“Tẩu hỏa nhập ma” do hít thở sai cách

06/04/2021 - 06:44

PNO - “Tẩu hỏa nhập ma” không chỉ có trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, ngày nay nhiều người mắc triệu chứng này do hít thở sai cách trong quá trình tập thái cực quyền, dịch cân kinh, tập thở, thiền định, yoga… mà y học hiện đại gọi là rối loạn khí công hay rối loạn tâm - thần kinh.

 

Nhiều người tự mua sách luyện khí công về nhà tập hít thở
Nhiều người tự mua sách luyện khí công về nhà tập hít thở

“Bác sĩ ơi, có khí chạy tùm lum trong người”

Bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên Viện phó Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, đã về hưu nhưng nhiều bệnh nhân vẫn tìm đến để giải cứu vì bị “tẩu hỏa nhập ma”. Cách đây vài ngày, nam bệnh nhân Đ.Q.H. (60 tuổi, nhà ở tỉnh Đồng Nai) tìm đến bác sĩ Năm điều trị chứng mất ngủ, có khi ngủ li bì, thiếu sức sống, không muốn làm việc, dù vài tháng trước ông vẫn khỏe mạnh. 

Trước đó, người nhà đã đưa ông H. đến bác sĩ tâm thần và được cho thuốc điều trị rối loạn lo âu; sau đó đến bác sĩ nội thần kinh cho uống thuốc tuần hoàn não… nhưng không khỏi. Sau một hồi bác sĩ khai thác bệnh sử, ông H. chia sẻ có tập thở, luyện khí công để cải thiện hô hấp. Nghi tẩu hỏa nhập ma, bác sĩ Năm yêu cầu ông thử lại bài tập để xem cách thở. Ông H. hít sâu và nín thở, mặt liền đổi sắc đỏ, cổ nổi gân, má phồng lên… Bác sĩ Năm giải thích do nín thở sai cách nên thanh quản đóng lại làm tăng áp lực trong lồng ngực, khiến máu về tim bị cản trở, giảm trao đổi khí O2 và CO2, các tế bào cơ thể thiếu O2 (đặc biệt là não). 

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 58 tuổi nhập viện trong tình trạng cứng toàn thân. Qua thăm khám, bệnh nhân cho biết đã tập vẩy tay và hít thở sâu để ngừa ung thư. Tuy nhiên, thay vì mỗi lần tập vẩy tay 1.200 cái, ông tập tới 3.000 cái và kết hợp hít thở… sai. Bác sĩ Vũ cho biết bệnh nhân kiệt sức, cứng toàn thân do tập quá “liều”; đồng thời, có dấu hiệu tẩu hỏa nhập ma do hít thở sai. Sau điều trị 7-10 ngày, bệnh nhân mới dần ổn định. 

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, chia sẻ, từng tiếp nhận nam sinh viên chạy vào bệnh viện vì cho rằng “có khí chạy tùm lum trong người”. Bác sĩ Lan cũng gặp nhiều bệnh nhân bị tẩu hỏa nhập ma do luyện khí công từ các môn võ. Có thời điểm, Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị tẩu hỏa nhập ma do trào lưu luyện khí công nở rộ.

Không nên tự học khí công
Không nên tự học khí công

Tại sao bị tẩu hỏa nhập ma?

Các bác sĩ phân tích: cơ thể con người có khoảng 200 triệu phế nang ở hai lá phổi. Nếu đem phế nang trải ra thì diện tích lên tới 50-100m2, tương đương với căn nhà phố. Do đó, nếu không tập hít thở sâu mà chỉ thở thông thường thì lâu ngày, diện tích phế nang này bị thu hẹp.

Đặc biệt, những người thường xuyên hút thuốc lá hay do ô nhiễm môi trường, nếu không tập hít thở sâu thì diện tích phế nang thu hẹp càng nhanh, dẫn đến khó khăn trong việc trao đổi khí. Việc tập hít thở sâu trong luyện khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền định… rất tốt cho sức khỏe, cải thiện chức năng tim mạch, hô hấp. Thế nhưng, không phải ai cũng thực hiện đúng.

Nhiều năm nghiên cứu khí công trong Đông y, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan cho rằng: khí công có nhiều trường phái khác nhau về động tác nhưng giống nhau về nguyên lý, và vấn đề chính nằm ở cách hít thở. Cụ thể, ở người bình thường, việc hít thở mang tính bị động, khi hít vô mũi sẽ có 0,4 lít không khí, trong đó 0,2 lít có nhiệm vụ giúp nở đường thở, còn 0,2 lít đi vào phổi. Còn hít thở trong luyện khí công gọi là hô hấp chủ động vì phải hít sâu rồi vận khí xuống bụng con, sau đó nín thở.

Lúc này, lượng không khí qua mũi tới 3,5 lít và sẽ đi vào phổi tới 3,3 lít, giúp phế nang nở ra nhiều hơn. Chính vì chênh lệch giữa hô hấp chủ động tới 3,3 lít không khí vào phổi so với 0,2 lít khi hít thở bị động, lượng O2 trong máu của người tập khí công cao gấp ba lần so với người thường. Điều này giúp hệ hô hấp và tuần hoàn ở người có tập khí công lưu thông tốt hơn. Nhưng vấn đề khiến người tập bị tẩu hỏa nhập ma là do nín thở sai cách. Ngoài động tác đóng thanh quản khi nín thở, còn do một số người nín thở quá mức khiến lượng O2 đưa từ không khí bên ngoài vào không còn, mà chỉ còn lại CO2 nên gây độc cho cơ thể. 

Tập hít thở cần các chuyên gia hướng dẫn
Tập hít thở cần các chuyên gia hướng dẫn

Theo bác sĩ Trần Văn Năm, tùy mức độ và thời gian luyện tập sai ở mỗi người, có thể bị ảnh hưởng tẩu hỏa nhập ma khác nhau. Về thể chất, người bệnh đau ngực, tăng tiết mồ hôi, đau mỏi các cơ, đầy bụng, chậm tiêu… Về tinh thần thì bồn chồn, khó tập trung, nặng đầu, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, giảm trí nhớ. Nếu không điều trị, vẫn hít thở sai thì bệnh nặng hơn như: rối loạn cảm xúc, ảo giác, hoang tưởng, không kiểm soát được cử động, tin vào điều phi lý, rối loạn tiêu hóa, tê rần giống như điện lan tỏa khắp cơ thể…

Về điều trị cho người tập khí công bị tẩu hỏa nhập ma, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan kể: “Trong một lần sang Trung Quốc, tôi có gặp một khí công đại sư. Ông mô tả lợi hại của khí công và khẳng định có tẩu hỏa nhập ma. Tôi hỏi tại sao thì ông giải thích do sai lầm trong quá trình vận khí. Để điều trị ngay cho bệnh nhân phải có vị khí công đại sư giúp vận công. Nhưng ở Việt Nam không biết ai là khí công đại sư và chữa bệnh bằng cách nào thì ông cho biết chỉ cần nói người bệnh ngưng tập, sau 1-2 năm cơ thể sẽ trở lại bình thường”.

Bác sĩ Trần Văn Năm chia sẻ: chứng rối loạn tâm - thần kinh khi tập khí công sai kỹ thuật là dạng rối loạn tâm thần và hành vi, được y học Trung Quốc gọi là rối loạn khí công. Còn phương Tây cũng ghi nhận hiện tượng rối loạn tâm - thần kinh ở một số người tập khí công gọi là phản ứng loạn thần khí công. Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn chưa có trong danh sách phân loại bệnh nên bác sĩ gọi chung là tẩu hỏa nhập ma. 

Nếu bị tẩu hỏa nhập ma nên tạm dừng tập và kiểm tra cách thực hiện thở sâu, thở bụng, dẫn khí… Song song đó, tập thư giãn, mát-xa, thả lỏng để cơ thể trở về trạng thái bình thường. Nếu không chắc, nên tìm một thầy thuốc hoặc chuyên viên tập khí công, dưỡng sinh ở các bệnh viện chuyên về Đông y để hướng dẫn lại đúng kỹ thuật. Nếu bệnh nặng, cần được bác sĩ tư vấn tâm lý, châm cứu, bấm huyệt… Việc uống thuốc chỉ giảm triệu chứng, chứ không hết bệnh nếu người bệnh vẫn tập hít thở sai. 

Trương Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI