Thái độ là một phần của năng lực

22/07/2025 - 06:34

PNO - Chuyển đổi nghề nghiệp với người dôi dư do tinh giản biên chế chưa bao giờ dễ dàng.

Tinh giản biên chế là xu thế tất yếu nhằm nâng cao hiệu lực của bộ máy. Nhưng quá trình này cũng khiến hàng chục ngàn cán bộ, công chức phải rời vị trí quen thuộc.

Nhiều người trong số đó bước ra thị trường lao động với tâm thế chưa sẵn sàng. Có người loay hoay tìm việc, có người mang theo mặc cảm bị đào thải, nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực thì đây là cơ hội để bước sang một giai đoạn mới độc lập hơn, chủ động hơn và thậm chí phù hợp hơn với thị trường đang chuyển động từng ngày.

Điều kiện tiên quyết là người lao động cần được tái định hướng nghề nghiệp một cách nghiêm túc chứ không chỉ nhận một khoản hỗ trợ tài chính rồi tự “bơi”. Việc chủ động đánh giá lại kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân xem mình có thế mạnh gì sẽ giúp họ định hình lại lối đi phù hợp.

Thực tế, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức từng có trải nghiệm quản lý hành chính, điều phối tổ chức, xử lý hồ sơ, dự án… Kinh nghiệm ấy không mất đi mà có thể phát huy trong nhiều môi trường khác: doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội, giáo dục, logistics, các tổ chức phi chính phủ hoặc những chương trình phát triển cộng đồng cần nhân sự có tư duy hệ thống. Vấn đề là họ cần được chuẩn bị lại để thích nghi, gồm đánh giá kỹ năng, xác định thế mạnh, học thêm kỹ năng mới (đặc biệt là kỹ năng số, quản trị, truyền thông), hoàn thiện lại hồ sơ ứng tuyển, làm quen với phương thức tìm việc hiện đại.

Chuyển đổi nghề nghiệp với người dôi dư do tinh giản biên chế chưa bao giờ dễ dàng. Năm 2025 và những năm tới, nhu cầu tuyển dụng sẽ ngày càng hướng đến chất lượng chuyên môn thay vì số lượng. Khó khăn nhất với lực lượng công chức, viên chức là phần lớn không thuộc nhóm lao động phổ thông nhưng cũng không dễ hòa nhập vào các vị trí kỹ thuật, chuyên sâu. Trong khi đó, doanh nghiệp cần người có kỹ năng thực tế, tinh thần học hỏi, thái độ cầu tiến và khả năng thích nghi. Vì vậy, nhóm lao động sau tinh giản rất dễ rơi vào vùng trũng thất nghiệp dài hạn.

Để tránh kịch bản đó, cần một hệ sinh thái hỗ trợ đủ sâu. Trước hết, các trung tâm dịch vụ việc làm, trường nghề, cơ sở đào tạo cần được giao nhiệm vụ rõ ràng: tư vấn nghề cá nhân, đánh giá kỹ năng, tổ chức lớp đào tạo ngắn hạn theo đúng nhu cầu thị trường, hỗ trợ kết nối tuyển dụng. Bên cạnh đó, các chính sách cần được thiết kế theo hướng hỗ trợ thực chất: miễn, giảm học phí đào tạo lại, trợ vốn khởi nghiệp nhỏ lẻ, ưu đãi tín dụng cho người học nghề, mở rộng diện tiếp cận sàn việc làm…

TPHCM cần xây dựng cơ chế phân loại rõ nguồn lao động sau tinh giản, phối hợp với doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả các chương trình xuất khẩu lao động để kết nối nguồn nhân lực phù hợp. Với nhóm có kinh nghiệm quản lý, vận hành, điều phối, có thể hướng họ đến các vị trí hành chính, nhân sự, dự án của doanh nghiệp. Với nhóm có kỹ năng đặc thù, có thể đào tạo bổ sung để tiếp tục làm việc ở lĩnh vực có nhu cầu cao về nhân lực như giáo dục, truyền thông, logistics, tổ chức xã hội…

Nguồn lực sau tinh giản không chỉ cần việc làm mà còn có thể khởi sự kinh doanh nếu có điều kiện tiếp cận chính sách phù hợp. Rất nhiều cán bộ, công chức sau khi nhận khoản hỗ trợ tài chính đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh doanh gia đình, khởi nghiệp dịch vụ hoặc chuyển sang làm nghề tự do. Đây là xu hướng cần được khuyến khích.

Điều quan trọng là tinh thần học hỏi và chủ động thích nghi. Một hồ sơ đẹp không đảm bảo cơ hội bằng một ứng viên biết học kỹ năng mới, cập nhật công nghệ và hiểu rõ giá trị bản thân. Trong thị trường lao động mới, thái độ là một phần của năng lực.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM
Mai Ca (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI