Thấp thỏm giáo viên… hợp đồng

03/08/2018 - 05:57

PNO - Hơn 400 giáo viên hợp đồng, trong đó có nhiều người đã gắn bó với ngành giáo dục trên 20 năm, ở H.Thanh Oai, TP. Hà Nội đang đứng ngồi không yên vì sợ mất việc.

Hơn 1.400 giáo viên ở tỉnh Cà Mau đang bị xem xét chấm dứt hợp đồng. Trước đó, hơn 500 giáo viên ở tỉnh Đắk Lắk lao đao vì nguy cơ bị cắt hợp đồng. Để có một giáo viên đứng lớp không hề đơn giản, vậy tại sao bỗng dưng họ bị mất việc?

Thap thom giao vien… hop dong
1.400 giáo viên ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ mất việc

Kinh nghiệm hơn 20 năm đâu dễ kiếm 

Ngày 19/7/2018, UBND H.Thanh Oai, TP.Hà Nội ra văn bản về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND TP.Hà Nội. Một trong những nội dung văn bản nêu: thực hiện việc phân cấp ký hợp đồng lao động tại các trường công lập thuộc các huyện, UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được UBND huyện ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền từ ngày 1/9/2018. Sau khi văn bản này được ban hành, hơn 400 giáo viên đứng ngồi không yên vì sợ mất việc.

Một giáo viên mầm non ở H.Thanh Oai đã có thâm niên 23 năm gắn bó với nghề, nay sắp nghỉ hưu thì đứng trước nguy cơ mất việc, loay hoay mãi vẫn không nghĩ ra mình có thể xin làm việc gì ở tuổi xấp xỉ 50. 

Cách đây vài tháng, hàng ngàn giáo viên thuộc diện hợp đồng tại tỉnh Hải Dương cũng đột ngột bị dừng trả lương bởi dựa theo quy định về biên chế. Dù họ đã cống hiến nhiều năm trong ngành giáo dục như bao đồng nghiệp, nhưng lại mang một thân phận khác: lao động vượt biên chế (!) và kho bạc tỉnh không thanh toán tiền lương cho đối tượng này.

Trong năm học 2017-2018, tỉnh Hải Dương giao tổng chỉ tiêu cho ngành giáo dục là 21.737, nhưng tổng số giáo viên sử dụng thực tế tại các cơ sở giáo dục công lập là 23.817 người (trong đó có 19.344 biên chế), 2.080 lao động hợp đồng. 500 giáo viên hợp đồng ở Đắk Lắk cũng lao đao vì đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng. 

Trước khi đứng trước nguy cơ mất việc, giáo viên hợp đồng đã phải chịu sự “phân biệt” lớn so với đồng nghiệp. Những người được ký hợp đồng tại H.Thanh Oai chỉ được hưởng mức lương tối thiểu bậc 1 (trước đây là 290.000 đồng/tháng/giáo viên; sau đó lên 350.000  đồng/tháng/giáo viên và bây giờ là 1.350.000 đồng/giáo viên/tháng. Có thể thấy, giáo viên hợp đồng chịu rất nhiều thiệt thòi, từ chế độ đãi ngộ đến lương. Và giờ đây, họ đang có nguy cơ mất luôn những đồng lương bèo bọt. 

Nếu không yêu trường lớp, yêu nghề, chắc hẳn họ khó có thể gắn bó với đồng lương này. Có những giáo viên đã trải qua chín lần thi công chức mà vẫn chưa trúng tuyển. Một giáo viên dạy văn Trường THCS Xuân Hòa (H.Thanh Oai) thất vọng, lo lắng sau 20 năm bám trụ với trường lớp: “Tôi đã dạy học từ năm 1998 đến nay. Bây giờ, nếu không còn được đi dạy nữa thì thiệt thòi quá. Chỉ mong cấp trên tạo điều kiện để những giáo viên như tôi được dạy học và đóng thêm bảo hiểm. Giáo viên diện hợp đồng luôn khó khăn hơn đồng nghiệp rất nhiều. Đồng lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó, nhiều người đã bỏ nghề. Mình tuổi đã lớn nên cố bám trụ. Hiện, đã đóng bảo hiểm được gần 20 năm nhưng giờ sợ rằng không được duy trì nữa, chỉ mong muốn điều này để tuổi già có cái mà sống”.

Trưởng phòng GD-ĐT một quận tại TP.HCM chia sẻ: “Không chỉ giáo viên hợp đồng không được danh chính ngôn thuận mà rất nhiều vị trí việc làm cần thiết trong trường học như kế toán, nhân viên y tế đều không được thừa nhận. Dù trước đó, quy định cũng do các bộ “đẻ” ra, trường học tuyển dụng họ về làm việc, rồi giờ lại thay đổi quy định, đẩy họ ra. Trong khi thực tế các đơn vị vẫn cần những lao động này làm việc và phải “lách” bằng cách ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp lao động. Phòng GD-ĐT của chúng tôi được giao chỉ tiêu 17 biên chế nhưng chỉ có 14 người (trong đó có ba quản lý). Còn thiếu bốn biên chế nhưng tuyển hoài không được, vì muốn về phòng GD-ĐT làm việc thì phải thi đậu công chức. Hơn nữa, làm việc ở phòng GD-ĐT thì lại mất quyền lợi so với giáo viên nên không ai thèm về. Ngược lại, người thuộc biên chế nhưng không làm được việc thì về cũng như không”.

Không thể vắt chanh bỏ vỏ

Trở lại với câu chuyện của hơn 400 giáo viên hợp đồng tại H.Thanh Oai. Từ năm 2012 trở về trước, trong lúc các trường đang thiếu giáo viên, UBND H.Thanh Oai có ký hợp đồng với những giáo viên từ cấp mầm non đến THCS. Giờ đây, với quy định mới, những giáo viên làm hợp đồng với UBND H.Thanh Oai sẽ phải chấm dứt hợp đồng để chuyển giao cho các hiệu trưởng ở các trường ký tiếp.

Nghe có vẻ như giáo viên không bị ảnh hưởng gì nhưng vấn đề đặt ra là hiệu trưởng có quyền ký hoặc không ký hợp đồng tiếp với những giáo viên này. Số phận của họ, một lần nữa, sẽ phụ thuộc vào hiệu trưởng. Giả sử, hiệu trưởng không ký thì họ sẽ ra sao, sau ngần ấy năm chỉ biết có bục giảng và học trò? 

Một giáo viên lâu năm trong nghề bức xúc nói: chúng ta không thể sử dụng người thầy theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Khi thiếu thì tuyển, khi hết nhu cầu lại đẩy ra. Họ gắn bó với nghề nhiều năm như vậy, không trả được đồng lương cao cũng không nên ứng xử thiếu đạo lý.

Chưa có một thống kê đầy đủ nhưng có thể thấy hầu hết các địa phương đều sử dụng nhân sự hợp đồng để lấp vào lỗ trống nhân sự cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế. Những nhân sự này họ đâu làm gì sai trái, sao bỗng dưng lại có nguy cơ mất việc? 

 Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI