Thắp sáng, trao truyền ngọn lửa tri ân

27/07/2023 - 06:13

PNO - Những ngày tháng Bảy, các nghĩa trang liệt sĩ ấm áp khói hương, các trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh đón nhiều đoàn đến thăm viếng. Các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ trên cả nước nhắc chúng ta nhớ đến nghĩa vụ đền ơn đáp nghĩa, lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ, người có công.

 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, toàn thành phố hiện có 73.434 người thuộc diện chính sách, gồm thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công nuôi liệt sĩ… Năm nay, UBND TPHCM dự trù tổng kinh phí hơn 77 tỉ đồng cho công tác chăm lo diện chính sách. Ngoài ra, lãnh đạo TPHCM còn tổ chức đi thăm 5 trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 4 trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công thuộc các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Nghệ An.

UBND TPHCM cũng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND cấp quận, huyện kiểm tra, rà soát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho đúng với quy định pháp luật, đồng thời đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách chưa phù hợp, phát hiện và ngăn ngừa những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện, kiên quyết xử lý những trường hợp tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho người hưởng chính sách có công.

Từ nhiều năm qua, lãnh đạo TPHCM cũng luôn yêu cầu chính quyền các địa phương, sở, ngành liên quan tham mưu để UBND thành phố ban hành các chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, tăng cường các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng có mức sống bằng và khá hơn so với mức sống trung bình của cư dân thành phố.

Trong những ngày này, tôi tìm nhà ông Huỳnh Lập Hiến (57 tuổi) để trò chuyện. Ông là thương binh 1/4 (đặc biệt nặng) với tỉ lệ thương tật 92%. Trong căn nhà nhỏ ở quận 3, ông Hiến kể về cái ngày định mệnh năm 1987 tại chiến trường Campuchia: “Tôi bị vướng mìn, một mảnh ghim thẳng vào cột sống lưng”. Vết thương làm ông liệt từ ngực trở xuống. Sau đó, bác sĩ tiếp tục cắt bỏ toàn bộ chiếc chân trái hoại tử của ông. Ông Hiến phải đi ngoài thông qua ống dẫn, không vợ con, phải thuê người nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ông cho biết, tổng thu nhập của ông khoảng 13 triệu đồng/tháng, toàn bộ là từ nguồn trợ cấp, phụ cấp dành cho thương binh, trợ cấp cho người phục vụ. Ông nói: “Tôi sống nhờ trợ cấp... Tôi vẫn luôn cảm nhận rõ giá trị của hòa bình”.

Để những cựu binh là thương binh đặc biệt nặng như ông Hiến vẫn tiếp tục can trường chiến đấu mỗi ngày với nỗi đau thể xác và tinh thần, rất cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các cộng đồng và cá nhân xuất phát từ tấm lòng, trách nhiệm. 

Chúng ta cần hiểu rằng, quà tặng hay bất cứ nghĩa cử nào dành cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ không bao giờ bù đắp nổi những hy sinh, mất mát của họ. Do đó, tấm lòng, trách nhiệm không chỉ nên được thể hiện qua các hoạt động kỷ niệm, thăm viếng, chăm lo vật chất, tinh thần trong hiện tại mà cần được tiếp nối, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nói cách khác, các nghĩa cử hiện tại phải thắp sáng được ngọn lửa tri ân, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh nơi các thế hệ tiếp nối. Đó có lẽ là món quà lớn nhất dành cho những người có công với đất nước. 

Quốc Ngọc

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI