Thầy cả nuôi trẻ bất hạnh

13/07/2015 - 08:34

PNO - PN - Chiếc ô tô cũ nhưng chạy êm, rẽ trái rồi dừng lại, nép gọn dưới bóng cây. Trên xe chở đầy con nít, một vị tăng bước ra từ ghế lái, một tay bê chiếc xe đồ chơi, một tay bồng em bé. Vị tăng bận bịu đó là hòa thượng...

Chùa Kỳ Quang II được xây dựng uy nghi nhưng tinh tế theo quan niệm "9 phương trời, 10 phương Phật" với 4 không: không đà, không tường, không cột, không cửa… với tinh thần triết lý nhà Phật là không bó buộc, không vướng bận, và luôn rộng mở. Thầy cả mặc áo cà sa, chân mang dép, nhìn đám trẻ nô đùa, nở nụ cười hoan hỉ. Bọn trẻ rôm rả gọi “thầy cả, thầy cả”. Thầy cả không biết mệt, chăm đứa này, làm trò với đứa kia… như một người cha đang coi sóc đàn con nhỏ.

Thay ca nuoi tre bat hanh

Thầy bế đứa nhỏ trên tay

Từ khi thành lập đến nay, nhà chùa đã nhận nuôi 772 trẻ nhiều độ tuổi, trong đó có 570 em được đào tạo nghề và ra phục vụ xã hội, 30 em đã thành tài và hồi gia. Các em làm nhiều công việc như: dạy nhạc, dạy chữ Braille, massage bấm huyệt ở các cơ sở phục hồi sức khỏe, làm nhang... Hiện nhà chùa nuôi dưỡng 172 cô nhi khuyết tật, nhiễm chất độc da cam, bại não, chậm phát triển trí tuệ, mắc bệnh AIDS... Trẻ được chùa nhận nuôi phải có sự xác nhận của địa phương. Ngược lại, gia đình muốn nhận lại con phải chứng minh hoàn cảnh cụ thể, được địa phương xem xét.

Căn phòng đính tấm bảng Khách tăng chật kín đồ, thầy cả bảo tới lễ sẽ thu xếp lại. Phòng chật nhưng thầy vẫn có thể làm việc, nghiên cứu và dành chỗ chơi cho những đứa trẻ. Phòng không có chỗ ngủ, chỉ có một khoảng trống dài đủ để hơn mười đứa trẻ xây dựng “chiến trường”, quậy phá tưng bừng rồi lăn ra ngủ. Tối thầy ngủ với lũ trẻ để hôm sau cùng nhau thức giấc đón bình minh.

Thầy cho đám trẻ uống sữa, xoa đầu, vỗ về hát cho chúng nghe bài Cả nhà thương nhau, hoặc ngân nga đôi câu “Con tôi khát sữa bú tay / Ai cho bú thép ngày rày mang ơn… Ầu ơ…”. Thỉnh thoảng thầy còn nấu ăn cho lũ trẻ trong gian bếp nhỏ hẹp. Lũ trẻ thường xuyên bám thầy cả, đứa ôm cổ, đứa nắm tay, đứa níu vạt áo lăng xăng xung quanh như sợ chỉ chậm chút thôi thầy đi mất. Cô bảo mẫu phụ trách chăm 14 trẻ cho biết: “Đang ăn cơm mà thấy thầy, mấy đứa cũng bỏ luôn để chạy tới”.

Thầy cả thường rong ruổi nhiều nơi, thăm chùa khác, làm việc thiện, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Lòng nhân ái của thầy được nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp sức, duy trì việc nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh. Thầy cả tâm sự: “Khi tiếp nhận các bé sơ sinh, tôi rất xúc động. Bồng các bé trên tay, nhìn các bé ngây thơ cười hồn nhiên, tay chân vẫy động như thiên thần, tôi bối rối không biết phải làm sao cho đúng, phải làm gì đây cho các bé”. Ở tuổi 67, thầy cả vẫn mải mê làm công việc thiện nguyện. Thầy tâm niệm rằng niềm hạnh phúc của người khác là niềm an lạc của bản thân mình.

AN YÊN

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu sinh ra ở An Phú Đông (Q.12), bén duyên Phật pháp từ năm lên 10 tuổi. Ngày 18/3/1995, hòa thượng Thích Thiện Chiếu cùng nhiều Phật tử, các nhà hảo tâm thành lập cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo chùa Kỳ Quang II trên khuôn viên đất chùa. Ngày 7/8/2010, thầy nhận Huân chương lao động hạng ba. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII ngày 9/12/2012, thầy được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong hòa thượng. Năm 2015, thầy là một trong những gương điển hình thi đua yêu nước của TP.HCM.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI