Thận trọng khi xin sữa mẹ từ các hội nhóm trên mạng

09/10/2023 - 06:19

PNO - Trên những hội nhóm cho, tặng sữa mẹ đang lan truyền thông tin sai lệch như xin sữa cho bé trai thì phải từ bà mẹ cũng đang nuôi con trai, mẹ bị viêm gan B vẫn cho sữa được... Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ khi các bà mẹ tin tưởng làm theo.

Xin sữa phải theo giới tính của trẻ?

Hiện nay, các thành viên của những hội nhóm về sữa mẹ từ vài ngàn cho tới trên 50.000 người. Các chủ đề mới được đăng tải hầu như đều được rất đông thành viên theo dõi, bình luận, hưởng ứng. Những hội nhóm này chủ yếu lập ra để trao đổi thông tin liên quan tới việc nuôi con bằng sữa mẹ, cho tặng và thậm chí là mua bán, trao đổi sữa mẹ. Người tham gia hội nhóm có thể là các bà mẹ thiếu sữa nên tìm xin, mua sữa mẹ cho con. Cũng có rất nhiều bà mẹ hảo tâm, dư sữa nuôi con nên trữ đông, đem tặng người cần. Một số bà mẹ thì trao đổi sữa bằng vật dụng cho trẻ sơ sinh để khỏi mắc nợ ân tình của người tặng. Ngoài ra, còn có những kẻ trà trộn vào nhóm nhằm trục lợi, lấy sữa bò pha làm sữa mẹ, xin sữa mẹ rồi đem bán lấy tiền…

Một bà mẹ tên C.V. đăng tải trên hội cho và tặng sữa mẹ rằng mình vô cùng bất ngờ khi nhiều người cho biết sữa mẹ cho con phải theo giới tính. Ví dụ xin sữa cho bé trai thì phải từ bà mẹ cũng đang nuôi con trai... Vì sữa của người mẹ đang nuôi con trai sẽ khác với sữa của người đang nuôi con gái. Nếu không để ý chuyện này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Ngay khi chủ đề này được nêu ra, rất nhiều người vào bình luận hưởng ứng, thậm chí còn nói trên thế giới họ làm như vậy từ lâu rồi (?).

Thậm chí, một bà mẹ tên là T.X. còn chia sẻ cho mọi người về tài liệu mình sưu tầm được, liên quan tới việc tại sao phải cho trẻ bú sữa theo đúng giới tính. Đại khái nội dung của trang tài liệu kia nói rằng có nghiên cứu phát hiện cơ thể của người mẹ điều chỉnh sữa theo giới tính của trẻ. Một số thí nghiệm cho thấy sữa mẹ cho bé trai chứa nhiều chất béo, đạm, đặc và giàu dinh dưỡng hơn. Bên cạnh đó, sữa cho bé gái lại nhiều can xi và ít chất béo hơn. Bé trai và bé gái phát triển rất khác nhau, chính vì thế sữa mẹ cũng tự điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của trẻ.

 

Không ít trường hợp bị lừa bởi “sữa tặc” khi lên các hội nhóm xin sữa mẹ - Ảnh chụp từ  trang mạng xã hội
Không ít trường hợp bị lừa bởi “sữa tặc” khi lên các hội nhóm xin sữa mẹ - Ảnh chụp từ trang mạng xã hội

Trẻ uống đúng loại sữa sẽ giúp kích thích xương và não theo hướng phù hợp với giới tính. Do đó, với những mẹ không đủ sữa, khi xin sữa người khác cho con cũng cần lưu ý cả điều này.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ - cho biết, chọn sữa theo giới tính là không có cơ sở khoa học. Các hoóc môn trong sữa mẹ gồm hoóc môn cận giáp, insulin, leptin... và không có hoóc môn liên quan giới tính như progesterone hay testosterone. Các hoóc môn có trong sữa mẹ chủ yếu liên quan tiêu hóa. 

Bị viêm gan B vẫn cho sữa

Trên những hội nhóm về sữa mẹ này còn có các khái niệm rất lạ. Chẳng hạn, ai cũng biết rằng khi mẹ bị nhiễm viêm gan B thì không được cho tặng sữa. Thế nhưng vẫn có người mẹ công khai đăng lên là mình bị nhiễm viêm gan B, trữ đông rất nhiều sữa và muốn tặng cho những bé có mẹ cũng bị viêm gan B nhưng thiếu sữa; hoặc các bé đã được tiêm 2 mũi huyết thanh viêm gan B sau sinh vì có mẹ bị viêm gan B. Ngay sau khi thông tin được đăng tải, rất nhiều mẹ vào xin sữa cho con mình. Cũng có một số ý kiến dè dặt, khuyên người cho sữa coi chừng người xấu đi xin rồi lại bán hoặc đổi cho các mẹ khác.

Vì trao đổi sữa mẹ tự phát nên không ít trường hợp gặp rủi ro. Một bà mẹ tên B. kêu ca rằng mình bị mất sữa, con gái mới sinh lại dị ứng với đạm sữa bò. Chính vì thế, chị B. đã lên một hội nhóm để mua sữa mẹ cho con. Chị B. được một người bán cho 50 bịch sữa mẹ với giá 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi về cho con gái uống thì bé lập tức bị dị ứng. Lúc này, chị B. mới hỏi các thành viên trên nhóm, biết được người bán sữa mẹ cho mình là “sữa tặc”. Người này có cả chục nick ảo, chuyên đi xin sữa về để bán lấy tiền hoặc pha sữa bò ra giả làm sữa mẹ đem bán. Một mẹ khác nói rằng có những “sữa tặc” lập rất nhiều nick ảo, chuyên đi lừa những bà mẹ trẻ, thiếu kinh nghiệm. Các bé uống phải sữa trao đổi từ những đối tượng này có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Sữa mẹ hiến tặng cho ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ đạt quy chuẩn nghiêm ngặt về an toàn trong quá trình sàng lọc, vận chuyển, xử lý và lưu trữ - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Sữa mẹ hiến tặng cho ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ đạt quy chuẩn nghiêm ngặt về an toàn trong quá trình sàng lọc, vận chuyển, xử lý và lưu trữ - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh khẳng định, mẹ bị viêm gan B hoặc C không được chia sẻ sữa của mình vì nguy cơ lây truyền vi rút qua sữa. Cùng là bệnh do vi rút viêm gan B gây ra nhưng mức độ bệnh khác nhau. Khi mẹ không có sữa thì nên tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Xin sữa mẹ không rõ nguồn gốc, sử dụng không qua xử lý và xét nghiệm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ. Sữa là môi trường dinh dưỡng cho vi khuẩn phát triển, nên cần đảm bảo vệ sinh và các quy chuẩn an toàn khi vắt, lưu trữ và vận chuyển. Người cho sữa có thể mắc bệnh lây qua sữa mẹ mà không có triệu chứng (vi rút HIV, viêm gan B, C, CMV…), con của họ cũng vậy, vì các bệnh này có thời gian ủ bệnh rất lâu. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phòng khám sản phụ khoa Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - khuyên các bà mẹ không nên trao đổi sữa mẹ một cách tự phát dựa trên niềm tin. Sữa mẹ không đạt chuẩn sẽ trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ. 

Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, xin sữa mẹ có tránh được dị ứng hay không? Khi uống sữa mẹ đi xin, trẻ vẫn dị ứng thì có phải tại sữa mẹ đã bị pha với sữa bò? Đó là một trong nhiều câu hỏi được các bà mẹ đặt ra trên các diễn đàn về sữa mẹ. Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh cho biết bằng cảm quan có thể phân biệt 2 loại sữa bằng mùi: sữa mẹ có mùi nồng đặc trưng, sữa công thức thơm mùi vani. Nếu pha loãng sữa công thức và pha chung với sữa mẹ thì khó phân biệt. Trẻ dị ứng protein sữa bò thì người mẹ cũng phải kiêng thịt bò, sữa bò. Nếu xin sữa từ những bà mẹ có chế độ ăn bình thường, không kiếng thịt bò, sữa bò thì trẻ uống vẫn bị dị ứng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI