Bệnh trầm cảm: Yêu thương - phương thuốc diệu kỳ!

Tại sao mạng xã hội không tốt cho sức khỏe tâm thần?

07/04/2021 - 06:34

PNO - Tại sao người ở nông thôn có sức khỏe tâm thần tốt hơn người ở thành thị? Có nhiều yếu tố để đánh giá nhưng yếu tố quan trọng: nông thôn là một cộng đồng nhỏ trong khi thành thị là cộng đồng quá lớn.

Việc giao tiếp giữa người và người mang lại rất nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần chứ không hoàn toàn đơn giản và vô hại như chúng ta thường nghĩ. Bởi vì sự tiếp xúc giữa hai người là sự va chạm giữa hai bản ngã. Mà bản ngã luôn có những quan điểm, thành kiến, nhân sinh quan, thế giới quan hoàn toàn đặc thù và khác nhau. 

Chẳng hạn như, hai đứa con sinh ra trong một gia đình, hấp thu giáo dục, văn hóa, xã hội hoàn toàn giống nhau nhưng là hai bản ngã hoàn toàn khác nhau. Huống hồ chi hai con người xa lạ có những hoàn cảnh, trải nghiệm, thế giới quan, nhân sinh quan khác nhau. 

Như vậy, giao tiếp ít người, ở khía cạnh nào đó, là sự va chạm - xung đột giữa các bản ngã được hạn chế lại, các ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần không sâu sắc ở cường độ, mức độ và phạm vi. 

Mạng xã hội là một thế giới bao la so với cuộc sống thật. Trong cuộc sống thật, một ngày chúng ta giao tiếp chỉ với những người trong gia đình, vài hàng xóm chung quanh và một số đồng nghiệp, cộng sự. Có thể nói số người chúng ta giao tiếp, tương tác mỗi ngày chỉ khoảng 10-30 người. 

Còn khi chúng ta lướt Facebook, có khi đến hàng trăm, hàng ngàn người với vô số hình ảnh, quan điểm, tâm sự, ý kiến, cảm xúc. Một khối lượng thông tin khổng lồ như vậy tác động mạnh vào bản ngã của chúng ta. Chúng ta thương, ghét, đồng tình, phản đối, ganh tỵ, mặc cảm, lo lắng… Cả thế giới tâm thần của chúng ta như rơi vào cơn bão thông tin và cảm xúc. Có thể nói bản ngã của chúng ta tương tác, xung đột với hàng trăm, hàng ngàn bản ngã khác. Làm sao bình yên được? 

Bạn có bao giờ tự hỏi bạn tham gia mạng xã hội để làm gì không? 

Để thể hiện cuộc sống của bản thân đang rất ổn? Thế nhưng bạn có chắc người khác sẽ quan tâm tới cuộc sống của bạn; tới những tấm hình bạn đăng, những địa điểm sang chảnh bạn check-in hay ngôi nhà đẹp, món ăn ngon, người yêu hoàn hảo… của riêng bạn? 

Để có câu trả lời, bạn hãy tự hỏi: Bạn có quan tâm đến cuộc đời của người khác không? Hay cuộc sống của người khác trôi vèo qua mắt bạn?

Bạn tham gia mạng xã hội mong tìm được sự chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm của mình? Để than thở cuộc sống quá khó khăn? Để thể hiện quan điểm sống rất riêng tư của bạn? 

Tôi chỉ muốn đặt lại câu hỏi: bạn có quan tâm đến những quan điểm, suy nghĩ của người khác không? Có phải bạn đọc qua rồi các con chữ bay biến ra khỏi đầu bạn ngay sau đó, để rồi bạn quay lại với những vấn đề của chính mình? Họa hoằn thay là những người bạn thân thiết, những người thật sự yêu quý bạn mới quan tâm tới suy nghĩ của bạn. Song, nếu đã là bạn thân hay người thân thì có cần phải lên mạng xã hội và viết ra? 

Nếu không tin, bạn thử đóng Facebook của bạn xem, vài tuần trôi qua và chỉ một vài người chú ý hay nhận ra điều đó. 

Mạng xã hội có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của bạn. Vì nó xóa nhòa khoảng cách và thời gian nên nó khiến các bản ngã va chạm và xung đột với nhau ở cường độ, mức độ, phạm vi rất lớn. Những xung động từ các xung đột này tác động đến tâm thần chúng ta một cách vô hình nhưng liên tục và lâu dài. 

Đây chỉ là ý kiến riêng, việc tham gia mạng xã hội là do bạn quyết định. 

Việc ở lại mạng xã hội cũng tùy từng cá nhân. Một người khỏe mạnh thì vác ba-lô 10kg trên lưng vẫn vô tư nhưng một người có sức khỏe kém thì vác ba-lô 10kg sẽ ngã quỵ ngay. Hơn nữa, nếu còn khỏe, người ta vẫn có thể vác ba-lô trên lưng, khi không còn chịu nổi thì chắc chắn họ sẽ ném cái ba-lô đó xuống mà không cần ai khuyên nhủ. 

Trong công trình nghiên cứu của Meyer-Linderberg và nhiều nghiên cứu tương tự khác, các nhà khoa học phát hiện rằng, bộ não của người dân đô thị có phần hạch hạnh nhân (amygdala) phát triển và linh hoạt hơn hẳn cư dân nông thôn. Hạch hạnh nhân là cơ quan đảm trách những phản ứng cảm xúc trong não.

Nhiều nhà khoa học và chuyên gia tâm lý nhất trí rằng, việc hạch hạnh nhân liên tục hoạt động và phát triển vượt mức bình thường khiến tâm trí con người dễ bị tổn thương bởi các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, dẫn đến stress, trầm cảm và nhiều chứng rối loạn tâm lý khác.
Nghiên cứu trên tạp chí Nature đã chỉ ra: người sống ở thành thị có nguy cơ rối loạn trí não cao hơn 39% so với người sống ở vùng nông thôn.

 Đạo diễn Bùi Quốc Bảo

(nhân vật đã tạm ngưng dùng mạng xã hội như một cách để điều trị căn bệnh trầm cảm của mình)

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 40 giây, trên thế giới lại có một người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường để trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch.

Theo một thống kê tại Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM), có đến 6% dân số tại TP.HCM mắc bệnh trầm cảm. Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm nặng đều từng trải qua những khoảnh khắc muốn tự tử. Khi đó, chỉ cần một cú huých nhẹ cũng có thể khiến họ rơi xuống vực. Nhưng, một cái níu nhẹ cũng có thể giúp họ dừng lại, tiếp tục sống để có cơ hội lành bệnh.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi, để thấy tình yêu thương trở thành phương diệu kỳ cho căn bệnh thời đại này, qua email: online@baophunu.org.vn hoặc bạn có thể để lại phần bình luận dưới bài viết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI