 tuổi, trú khu phố 1, phường 1, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) vẫn quyết tâm thử sức mình. Hai năm trở lại đây, kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ được bộ GD- ĐT tổ chức thi gộp. Năm 2015 ông Minh dự thi ở Huế và lần này ông tiếp tục thử sức mình tại điểm thi Quảng Trị, cho đến nay đã là lần thứ 9 ông “lên kinh ứng thí”.

Thi sinh 66 tuoi va 9 lan “len kinh ung thi”
Ông Minh trong kì thi THPT quốc gia 2016

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, thuở nhỏ chẳng mấy khi được cắp sách đến trường ê a học chữ, thế nhưng ông Minh lại mê học hành đến lạ. Sau 12 năm dùi mài sách vở, đến năm 1972, ông Minh tốt nghiệp chương trình phổ thông, “đỗ tú tài”. Nhưng vào thời buổi đó hoàn cảnh gia đình cực kì khó khăn, miếng cơm còn chưa lưng cái bụng, áo chưa đủ che thân lấy đâu ra điều kiện để học hành.  

Từ đó việc học của ông bị gián đoạn, phải đành tạm gác lại giấc mơ với con chữ để lao vào cuộc sống nghiệt ngã mưu sinh từng ngày. Những lúc mưu sinh với đủ nghề từ thợ xây, bốc vác, xe thồ… đầy mệt nhọc tưởng chừng sẽ làm ông quên đi những con chữ, những kiến thức mình từng học, bỏ lại niềm đam mê được ông xem là xa xỉ trong lúc cực khổ bần hàn đó là đi thi đại học. Sau những buổi lao động mệt nhọc, lúc tựa lưng vào bờ tường, gốc cây, ngửa mình trên chiếc xe cũ nghỉ ngơi, ông đều lôi ra khi thì tờ báo, khi thì quyển sách mỏng rồi ngấu nghiến đọc. 

Khi đã có tuổi, việc nặng nhọc không thể gánh vác được, ông bắt đầu xin làm bảo vệ tại một cơ quan để phù hợp với sức của mình. Từ đó, ông Minh có được nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, thế là ông bắt đầu lôi “ước mơ xa xỉ” ngày trước ra quyết tâm thử sức mình với những con số, những câu chữ trong dòng kiến thức bao la. Điều mà ông luôn mong mỏi đó là được làm một thí sinh tham gia trong kì thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng. “Tôi đã tốt nghiệp, có bằng tú tài từ năm 1972. Bây giờ trong tôi vẫn đau đáu một mong muốn sẽ tham gia kì thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng vừa thử sức mình, vừa muốn đạt được thành công sau bao năm tháng dùi mài kinh sử”, ông Minh tâm sự. 

Từ năm 2008, ông Minh bắt đầu tham gia kì thi tuyển sinh Đại học- Cao đẳng đầu tiên trong cuộc đời của mình với tư cách là một thí sinh và là thí sinh cao tuổi. Thế nhưng trong lần thi đó “cá chép già vẫn chưa vượt được vũ môn”. Những năm về sau cũng tương tự, ông không thể thành công trong kì thi tuyển. Sau những lần thất bại như vậy ông Minh không đổ lỗi rằng có thể mình tuổi cao trí nhớ kém đi hay vì chương trình học thời nay không phù hợp với thế hệ của ông. Ông chỉ trách bản thân rằng tại vì mình chuẩn bị kiến thức chưa đầy đủ, chưa chu đáo và sau mỗi lần tự trách như vậy ông lại cố gắng nghiên cứu, học hành tốt hơn nữa.

Thi sinh 66 tuoi va 9 lan “len kinh ung thi”
Ông Minh đang bàn luận về đề thi với các bạn nhóm tình nguyện

Trong kì thi THPT Quốc gia 2016, ông Minh tiếp tục thử thách bản thân mình lần thứ 9. Những lần thi trước ông không thể đỗ thế nhưng điều đó không khiến ông tự ti, mặc cảm. Từ sáng sớm, ông Minh đã quần áo tươm tất, gọn gàng, tâm trạng thoải mái, hào hứng đến dự thi tại điểm thi trường CĐSP Quảng Trị (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) để tham dự kì thi THPT Quốc gia 2016 để lấy điểm vào các trường Đại học- Cao đẳng.  

Ban đầu, có rất nhiều người ngỡ ngàng trước một thí sinh da điểm đồi mồi, tuổi cao, tóc bạc nhưng sau đó “người tóc bạc” hòa vào dòng thí sinh “tóc còn xanh” bước vào phòng thi. “Không như các thí sinh khác ngoài việc học để thi, bản thân tôi còn đi thi để học, để biết sức mình đến đâu, để rút kinh nghiệm học tập, trau dồi kiến thức. Năm nay có một điều kiện thuận lợi là tôi được đi thi gần nhà, không còn đi xa tốn kém như những năm trước”, ông Minh bộc bạch. 

Ông Minh tâm sự với chúng tôi nỗi niềm mà ít ai, kể cả người thân trong gia đình hiểu được, cảm thông, chia sẻ với ông. Sự học từ lâu đã thấm vào máu của ông, ông đam mê với những con số, những phép tính, những dòng văn thơ, câu chữ trong vô vàn những kiến thức. Ông mê đọc sách, mê làm toán chẳng khác nào những ông cụ lớn tuổi đam mê chơi cờ tướng nhàn nhã khi tuổi già. Ông tranh thủ đọc sách mọi lúc mọi nơi, tìm tòi sách hay, cung cấp nhiều kiến thức để tự học. Mỗi khi giải được một bài toán dù khó hay dễ ông sung sướng vô cùng như chiến thắng, vượt qua được thử thách quan trọng nào đó.  

Những đam mê đó cũng chính là nỗi niềm của ông Minh. Gia đình ông biết chuyện ông đi thi nên một mực ngăn cản, hàng xóm thì bỉu môi bảo ông dở hơi, già rồi không nghỉ ngơi còn ham hố thi cử, đi thi cũng chẳng để làm gì. Cũng có nhiều người biết đến việc ông đi thi trong suốt mấy năm nay thì cảm thông và thán phục bởi ý chí quyết tâm "học suốt đời" của ông. Ông Minh vẫn cương quyết, không từ bỏ đam mê học hành, thi cử của mình. 

Trong đợt thi lần này, ông Minh dự thi khối D3 (toán, văn, tiếng Pháp), nhưng dù đủ điểm đậu vào các trường Đại học- Cao đẳng ông Minh cũng khó có thể thực hiện giấc mơ chinh phục kiến thức của mình trên giảng đường bởi một phần vì tuổi đã cao, một phần hoàn cảnh gia đình ông còn khó khăn, không có tiền để ông đi học. Còn nếu lần này thi trượt, ông cũng không nản chí, vẫn an ủi mình rằng đi thi để học, trở về công việc hằng ngày ông vẫn cố học hành, làm bài, đọc sách báo như một niềm đam mê. Nếu có điều kiện, rất có thể kỳ thi sau ông lại tiếp tục tham gia để thử thách bản thân mình với những kiến thức đã học được. Sự kiên trì trong học hành, thi cử của ông Minh sẽ trở thành tấm gương cho con cháu noi theo, không nản lòng trước thất bại mà phải cố gắng hơn nữa để vượt qua.

Bài, ảnh: Thanh Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI